📞

“Bom nổ chậm” trong nền kinh tế Mỹ

12:09 | 30/03/2019
Sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất máy bay Boeing 737 MAX có khả năng làm sụt giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của kinh tế Mỹ. Đây là lời cảnh báo của Ngân hàng đầu tư JP Morgan đối với khách hàng của mình. 

Từ khủng hoảng niềm tin

Các hãng hàng không đã từ bỏ mua sắm một sản phẩm có vấn đề và yêu cầu bồi thường cho việc hủy khai thác các chuyến bay trên Boeing 737 MAX. Theo ước tính của nhà kinh tế trưởng Michael Feroli từ ngân hàng JP Morgan, việc các hãng hàng không từ chối mua Boeing 737 MAX sẽ gây ra thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ. 

Các đơn đặt hàng Boeing 737 MAX chiếm khoảng 25% tổng sản lượng máy bay tại Mỹ. (Nguồn: Getty Images)

Nhà kinh tế trưởng Feroli đưa ra phân tích, nếu Boeing buộc phải ngừng sản xuất máy bay 737 MAX, tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chậm lại 0,6% so với năm trước. Để so sánh, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, sự gián đoạn hoạt động của chính phủ kéo dài nhất trong lịch sử Mỹ, kết thúc vào ngày 25/1, chỉ làm GDP chậm lại 0,4%”.

Các nhà phân tích JP Morgan nhấn mạnh, các đơn đặt hàng Boeing 737 MAX chiếm khoảng 25% tổng sản lượng máy bay tại Mỹ. Và đây là một thị phần đáng kể. Những tín hiệu báo động được dự đoán trước đã trở thành sự thật. Tuần này, hãng hàng không Garuda Indonesia đã hủy đơn đặt hàng 49 máy bay Boeing 737 MAX 8 với tổng trị giá 5 tỷ USD.

Các đơn đặt hàng 737 MAX số lượng lớn khác đến từ Norwegian Air (Na Uy), Indian SpiceJet (Ấn Độ), Ryanair (Ireland), Jet Airways (Ấn Độ), Lion Air (Indonesia), FlyDubai (UAE), Southwest (Mỹ). Liệu quyết định của Garuda Indonesia có gây ra hiệu ứng domino hay không? Hoàn toàn có thể. Hãng hàng không Norwegian đã bày tỏ ý định yêu cầu Boeing bồi thường vì lệnh cấm toàn cầu đối với các chuyến bay 737 MAX. 

Điều tương tự cũng được hãng hàng không Ba Lan Enter Air và Indian SpiceJet thông báo. Lion Air rõ ràng đang chờ đợi kết quả cuộc điều tra chính thức thảm họa tháng 10/2018, để “dẫn” người Mỹ vào một vụ kiện đau đầu. Theo các chuyên gia, khoản bồi thường trong thời gian bị bắt buộc ngừng hoạt động cho một chiếc 737 MAX là ít nhất 250.000 USD/tháng.

Ngày 27/3 Boeing đã gặp gỡ đại diện các hãng hàng không với hơn 200 phi công, chuyên gia kỹ thuật từ khắp nơi trên thế giới, cũng như các quan chức Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Lion Air, Ethiopian Airlines và Garuda Indonesia đã từ chối tham gia sự kiện. Nhà sản xuất máy bay đã giới thiệu với khách hàng phiên bản phần mềm mới dành cho máy bay Boeing 737 MAX, đáp ứng yêu cầu của việc nâng mũi máy bay. Ngoài ra, còn loại trừ việc kích hoạt liên tục Hệ thống kiểm soát an toàn bay (MCAS) - được coi là nguyên nhân chính gây ra thảm họa ở Indonesia và Ethiopia (mặc dù các cuộc điều tra chính thức vẫn chưa kết thúc).

Và “cách làm việc” của Boeing với FAA

Các nhà báo New York Times tiết lộ, trong cuộc trò chuyện với nhân viên, Boeing đã tìm cách ngăn chặn sự tụt hậu từ đối thủ cạnh tranh chính - Airbus, hãng sản xuất của châu Âu đã ra mắt phiên bản Neo tiết kiệm hơn. Có hai lựa chọn dành cho Boeing, một là phát triển một mẫu mới từ đầu với chi phí 32 tỷ USD, hoặc nâng cấp 737 và lắp động cơ mới hứa hẹn tiết kiệm nhiên liệu đến 20%. Tất nhiên họ chọn phương án sau.

Nhân viên cứu hộ thu dọn các mảnh vỡ tại hiện trường vụ tai nạn máy bay Boeing 737 Max 8 của hãng hàng không Ethiopia gần Bishoftu, phía Nam Addis Ababa, Ethiopia, ngày 11/3. (Nguồn: AP)

Tuy nhiên, do kích thước lớn hơn, Boeing không thể lắp đặt động cơ mới vào vị trí cũ mà phải đặt dịch lên phía trước và cao hơn. Do đó trọng tâm bị thay đổi, mũi máy bay bị hướng lên (theo các định luật về khí động học). Ngày 27/3 Boeing thông báo hãng đã lập trình lại hệ thống MCAS trên thế hệ máy bay 737 MAX để nâng cao tính an toàn cho loại máy bay. Hiện Boeing đang đẩy mạnh chiến dịch nhằm thuyết phục dư luận rằng, Boeing đang giải quyết vấn đề của dòng 737 MAX, trong đó có hệ thống MCAS, được cho là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn máy bay vừa qua.

Ngay cả khi phần mềm mới thực sự sửa chữa các lỗi của MCAS, các vấn đề sẽ không kết thúc ở đó. Hai vụ tai nạn máy bay đã thu hút sự chú ý của công chúng, Quốc hội và các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đối với các phương pháp làm việc của nhà sản xuất máy bay. 

Trước hết, câu hỏi đặt ra là làm thế nào mà một hệ thống như vậy lại có thể nhận được chứng nhận của FAA? Hóa ra, các nhà lãnh đạo của FAA đã chuyển một phần quy trình chứng nhận cho chính Tập đoàn Boeing! Ngoài ra, người nhận tiền nhiều nhất trong các hoạt động hành lang của Boeing tại Quốc hội Mỹ - Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitch McConnell, phụ trách “Quỹ Lãnh đạo tại Thượng viện”. Còn vợ ông, Elaine Chao, chính là Bộ trưởng Giao thông Vận tải, cấp trên của FAA.

Vì vậy không còn bất kỳ sự tin tưởng nào vào FAA trong cộng đồng hàng không. Liên minh châu Âu (EU) và Canada tuyên bố ý định tiến hành cuộc kiểm tra riêng biệt tất cả các cập nhật an toàn đang được Boeing triển khai. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi Chính phủ Ethiopia đã gửi hộp đen chiếc máy bay hãng hàng không Ethiopian Airlines bị tai nạn sang Pháp.

Đến cơ hội cho các đối thủ

Không những thế người Mỹ lại nhận thêm cú đánh từ Trung Quốc. Tuần trước trong chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Paris, một hợp đồng bán 300 máy bay Airbus ( gồm 290 máy bay Airbus A320 và 10 máy bay Airbus A350) trị giá khoảng 30 tỷ Euro cho nước này đã được ký kết. 

 Airbus 320 đang à đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Boeing 737. (Nguồn: Airbus)

Thị trường hàng không Trung Quốc được coi là một trong những nơi triển vọng nhất trên thế giới. Theo dự báo (của chính Boeing), nhu cầu về máy bay dân sự trong 20 năm tới sẽ lên tới hơn 7.000 chiếc với tổng giá trị hơn 1.100 tỷ USD. Hơn nữa thị phần của các máy bay chở khách thân hẹp (như Boeing737) sẽ chiếm 75% nhu cầu.

Nhưng Trung Quốc cũng đang phát triển máy bay thân hẹp của riêng mình - C919, đối thủ cạnh tranh với Boeing 737 và Airbus 320, với mức giá hấp dẫn hơn. Việc sản xuất hàng loạt máy bay C919 được lên kế hoạch vào năm 2021, sau đó thị trường Trung Quốc dành cho máy bay nước ngoài phân khúc này sẽ đóng cửa.

Trong khi đó, các hãng hàng không các nước đang phát triển ngày càng gia tăng mối quan tâm đến giải pháp thay thế cho “737” có vấn đề, đó là máy bay MS-21 mới của Nga, mới chỉ bắt đầu “giương cánh”.

Tuần trước, Bộ trưởng Công Thương Liên bang Nga Denis Manturov đã thảo luận về việc bán những chiếc máy bay này với đại diện Indonesia. Theo ông Manturov, hiện MS-21-300 đã thành công vượt qua giai đoạn nhận giấy chứng chỉ chất lượng. “Việc nhận giấy Chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn Nga và châu Âu và bắt đầu đưa vào hoạt động sẽ cho phép tăng cường quảng bá máy bay ở Đông Nam Á và các khu vực khác”, vị Bộ trưởng này cho biết.

(theo Sputnik)