Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên thảo luận tổ về kinh tế xã hội năm 2024, kế hoạch 2025. (Nguồn: MPI) |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, 9 tháng từ đầu năm 2024, bất chấp bối cảnh kinh tế - xã hội thế giới gặp nhiều khó khăn, phức tạp, tình hình kinh tế-xã hội trong nước vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, khả năng đạt 15/15 chỉ tiêu Quốc hội giao.
6 giải pháp trọng tâm
Tuy vậy, các khó khăn, thách thức trước mắt vẫn còn nhiều, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.
Thứ nhất, ngành nông nghiệp và du lịch vẫn bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3.
Thứ hai, xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn như: Xung đột giữa các nước trên thế giới, cạnh tranh, bảo hộ.
Thứ ba, sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào các thị trường lớn.
Thứ tư, các kênh đầu tư phục hồi chậm, nhất là vốn đầu tư tư nhân và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước đạt kết quả thấp. Trong khi đó, việc tháo gỡ khó khăn ách tắc rất chậm, lãng phí rất nhiều nguồn lực.
Thứ năm, thị trường trong nước chưa được thúc đẩy và khai thác hiệu quả.
Trước tình hình này, Bộ trưởng cho biết, những tháng cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung vào 6 giải pháp trọng tâm.
Trong đó, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là tiếp tục hoàn thiện về thể chế và coi đây là giải pháp đột phá của đột phá.
Tại kỳ họp thứ 8 này, Chính phủ đang trình Quốc hội rất nhiều luật sửa đổi liên quan đến đầu tư, kinh doanh nhằm giải quyết ngay các vướng mắc, cản trở về thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền. Nếu được Quốc hội thông qua, các chính sách này sẽ góp phần giải phóng mạnh mẽ các nguồn lực để phục vụ phát triển, từ nguồn lực đầu tư nhà nước, nguồn lực tư nhân đến vốn nước ngoài.
Các giải pháp tiếp theo là: Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án về đất đai; thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản; thúc đẩy các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trong đó xác định đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, thu hút vốn FDI có chọn lọc (chú trọng các dự án lớn, dự án công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư chiến lược); đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, những ngành công nghiệp mới…
"Một là đổi mới thể chế, hai là phân cấp phân quyền"
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặc biệt nhấn mạnh hai vấn đề: Một là đổi mới thể chế, hai là phân cấp phân quyền.
Về thể chế, thời gian qua, Chính phủ tiến hành rất quyết liệt, tập trung cao độ cho đổi mới thể chế. Phát biểu tại phiên khai mạc Quốc hội mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề cập rất nhiều và yêu cầu rất cao với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Trong quá trình đổi mới thể chế, Chính phủ cũng luôn nhận được sự đồng hành của Quốc hội, thể hiện rất rõ ngay trong kỳ họp này.
Cụ thể, tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội rất nhiều quy định mới có tính đột phá. Đơn cử, trong dự thảo sửa đổi Luật đầu tư công lần này, Chính phủ đề xuất tách giải phóng mặt bằng dự án nhóm B và nhóm C để làm công tác chuẩn bị trước. Dự thảo Luật cũng đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền cho phép địa phương được đầu tư ngân sách phát triển của trung ương, hay cho địa phương này được dùng ngân sách để đầu tư dự án địa phương khác…
Luật Đầu tư sửa đổi lần này cũng có đột phá mạnh cho các dự án công nghệ cao. Theo đó, chúng ta sẽ thiết kế “luồng xanh” những dự án công nghệ cao hoặc sản xuất sản phẩm công nghệ cao theo danh mục Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Thứ nhất, doanh nghiệp đầu tư dự án công nghệ cao vào khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) sẽ không phải xin cấp giấy chứng nhận đầu tư mà chỉ cần giấy đăng ký đầu tư và trong vòng 15 ngày phải cấp xong giấy đăng ký cho nhà đầu tư.
Thứ hai, về thủ tục xây dựng, nhà đầu tư dự án công nghệ cao sẽ tự làm báo cáo tác động môi trường và báo cáo phòng cháy chữa cháy theo tinh thần tự làm, tự chịu trách nhiệm, không cần phải trình cơ quan cấp trên duyệt.
Ngoài đổi mới thể chế, công tác phân cấp, phân quyền cũng được đẩy mạnh theo tinh thần Hội nghị Trung ương 10 vừa qua: địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Câu hỏi đặt ra là khi phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, Chính phủ và Quốc hội sẽ làm gì?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ và Quốc hội sẽ giữ vai trò kiến tạo, xây dựng cơ chế chính sách và kiểm tra giám sát một cách “đúng vai, thuộc bài” như Tổng Bí thư đã yêu cầu.
"Các Luật sửa đổi mà Chính phủ trình nếu được Quốc hội thông qua kỳ họp này sẽ góp phần rất lớn trong thu hút vốn đầu tư phát triển, đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra", Bộ trưởng khẳng định.