Nỗi niềm của nữ cầu thủ ngày 8/3 | |
Hạ Thái Lan, nữ Việt Nam giành HCV SEA Games 25 |
Mặc dù Brazil là đất nước sản sinh ra nhiều cầu thủ bóng đá hàng đầu thế giới, người dân thì đam mê cuồng nhiệt môn thể thao vua này, nhưng phụ nữ lại không được phép chạm vào trái bóng và bị kỳ thị nặng nề.
Một ví dụ điển hình là tiền đạo câu lạc bộ Orlando Pride và tuyển nữ quốc gia Brazil Marta Vieira da Silva, cầu thủ được coi là huyền thoại của làng bóng đá nữ Brazil. Cô không chỉ là người nắm giữ kỷ lục về số bàn thắng ghi được tại các kỳ World Cup nữ (với 15 bàn thắng, vượt qua kỷ lục 14 bàn trước đó của Birgit Prinz), mà cô còn là nữ cầu thủ duy nhất 5 lần dành được danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA liên tiếp từ 2006 tới 2010.
Thế nhưng, với một thành tích đồ sộ và tình yêu vô tận dành cho bộ môn bóng đá, Marta, cũng giống như bao phụ nữ Brazil khác, gặp rất nhiều khó khăn khi thi đấu môn thể thao này.
Marta, huyền thoại của bóng đá nữ Brazil . |
Không nữ tính
Marta sinh năm 1986, bảy năm sau khi luật cấm phụ nữ tập luyện thể thao chuyên nghiệp do “không nữ tính” đã được bãi bỏ. Đạo luật này có hiệu lực từ năm 1941 tới 1979, với thời gian lâu như vậy, định kiến xã hội vẫn còn tồn tại sau khi lệnh cấm bị dỡ bỏ không phải là điều quá ngạc nhiên. Thậm chí, nó còn ảnh hưởng tới tận xã hội ngày nay.
Sinh ra ở một thị trấn nhỏ của bang Alagoas nghèo khó nằm ở miền Đông Bắc Brazil, Marta đã phải đấu tranh để được công nhận là một cầu thủ chuyên nghiệp. Cô cho biết, hồi còn nhỏ, mỗi khi chơi bóng, cô luôn là cô gái duy nhất giữa một đám con trai. Không những thế, gia đình cô cũng ngăn cấm và thậm chí cô sẽ bị phạt nếu bị phát hiện chơi bóng đá vì họ cho rằng con gái không được phép chơi bóng đá.
Marta là một trong những trường hợp hiếm hoi tại Brazil trở thành một nữ cầu thủ có danh tiếng trong một xã hội đầy định kiến này. Cho đến bây giờ, còn rất nhiều những cô gái trẻ khác đang phải vật lộn để theo đuổi ước mơ của mình.
Laura Pigatin là một cầu thủ trẻ mới 14 tuổi, nhưng cô bé rất nghiêm túc và toàn tâm toàn ý để đạt được ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Cô bé tập luyện rất chăm chỉ môn bóng đá và futsal (bóng đá trong nhà). Do thành phố São Carlos không có đội bóng đá nữ nào ở độ tuổi của mình, nên em phải chơi trong một đội bóng nam.
Năm 2016, Laura từng bị cấm thi đấu tại Giải Vô địch bang São Paulo do giải đấu này chỉ dành cho nam. Cuối cùng, nhờ sự nỗ lực của bố mẹ Laura, cô bé đã được tham gia thi đấu một cách công bằng. Nhưng chiến thắng đó cũng phai đi nhanh chóng khi năm 2017, Laura lại một lần nữa bị cấm thi đấu ở giai đoạn hai của giải này.
Laura rất buồn vì em đã giúp đội bóng đứng đầu bảng xếp hạng của giai đoạn một, nhưng lại không được ra sân thi đấu ở giai đoạn hai để giúp đội bóng trở thành nhà vô địch của giải.
Thiếu sự quan tâm
Từ những năm 1980 của thế kỷ trước tới nay, bóng đá nữ ở Brazil vẫn thiếu sự quan tâm. Cho dù năm 2013, Giải vô địch Bóng đá nữ Brazil do chính Liên đoàn bóng đá Brazil (CBF) tổ chức đã được hồi sinh, thế nhưng các đội bóng hàng đầu vẫn trong tình trạng thiếu tiền. Lương của các cầu thủ nữ thấp đến mức họ phải kiếm việc làm thêm.
Marta hiện đang thi đấu cho CLB Orlando Pride (Mỹ). |
Rio Preto Esport Club là một trong những CLB thi đấu tại giải bóng đá nữ hàng đầu nước này và từng giành chức vô địch vào năm 2015. Tuy vậy, đội bóng không hề có một đội ngũ huấn luyện chuyên nghiệp mà cầu thủ có kinh nghiệm nhất phải đứng ra dẫn dắt đội. Cơ sở vật chất nghèo nàn: sân tập không có cỏ và đầy tổ kiến, các cầu thủ phải ở chung một ký túc xá, 5 người chung một phòng, lương hàng tháng là 1.500 real (khoảng 460 USD), không đủ để các cầu thủ trang trải cuộc sống.
Xuất ngoại
Mặc dù người dân Brazil dành trọn tình yêu cho môn thể thao vua này, nhưng những nữ cầu thủ hàng đầu vẫn phải xuất ngoại để phát triển sự nghiệp. Marta đã chuyển sang Thụy Điển từ năm 18 tuổi và hiện đang thi đấu cho CLB Orlando Pride thuộc Giải Ngoại hạng Mỹ. Và dù cô đã đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp của mình, nhưng Marta vẫn luôn bị gọi là: “Pelé mặc váy”.
Dibradoras - một trang web của Brazil dành riêng cho thế giới thể thao của phụ nữ - nhận xét: “Bởi vì Marta là phụ nữ, nên cô sẽ luôn bị so sánh với đàn ông, kể cả khi Marta ghi nhiều bàn thắng cho đội tuyển quốc gia”.
Đã có những tấm gương sáng để chống lại định kiến này, ví dụ như ở Đan Mạch, nơi mà cầu thủ Nadia Nadim đang truyền cảm hứng để khuyến khích các cô gái chơi bóng đá.
Marta cho rằng không có một phép màu nào sẽ đem lại sự thay đổi. “Chúng ta phải đấu tranh, phải làm công việc của mình thật xuất sắc để cho cả thế giới thấy, phụ nữ chơi bóng đá là điều hoàn toàn có thể,” cô cho biết.
Cô khẳng định rằng, “Bóng đá nam hay nữ đều giống nhau: từ sân thi đấu tới quả bóng, nỗ lực thi đấu hết mình cũng không có gì khác biệt, điều quan trọng là chúng tôi đang tạo ra những tấm gương phá bỏ những định kiến, giúp trẻ em và thế hệ sau này có thể chấp nhận mọi chuyện một cách tự nhiên”.
ĐT Brazil tiếp tục bay cao dưới thời Tite ĐT Brazil đã có chiến thắng thứ 4 liên tiếp dưới triều đại HLV Tite khi họ đánh bại Venezuela với tỷ số 2-0 với ... |
Olympic 2016 đến Brazil “sai thời điểm” Bảy năm trước, Rio de Janeiro khi giành quyền đăng cai Olympic 2016 chắc đã “ôm mộng” về một viễn cảnh tươi sáng. Tuy nhiên, ... |
Bóng đá Brazil đã tụt lùi đến đâu? Từ một đội bóng hàng đầu thế giới với những siêu sao trên hàng tấn công, giờ đây, tất cả những gì mà người ta ... |