Tiêm vaccine não mô cầu cho trẻ là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. (Ảnh minh họa) |
Trước đó, ngày 22/2, nữ sinh Đỗ Thị X (trường THPT Lương Thế Vinh, Hải Dương) đã tử vong do viêm não mô cầu. Ngành y tế tỉnh Hải Dương hiện đang theo dõi gần 50 người có nguy cơ nhiễm bệnh này. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên do não mô cầu tại địa phương này trong 10 năm qua.
Ông Bùi Huy Nhanh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương, cho biết, ngay khi xác định ca tử vong, Trung tâm đã tiến hành điều tra, lập danh sách những người tiếp xúc trực tiếp, chăm sóc bệnh nhân, các học sinh cùng lớp...
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Phòng Tư vấn Tiêm chủng Vaccine - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) là một bệnh nhiễm khuẩn rất nguy hiểm. Bệnh diễn biến cấp tính và có thể lấy đi sinh mạng của một người khoẻ mạnh trong vòng 24 giờ sau khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện.
Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng: sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.
Bệnh viêm màng não mô cầu rất dễ lây lan vì bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải những giọt nhỏ dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh và có thể bùng phát thành dịch. Các tiếp xúc hàng ngày như dùng chung dụng cụ, ly tách, tiếp xúc với nhiều người như sống trong các khu tập thể, khu cắm trại... đều có thể dẫn đến lây truyền bệnh. Khi cơ thể mệt mỏi, hệ thống miễn dịch suy giảm sẽ làm tăng khả năng nhiễm bệnh.
Tại Việt Nam, bệnh xuất hiện quanh năm, có thể xảy ra dịch vào thời tiết mùa Thu, Đông và Xuân. Trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 ghi nhận các trường hợp mắc bệnh tại nhiều tỉnh, thành như TP. Hồ Chí Minh, Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Nam Định, Lạng Sơn, Hải Dương…
Trước nguy cơ gia tăng các ca bệnh não mô cầu, Cục Y tế dự phòng đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước tổ chức tốt chẩn đoán sớm, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế biến chứng và tử vong, thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế dự phòng để điều tra, xử lý ổ dịch. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cho người dân. Các nhân viên y tế làm việc nơi đông người, gần người bệnh hoặc tại ổ dịch cần đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng thường xuyên bằng muối sinh lý, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh môi trường, làm thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
Cục cũng khuyến cáo bất kỳ ai phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Các địa phương vận động người dân đi tiêm chủng phòng bệnh tại cơ sở y tế dự phòng. Bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho cơ sở triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.