📞

Bộ trưởng Tài chính Anh: Mỹ vỡ nợ sẽ 'hoàn toàn là thảm họa'

Vy Anh 15:04 | 13/05/2023
Anh cho rằng mâu thuẫn trong nội bộ nước Mỹ liên quan đến vấn đề trần nợ công đặt ra mối đe dọa rất nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt hy vọngTổng thống Biden và Quốc hội Mỹ sẽ giải quyết được bất đồng. (Nguồn: AP)

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt ngày 13/5 nhận định hậu quả sẽ “vô cùng thảm khốc” nếu chính quyền Mỹ không thể đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công, từ đó khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới “đi chệch hướng”.

Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại thành phố Niigata (Nhật Bản), ông Hunt cho hay các quan chức trong khối đã tiến hành “những cuộc thảo luận rất thẳng thắn và cởi mở” về các thách thức mà họ đang phải đối mặt, trong đó có quy định ngân hàng và tác động của cuộc xung đột Ukraine đối với nền kinh tế toàn cầu.

Theo ông, bất đồng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát liên quan đến vấn đề trần nợ công đặt ra “mối đe dọa rất nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu”.

Bộ trưởng Tài chính Anh nhấn mạnh: “Sẽ hoàn toàn là thảm họa nếu nước Mỹ, vốn là một trong động lực lớn nhất của nền kinh tế toàn cầu, để cho GDP của họ đi chệch hướng do không đạt được thỏa thuận”.

Ông hy vọng Tổng thống Biden và Quốc hội Mỹ sẽ giải quyết được bất đồng.

Ngoài ra, Bộ trưởng Hunt xác nhận các quan chức G7 cũng thảo luận về tác động của các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt đối với Nga, cũng như trao đổi cặn kẽ về tầm quan trọng của biện pháp chấm dứt hành động né tránh lệnh trừng phạt.

Ông đánh giá các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào nền kinh tế Nga rõ ràng không hiệu quả bằng chính sách hỗ trợ quân sự cho Kiev, song sẽ từng bước gây ra tác động và đến một thời điểm nào đó, sức ép của phương Tây phát huy tác dụng.

Bộ trưởng Tài chính Anh nhấn mạnh điều quan trọng là các quốc gia không phải là thành viên G7 - gồm Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Singapore và Comoros - đã được Nhật Bản mời tới tham dự hội nghị để thảo luận về vấn đề Nga.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 diễn ra từ ngày 11-13/5 tại Niigata, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tuần tới tại thành phố Hiroshima. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn lao đao do tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine, hội nghị được cho là cơ hội để các quốc gia thành viên G7 xây dựng tầm nhìn nhằm duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính.

(theo Reuters)