Ngày 10/3, chuyến bay 302 của Ethiopian Airlines đã rơi tại một vùng hẻo lánh phía Đông Nam thành phố Addis Ababa (Ethiopia), khiến 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn tử vong. Danh sách 157 nạn nhân này đến từ 36 quốc gia khác nhau.
Đây là vụ tai nạn nghiêm trọng thứ hai của dòng máy bay Boeing 737 Max 8 chỉ trong vòng hơn 4 tháng. Trước đó, ngày 29/10/2018, chiếc Boeing 737 Max 8 của hãng hàng không Lion Air mang số hiệu JT610 cất cánh từ sân bay quốc tế Jakarta, thủ đô Indonesia, cũng gặp nạn. Chỉ 13 phút sau khi cất cánh, máy bay mất liên lạc, sau đó được xác định đã lao xuống biển Java. Toàn bộ 189 người trên chuyến bay, bao gồm 181 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn, đã thiệt mạng.
Điểm chung của hai vụ tai nạn
Đến bây giờ, chưa ai có thể xác định rõ ràng được nguyên nhân vì sao hai vụ tai nạn này lại xảy ra. Một phần là do hàng không hiện đại cực kỳ an toàn, tất cả các rủi ro bình thường từ lớn đến nhỏ đều được nghiên cứu, tính toán kỹ càng và loại bỏ. Những vụ tai nạn ngày nay hầu như luôn liên quan đến một số điều kiện kỳ lạ, gần như không thể xảy ra và không thể lường trước được. Nhiều khi, người ta phải mất vài tháng, thậm chí vài năm, hoặc không bao giờ có thể đưa ra kết luận chính xác. Đã 5 năm trôi qua nhưng tung tích của chiếc máy bay MH370 vẫn chưa được tìm thấy.
Điểm tương đồng chính được chỉ ra cho tới thời điểm này là cả hai vụ tai nạn đều liên quan tới những chiếc Boeing 737 Max 8, phiên bản mới nhất của dòng Boeing 737.
Các hãng hàng không như Ethiopian Airlines đang sử dụng loại máy bay này vì nó là chiếc Boeing bay chặng ngắn mới nhất, tiết kiệm nhiên liệu nhất trên thị thường. Chúng đều là những chiếc máy bay mới sản xuất và chỉ được sử dụng vài tháng trước khi tai nạn xảy ra. Ngoài ra, hai chiếc máy bay này đều gặp nạn sau khi cất cánh khoảng vài phút chứ không phải trong lúc đang bay hay bắt đầu hạ cánh (khi hạ cánh là lúc máy bay dễ gặp nguy hiểm nhất).
Máy bay “mới” có gì “lạ”
Boeing 737 là một mẫu máy bay lâu đời, được đưa vào sản xuất từ những năm 1960 và tính đến hiện tại, đã có hơn 10.000 chiếc được đưa vào sử dụng. Còn Boeing 737 Max 8 là một phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mới hiện đại hơn.
Thông thường, một hãng hàng không sẽ chỉ sử dụng một số loại máy bay nhất định do sự nhất quán trong cách vận hành. Phi công có thể cầm lái tất cả máy bay có sẵn của một hãng, công việc của các nhân viên kỹ thuật cũng sẽ dễ dàng hơn và phụ kiện thay thế sẽ luôn sẵn sàng thay thế nếu có sự cố xảy ra.
Do đó, các hãng hàng không thích sử dụng mẫu 737 do chúng liên tục được cải tiến: động cơ tốt hơn mà hiệu quả hơn, hệ thống điện tử hàng không và các hệ thống khác được cải thiện, và tất nhiên là nhiều chỗ ngồi hơn. Chiếc 737 đầu tiên chỉ chứa được 100 hành khách, còn mẫu mới nhất, tùy vào bố cục, có thể chứa 200 người hoặc nhiều hơn.
Về ngoại hình, những chiếc 737 ngày càng được kéo dài ra theo thời gian để chứa nhiều hành khách hơn và nó cũng liên quan tới hai vụ tai nạn nói trên. Những chiếc Max 8 được trang bị động cơ mới, nhưng do chúng to hơn nên được gắn ở một vị trí khác so với các mẫu 737 trước đây. Boeing 737 Max 8 có cách xử lý khi bay tuy có chút thay đổi, nhưng gần như giống hệt với mẫu 737 trước đó nên phi công không bắt buộc lấy chứng chỉ bay mới như khi chuyển hẳn sang điều khiển một mẫu khác như 787 hay các tàu bay của Airbus.
Thế nhưng, cách điều khiển chiếc 737 Max vẫn khác tới mức nhà sản xuất đã lắp một hệ thống phần mềm điều khiển tự động mới vào. Hệ thống này có tên Maneuvering Characteristics Augmentation System (MCAS), tạm dịch là Hệ thống Tăng cường Điều khiển Đặc trưng. Nó có nhiệm vụ tự động chúc mũi máy bay xuống để không khí có thể chạy qua cánh, tránh tình trạng gió di chuyển vào phía dưới cánh khiến máy bay bị rơi tự do.
Trong vụ tai nạn của hãng Lion Air, thông tin thu về từ hộp đen cho thấy hệ thống tự động trên đã nhận về những thông tin cảm biến sai lệch khiến mũi máy bay liên tục chúc xuống đất, mặc cho nỗ lực kéo toàn bộ máy bay lên của phi công. Nhiều câu hỏi tiếp tục được đặt ra như vì sao phi công không tắt hệ thống MCAS đi do tất cả hệ thống bay tự động đều có nút tắt khẩn cấp? Hoặc liệu phi công chuyến bay đó có hiểu rõ hệ thống MCAS làm việc ra sao không?
Liệu rằng MCAS trên chuyến bay của hãng Ethiopian Airlines có bị lỗi tương tự? Nhưng nếu như vậy, phi công này phải biết cách tắt nó đi do báo cáo về lỗi của MCAS đã được đưa ra từ trước.
Các chuyên gia cũng chỉ ra hai vụ tai nạn này có khác biệt, ví dụ như sự khác nhau giữa độ cao và tốc độ rơi của máy bay khiến nguyên nhân vụ tai nạn thứ hai có thể không hề liên quan tới vụ thứ nhất. Và từ đó câu chuyện đi tìm kiếm sự thật sẽ lại trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Suy cho cùng, dù tai nạn có thảm khốc đến mấy, hàng không vẫn luôn được chứng minh là phương tiện giao thông hiện đại, nhanh chóng và an toàn nhất tới nay.
Hiện tại, có khoảng 350 máy bay Boeing 737 Max 8 đang được vận hành hằng ngày bởi 54 hãng hàng không trên thế giới. Nhưng hai vụ tai nạn vừa qua là “hồi chuông cảnh tình” dành cho Boeing không những về chuyện đảm bảo khâu thiết kế và lắp ráp máy bay mà còn là cách truyền đạt những phương pháp đảm bảo an toàn tới các phi công và các hãng hàng không.