Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho. (Nguồn: AFP) |
Theo dự kiến, ngày 30/11, Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong-ho sẽ viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội đàm với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và chào xã giao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Việt Nam và Triều Tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 31/1/1950. Triều Tiên là nước thứ 3 mà Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, sau Trung Quốc và Liên Xô. Từ đó đến nay, hai nước đã tiến hành trao đổi trên 50 đoàn thăm viếng lẫn nhau từ cấp Bộ trưởng trở lên nhằm duy trì và củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống. Chuyến thăm gần đây nhất của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đến Việt Nam diễn ra vào tháng 8/2014.
Từ đầu năm 2018, có thể chứng kiến những điều chỉnh quan trọng trong chính sách đối ngoại của Triều Tiên. Trong bài phát biểu đầu năm mới 2018, Chủ tịch Kim Jong-un nhấn mạnh thông điệp Triều Tiên sẽ phát triển quan hệ hữu nghị với tất cả các nước tôn trọng chủ quyền và đối xử hữu nghị với Triều Tiên, đồng thời nỗ lực góp phần xây dựng thế giới mới hòa bình và công bằng.
Hội nghị TƯ 3 của Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 4/2018 cũng xác định mục tiêu nỗ lực tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa, tích cực hòa giải, đối thoại với các nước xung quanh và cộng đồng quốc tế.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gặp Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 và các Hội nghị liên quan tại Singapore, ngày 3/8. |
Triều Tiên thời gian vừa qua cho thấy định hướng coi trọng hơn phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời ra tuyên bố và chủ động có nhiều động thái cụ thể theo hướng phi hạt nhân hóa. Mặt khác, Triều Tiên cũng triển khai dồn dập nhiều hoạt động ngoại giao nhằm cải thiện quan hệ với Hàn Quốc. Hai nước đã tiến hành gặp thượng đỉnh liên Triều 2 lần, kèm theo các hoạt động giao lưu, tiếp xúc nhằm giảm căng thẳng và đối đầu quân sự, giải quyết các vấn đề nhân đạo, thúc đẩy cơ chế hòa bình lâu dài, tăng cường hợp tác kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân giữa hai miền Triều Tiên, đoàn tụ các gia đình li tán…
Trong quan hệ với Việt Nam, Triều Tiên luôn chủ trương không ngừng củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống lịch sử được nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Chủ tịch Hồ Chí Minh gây dựng. Điều này được thể hiện rất rõ trong phát biểu của ông Kim Yong-nam, Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao Triều Tiên với Đại sứ Việt Nam Lê Bá Vinh tại buổi lễ trình Quốc thư ngày 17/10/2018 vừa qua.
Chuyến thăm lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên sẽ là dịp để hai bên thảo luận những biện pháp cụ thể và thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước, phù hợp với định hướng, trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của mỗi nước.
Trên thực tế, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước còn ở mức hết sức khiêm tốn, quy mô giao dịch rất nhỏ và không ổn định. Nhận định về quan điểm được một số nhà quan sát cho rằng Triều Tiên mong muốn học theo mô hình kinh tế của Việt Nam, chia sẻ với tờ VnExpress mới đây, cựu Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Dương Chính Thức cho rằng, Triều Tiên có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về hoàn cảnh so với thời kỳ Việt Nam mới mở cửa năm 1986. Một số bài học mà Triều Tiên có thể học tập từ Việt Nam là con đường mà Việt Nam đã phá vỡ thế bao vây cấm vận của Mỹ và các nước khác sau chiến tranh. Triều Tiên cũng có thể trao đổi với Việt Nam về đường lối mở cửa, trao đổi kinh nghiệm về Luật Đầu tư nước ngoài để thu hút các nguồn lực FDI.