Toàn cảnh buổi Tọa đàm với doanh nghiệp xây dựng Hàn Quốc về pháp luật ngành Xây dựng, ngày 3/8 tại Hà Nội. (Nguồn: Bộ Xây dựng) |
Ông Nguyễn Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và ông Kim You In - Tham tán Xây dựng Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Trung Thành cho biết, sự kiện là hoạt động cụ thể triển khai nội dung thảo luận giữa Bộ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam Nguyễn Thanh Nghị và Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan và cũng là hoạt động tiếp theo buổi Đối thoại của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Đại sứ quán, các Hiệp hội và các doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Trong 30 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã liên tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế và đạt được nhiều thành tựu ấn tượng.
Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Lũy kế đến hết tháng 12/2021, Hàn Quốc có hơn 9.000 doanh nghiệp có 9.265 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 78,6 tỉ USD, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Hàn Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ). Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đạt 78,1 tỷ USD, tăng 18,33% so với năm 2020.
Trong lĩnh vực xây dựng, Bộ Xây dựng và đối tác Hàn Quốc, đặc biệt là Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) đã hợp tác hiệu quả và đạt được nhiều kết quả tích cực trong trao đổi kinh nghiệm xây dựng chính sách pháp luật về nhà ở xã hội, phát triển đô thị nói chung và đô thị thông minh, hỗ trợ Bộ Xây dựng trong quá trình xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); tài trợ cho Bộ Xây dựng các dự án ODA hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực quy hoạch, nhà ở và phát triển đô thị.
Bộ Xây dựng luôn khuyến khích, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia đầu tư dự án tại Việt Nam thông qua việc phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề giới thiệu các chính sách pháp luật mới trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, tạo điều kiện trong cấp phép nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc như: Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Lotte, Tổng Công ty LH...
Tại Tọa đàm, hai bên đã cùng thảo luận và giải đáp 4 nội dung liên quan đến pháp luật ngành Xây dựng: Chứng chỉ năng lực hoạt động của tổ chức; chứng nhận sơn chống cháy; quy định về phòng cháy chữa cháy và thủ tục pháp lý liên quan đến dự án đầu tư phát triển nhà ở bị trì hoãn.
Trả lời các doanh nghiệp về nội dung liên quan đến việc cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức, ông Phạm Như Huy - Phó Cục trưởng Cục Hoạt động xây dựng cho biết, Công ty SAMIL CTS VINA được cấp chứng chỉ năng lực theo quy định tại Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018. Tại thời điểm này, Nghị định số 100/2018/NĐ-CP quy định tổ chức thi công xây dựng (xây dựng, lắp đặt thiết bị) được cấp chứng chỉ theo lĩnh vực thi công xây dựng của loại công trình mà tổ chức có kinh nghiệm.
Tuy nhiên, kể từ ngày 3/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, trong đó có điều chỉnh nội dung về điều kiện cấp chứng chỉ và phạm vi hoạt động xây dựng của một số lĩnh vực.
Theo đó, đối với lĩnh vực thi công lắp đặt thiết bị công trình chỉ yêu cầu kinh nghiệm thi công tương ứng với công việc thực hiện, không yêu cầu về loại công trình như Nghị định số 100/2018/NĐ-CP. Do đó, hiện nay, Công ty có thể thực hiện đề nghị cấp chứng chỉ đối với lĩnh vực thi công lắp đặt thiết bị công trình để được xét cấp theo quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.
Bổ sung ý kiến về nội dung này, bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, nếu là doanh nghiệp FDI Hàn Quốc có thành lập pháp nhân tại Việt Nam thì thực hiện cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và không yêu cầu cấp Giấy phép nhà thầu nước ngoài.
Về qui trình thủ tục kiểm định sơn phòng chống cháy, Ông Lê Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã trả lời: "Sơn chống cháy là một loại vật liệu phủ bảo vệ cho kết cấu nhằm nâng cao khả năng chịu lửa của kết cấu. Nhà sản xuất, chế tạo vật liệu này cần phải có bằng chứng để chứng minh chất lượng sản phẩm phù hợp với các tiêu chí chất lượng sản phẩm đã công bố của mình. Thủ tục chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy theo quy định pháp luật Việt Nam. Khi đưa sơn vào sử dụng trong công trình thì sơn phải đáp ứng các tiêu chí đề ra đối với kết cấu cần phủ bảo vệ".
Ông Vũ Đức Hưng – Phó trưởng phòng, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an TP Hà Nội cũng cho biết, thủ tục kiểm định sơn có bước chuyển thay đổi từ ngày 10/1/2021 khi Nghị định số 136/202/NĐ-CP có hiệu lực. Sau ngày 10/1/2021, thực hiện kiểm định sơn theo mẫu kết cấu... Tuy nhiên, cũng có một số giải pháp khác thay thế việc sử dụng sơn như sử dụng vữa chống cháy, bê tông bảo vệ sẽ không phải kiểm định nhưng phải bảo đảm một số điều kiện nhất định theo QCVN 06:2020/BXD...
Đối với nội dung liên quan đến dự án đang bị trì hoãn của Lotte, bà Nguyễn Thu Vân - Chuyên viên Phòng Nhà ở, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, khoản 1 và khoản 4 Điều 23 của Luật Nhà ở 2014 quy định 3 hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại: (1) đấu giá quyền sử dụng đất; (2) đấu thầu dự án có sử dụng đất và (3) chỉ định chủ đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư sử dụng quyền sử dụng đất ở hợp pháp hoặc nhận chuyện nhượng quyền sử dụng đất ở để thực hiện dự án xây dựng nhà ở thương mại.
Trong thời gian vừa qua, một số điều khoản của Luật Nhà ở 2014 đã được sửa đổi, bổ sung bởi một số Luật như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật PPP và vừa qua là Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung 9 Luật.
Theo đó, Khoản 1 Điều 23 của Luật Nhà ở đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng trường hợp nhà đầu tư có “quyền sử dụng đất ở và đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư” phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp thuộc diện Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Luật Nhà ở sửa đổi sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 4 năm 2023 và thông qua vào kỳ họp thứ 5 năm 2023. Trong dự thảo Luật này, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung Điều 23 Luật Nhà ở 2014 trên cơ sở đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan.
Buổi Tọa đàm kết thúc thành công với các nội dung trao đổi chuyên sâu liên quan đến pháp luật ngành Xây dựng. Các bên thống nhất sẽ tiếp tục có những buổi làm việc chuyên sâu hơn nữa cho từng doanh nghiệp xây dựng Hàn Quốc với các cơ quan liên quan của Bộ Xây dựng trong thời gian tới.
| Việt Nam-Hàn Quốc hướng tới nâng tầm quan hệ trên nền tảng số Ngày 23/6, tại Seoul diễn ra Diễn đàn toàn cầu Maekyung lần thứ 30 với chủ đề: Kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ... |
| Doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục lo ngại về giá nguyên liệu và dịch Covid-19 Ngày 31/3, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) công bố chỉ số tâm lý doanh nghiệp Hàn Quốc (BSI) tháng 4/2022 của Hàn Quốc ... |