📞

Bộ Văn hóa yêu cầu kiểm tra, theo dõi chặt chẽ việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp

Song Ngư 14:05 | 28/09/2022
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Chỉ thị 274/CT-BVHTTDLvề tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch.
Chỉ thị 274/CT-BVHTTDL của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu kiểm tra, theo dõi việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu. (Nguồn: Báo Cần Thơ)

Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, thực hiện quy định của pháp luật về quản lý chuyên ngành và quy định của pháp luật có liên quan, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch (sau đây gọi là hoạt động) đã từng bước đi vào nề nếp, đem lại nhiều giá trị tích cực, góp phần giáo dục truyền thống, định hướng về thẩm mỹ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của Nhân dân, đặc biệt là sau thời gian dài gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, tổ chức một số hoạt động vẫn còn hạn chế, bất cập, gây dư luận xấu trong xã hội, cụ thể như: biểu diễn nghệ thuật, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh tổ chức khi chưa được cấp phép, chấp thuận hoặc thực hiện không đúng với nội dung đã được cấp phép, chấp thuận; các cuộc thi người đẹp, người mẫu được tổ chức với số lượng lớn, có dấu hiệu lệch chuẩn; hiện tượng vi phạm quy định về phổ biến phim, nhất là phổ biến phim trên không gian mạng diễn ra khá phổ biến nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.

Một số lễ hội chú trọng đầu tư đến hình thức, quy mô mà chưa bảo đảm về nội dung; ở một số nơi, vẫn còn tình trạng di sản bị xâm hại, xuống cấp, hoạt động bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật, hồ sơ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể chưa toàn diện, chặt chẽ; hiện tượng kinh doanh dịch vụ lữ hành trái phép, trục lợi, chèo kéo, không niêm yết giá công khai và không bán theo giá niêm yết cho khách du lịch vẫn còn diễn ra, đặc biệt là vào các dịp cao điểm...

Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là nhận thức về trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm khi thực hiện phân cấp, ủy quyền quản lý ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ; sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước thuộc Bộ với các địa phương còn hạn chế; công tác thẩm định, rà soát nội dung trước khi cấp phép, chấp thuận tổ chức các hoạt động nghệ thuật, triển lãm chưa chặt chẽ; công tác tuyên truyền pháp luật, thanh tra, kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tiễn chưa thường xuyên, việc xử lý đối với hành vi vi phạm chưa mang tính răn đe cao.

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khắc phục dứt điểm những tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: chủ động, linh hoạt và quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ; thường xuyên theo dõi tình hình, xử lý tình huống, tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp.

Rà soát, thẩm định chặt chẽ các hồ sơ cấp giấy phép, cấp văn bản chấp thuận, thỏa thuận và chịu trách nhiệm về nội dung; đối với các hoạt động phức tạp, nhạy cảm cần phát huy vai trò, sự tham gia của hội đồng thẩm định, hội đồng chuyên môn và các cơ quan liên quan; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi tình hình thực thi pháp luật trong tổ chức các hoạt động, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

Kiểm tra, theo dõi việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động nghệ thuật biểu diễn và các quy định pháp luật có liên quan, chú trọng việc tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ được phân cấp theo quy định của pháp luật trong chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi người đẹp, người mẫu.

Kiểm tra, theo dõi việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu diễn ra nhiều vòng ở nhiều địa phương và ở những địa phương có nhiều cuộc thi; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời (triển khai giải pháp nghiệp vụ, kỹ thuật để gỡ bỏ, ngăn chặn...) đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi người đẹp, người mẫu trên không gian mạng có vi phạm.

Bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa

Cục Di sản văn hóa tổ chức thực hiện nghiêm quy định tại Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định chi tiết, thẩm định chặt chẽ hồ sơ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể theo thẩm quyền, phát huy vai trò của Hội đồng di sản quốc gia, Hội đồng khoa học về bảo tồn di tích, Hội đồng thẩm định hồ sơ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể; hướng dẫn các địa phương về chuyên môn để thực hiện hiệu quả công tác quản lý di sản văn hóa và tu bổ di tích, xây dựng và triển khai các đề án bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Tổ chức lễ hội trang trọng, tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí

Cục Văn hóa cơ sở tổ chức thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện trách nhiệm quản lý, tổ chức lễ hội theo phân cấp; chỉ đạo tổ chức lễ hội bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, tránh phô trương, hình thức, lãng phí.

Quản lý chặt chẽ hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng

Cục Điện ảnh tổ chức thực hiện nghiêm quy định tại Luật Điện ảnh và các văn bản quy định chi tiết, trong đó đặc biệt chú ý các quy định về thẩm quyền cấp phép phân loại phim và tiêu chí phân loại phim, về trách nhiệm của các tổ chức khi tham gia phổ biến phim trên không gian mạng.

Triển khai ngay các biện pháp để quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng như: xây dựng phương án tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để kiểm tra nội dung phim, phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim; phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để tổ chức các biện pháp kiểm soát hoạt động phổ biến phim, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm; tăng cường hướng dẫn các địa phương về chuyên môn trong các hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim, quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh theo quy định của pháp luật.

Chú trọng công tác thẩm định cấp phép triển lãm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm hướng dẫn về quản lý chuyên môn mỹ thuật đối với xây dựng công trình tượng đài, tranh hoành tráng bảo đảm chất lượng thẩm mỹ, nội dung tư tưởng; chú trọng công tác thẩm định cấp phép các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, nâng cao vai trò của hội đồng nghệ thuật, thực hiện đúng quy trình, quy định; tăng cường hậu kiểm, nhất là với các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh có nội dung nhạy cảm, phức tạp.

Khắc phục tình trạng "đứt gãy nguồn nhân lực du lịch"

Tổng cục Du lịch tổ chức thực hiện nghiêm quy định tại Luật Du lịch và các văn bản quy định chi tiết, trong đó tập trung vào công tác cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, quản lý lưu trú du lịch và quản lý điểm đến; tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp với Thanh tra Bộ, các địa phương kiểm tra cơ sở kinh doanh du lịch trong việc bảo đảm an ninh, an toàn, văn minh, thân thiện trong hoạt động du lịch; tập trung nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương trong công tác phối hợp xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới phù hợp với thị hiếu của du khách sau đại dịch, khắc phục tình trạng "đứt gãy nguồn nhân lực du lịch"... để thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch, thu hút nhiều hơn nữa khách quốc tế đến Việt Nam.

(theo Thư viện Pháp luật)