📞

Brexit: Thủ tướng Theresa May chọn hướng đi phức tạp nhất

15:25 | 20/01/2017
Nếu mọi chuyện không theo kịch bản mong muốn, nền kinh tế và giới doanh nghiệp Anh có thể đứng trước nguy cơ gián đoạn lớn. 

Thủ tướng Anh Theresa May đã vạch ra một kế hoạch lớn giai đoạn hậu Brexit, giúp Anh giữ vai trò là trung tâm thương mại quốc tế lớn. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng với quyết tâm đưa Anh ra khỏi thị trường chung châu Âu và liên minh thuế quan, bà May đã lựa chọn một hướng đi phức tạp nhất. Nếu mọi chuyện không theo kịch bản mong muốn, nền kinh tế và giới doanh nghiệp Anh có thể đứng trước nguy cơ gián đoạn lớn. 

Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: EPA)

Anh đang yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) điều mà khối này chưa từng làm, đó là đặt mục tiêu đàm phán một thỏa thuận thương mại với EU trong giai đoạn 2 năm Anh rời "mái nhà chung" EU. Điều này được đề cập trong kế hoạch được công bố hôm 17/1 vừa qua. Giới chức EU ngay lập tức phản đối ý định. Cụ thể, Ủy viên EU Michel Barnier phụ trách vấn đề đàm phán Brexit, nhấn mạnh London sẽ phải nhất trí các thỏa thuận rời EU theo đúng trình tự trước khi hai bên có thể bắt đầu đàm phán về tương lai hậu Brexit.

Tuy nhiên, dù 27 nước thành viên còn lại của EU có nhất trí thương thảo một thỏa thuận thương mại trùng với thời điểm "chia ly", thì thực tế, việc kết thúc một thỏa thuận thương mại trong 2 năm là điều chưa từng xảy ra với liên minh này.

Dù Anh rời EU, nhưng đối với nước này, EU sẽ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất hậu Brexit, do các doanh nghiệp Anh được hưởng lợi một phần nhờ yếu tố địa lý. Theo chuyên gia Jacob Funk Kirkegaard thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), khoảng cách là vấn đề lớn trong thương mại. Dù có đàm phán với các cường quốc, nhưng cuối cùng mối quan hệ thương mại quan trọng nhất vẫn luôn là với các nước láng giềng. Chỉ riêng trong tháng 11 năm ngoái, xuất khẩu của Anh sang các nước EU chiếm tới 48% tổng kim ngạch xuất khẩu của Anh, và trong 18 tháng trước đó, tỷ lệ này dao động trong khoảng 38-51%.

Anh sẽ phải mất nhiều năm để đàm phán và ký kết hàng loạt thỏa thuận thương mại mới với EU, thay vì được lợi từ hàng chục thỏa thuận thương mại hiện có. Các chuyên gia thương mại cho rằng nếu mọi việc theo đúng kế hoạch, Anh cũng sẽ đạt được một vị thế đáng mơ ước và thu hút sự quan tâm của nhiều nước. Tuy nhiên, xét về mặt kỹ thuật, Anh chưa thể tiến hành đàm phán các thỏa thuận thương mại như trên khi vẫn đang thuộc EU. Lựa chọn tốt nhất đối với Anh có lẽ là khởi động đàm phán một thỏa thuận mẫu với một nước như Canada, song điều này cũng khá phức tạp. Nhìn chung, nước này cần nhanh chóng đề ra các ưu tiên cũng như những yêu cầu cần có để có thể đạt được các thỏa thuận thương mại.

(theo Financial Times)