📞

Brexit: Các tập đoàn châu Âu cảnh báo không đầu tư vào Anh

07:07 | 31/05/2018
Các công ty lớn hàng đầu của châu Âu ngày 30/5 đưa ra cảnh báo, nếu như tình trạng bất ổn Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU) vẫn tiếp diễn như hiện nay, họ sẽ không đầu tư vào Anh. 

Lời cảnh báo trên được lãnh đạo các tập đoàn lớn như BP, Vodafone, Nestlé, BMW và E.ON đưa ra trong cuộc gặp gỡ chung giữa giám đốc điều hành của các hãng với Thủ tướng Anh Theresa May và Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis vừa diễn ra tại London. 

Tại cuộc họp, phía doanh nghiệp EU yêu cầu chính phủ Anh cần giải thích rõ ràng, Brexit sẽ có ảnh hưởng, thay đổi gì đối với các hoạt động của họ tại Anh. Giới lãnh đạo doanh nghiệp EU cho biết, hiện này sức hấp dẫn đầu tư vào Anh đối với  họ là rất thấp.

Thời kỳ chờ đợi sự giải thích rõ ràng từ phía Chính phủ có tác động rất tiêu cực cho môi trường kinh doanh tại Anh. 

Chủ tịch Volvo Carl-Henric Svanberg. (Nguồn: AFP)

Đoàn làm việc đại diện cho nhóm vận động của 50 công ty công nghiệp lớn nhất của châu Âu (ERT) do Chủ tịch Volvo Carl-Henric Svanberg dẫn đầu đã yêu cầu Chính phủ Anh phải đảm bảo quá trình Brexit không được để lưu thông hàng hóa giữa Anh và EU bị gián đoạn, hải quan đường biên phải diễn ra xuôn xẻ, không gây ách tắc.

Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, ERT kêu gọi sự rõ ràng và đảm bảo ổn định từ Chính phủ Anh cho các doanh nghiệp, vì từ nay đến lúc Anh chính thức rời EU không còn nhiều nữa. Tâm lý bất ổn định đã gây ra suy giảm đầu tư. 

Chính phủ Anh đang nỗ lực để cân bằng giữa các đàm phán với EU và với các yêu cầu từ phía các doanh nghiệp, để tránh tăng thêm chi phí và đình trệ tại các cửa khẩu sau khi Anh rời EU. Tuy nhiên, hiện nay trong nội các Anh vẫn chia rẽ ý kiến về những thỏa thuận hải quan thời hậu Brexit. 

Sau cuộc họp, Văn phòng Chính phủ Anh cho biết, Thủ tướng Anh hoàn toàn nhận thức rõ sự cần thiết phải đảm bảo sự ổn định cho các doanh nghiệp.

Bà May cũng nhấn mạnh tầm quan trọng đảm bảo các thỏa thuận thương mại trong tương lai với EU, bao gồm để vấn đề hải quan đường biên được thuận lợi, thông thoáng. Do vậy sẽ tránh không để xảy ra đường biên giới cứng giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland (thuộc Anh) và Cộng hòa Ireland, và cho phép Anh theo đuổi chính sách thương mại độc lập.

(theo Financial Times)