Thiết lập vị thế
Sáng ngày 20/9/1977, ngay sau khi Đại Hội đồng khóa 32 Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) thông qua Nghị quyết số 2 (NQ 32/2) kết nạp Việt Nam làm thành viên, lá cờ đỏ sao vàng đã được kéo lên tại lễ thượng cờ ở Trụ sở LHQ, thành phố New York (Mỹ).
Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, có thể nói vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một trở nên vững chắc, hoạt động của Việt Nam tại LHQ không ngừng phát triển hơn về mọi mặt. Cả về phương thức và nội dung với những thay đổi hoặc điều chỉnh lớn theo từng giai đoạn về nhận thức, chủ trương chiến lược, mục tiêu chương trình hoạt động, tổ chức nhân sự…
Ngày 20/9/1977, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Trong ảnh: Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (thứ hai, từ phải sang) dự lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc. (Nguồn: Ảnh Tư liệu) |
Ở giai đoạn đầu, vừa bước ra khỏi chiến tranh, Việt Nam quyết định gia nhập vào LHQ nhằm thiết lập vị thế của mình trên trường quốc tế, góp phần bảo vệ sự nghiệp hòa bình, phát triển và tiến bộ xã hội chung của cộng đồng quốc tế. Mặt khác, chúng ta cũng tích cực vận động để tranh thủ sự ủng hộ lớn về tinh thần và vật chất của các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống LHQ cho công cuộc tái thiết đất nước vừa bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
Giai đoạn suốt cả thập kỷ những năm 1980, mọi nỗ lực hoạt động của Việt Nam tại LHQ đều ưu tiên tập trung cho đấu tranh phá thế bao vây cấm vận, áp đặt bởi liên minh của các thế lực thù địch với cái cớ “vấn đề Campuchia”, vì Việt Nam đưa quân sang để giúp nhân dân Campuchia xóa sổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Giai đoạn từ giữa những năm 1990 cho đến nay, chúng ta bắt đầu triển khai mạnh mẽ chính sách ngoại giao đa phương độc lập tự chủ tại LHQ, chủ động từng bước hội nhập với khu vực và thế giới. Với tư cách thành viên, Việt Nam tích cực cử nhiều cán bộ tham gia vào các cơ chế lãnh đạo của LHQ như Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế Xã hội và nhiều vị trí khác của hệ thống LHQ.
Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thành viên thực hiện tốt nhất các mục tiêu phát triển (MDGs) giai đoạn 2000-2015 của LHQ và đang tích cực triển khai thực hiện 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể của Phát triển bền vững (SDGs) giai đoạn 2015-2030, đồng thời từng bước tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.
Đồng hành phát triển
Chúng ta cũng chứng kiến bản thân LHQ đã thay đổi và có nhiều điều chỉnh trong 40 năm qua. Lúc gia nhập, Việt Nam là thành viên thứ 149 của LHQ, đến nay tổ chức này đã có tới 193 quốc gia thành viên.
LHQ từ thụ động thực hiện mục tiêu bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế đã chuyển sang chủ động hơn với việc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình của riêng mình và ngày càng mở rộng hoạt động ở nhiều khu vực trên thế giới.
Về kinh tế, những thập kỷ 1970 và 1980, LHQ thực thi sứ mạng giúp đỡ kỹ thuật, viện trợ các dự án giá trị lớn cho các nước thành viên đang phát triển, sau đó chuyển sang hỗ trợ tư vấn các chính sách vĩ mô, xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội. Có thể nói, Việt Nam là một trong những nước nhận được viện trợ giúp đỡ lớn nhất của LHQ qua từng thời kỳ trong 40 năm qua.
Đại sứ Ngô Quang Xuân gặp chào Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan tại Trụ sở Liên hợp quốc, tháng 11/1999. (Ảnh: NVCC) |
Nhân dân ở hầu hết các địa phương cả nước đều được thụ hưởng sự giúp đỡ hỗ trợ nhiều mặt của LHQ; Hầu hết các lĩnh vực và các vùng địa lý kinh tế đều được làm quy hoạch tổng thể ban đầu; Hàng chục viện nghiên cứu đầu ngành kinh tế xã hội đều có dự án viện trợ của LHQ; Hàng chục ngàn lượt cán bộ khoa học kỹ thuật được đào tạo, được tiếp cận với nền khoa học và công nghệ hiện đại thông qua các dự án của LHQ…
LHQ và cộng đồng quốc tế đã từng nhiều lần đánh giá cao sự đóng góp nhiều mặt của Việt Nam, coi Việt Nam là quốc gia sử dụng hiệu quả nhất các nguồn giúp đỡ viện trợ, trở thành điển hình của nhiều chương trình của LHQ như thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, các dự án dân số và trẻ em, bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo, xây dựng ngôi nhà chung của LHQ… Suốt 40 năm làm thành viên LHQ, đội ngũ cán bộ làm ngoại giao đa phương của chúng ta ngày càng trưởng thành và góp phần quan trọng trong vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ trên trường quốc tế.
Thông qua hợp tác với LHQ, chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, bài học về từng bước hội nhập vào khu vực và thế giới, về đào tạo và bồi dưỡng nhân sự của đội ngũ ngoại giao đa phương...
Những đóng góp không mệt mỏi của quá trình 40 năm qua đã nâng tầm ngoại giao đa phương lên một tầm cao mới. Nhà nước đặt ngoại giao đa phương thành nhiệm vụ hết sức quan trọng trong nền ngoại giao nước nhà.
Đây sẽ là cơ sở vững chắc để chúng ta không ngừng đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác với LHQ nói riêng, với các cơ chế đa phương khu vực và thế giới nói chung nhằm cùng chung sức với các quốc gia thành viên trong sự nghiệp xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Đại sứ Ngô Quang Xuân
(Nguyên Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc)