📞

Brexit vẫn có thể bị đảo ngược?

15:50 | 03/03/2017
Tại Anh, tiến trình Brexit đang vấp phải trở ngại lớn khi phải có được sự đồng thuận của Quốc hội để khởi động Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.

Vấp phải nhiều trở ngại

Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố, ngay sau khi lên nắm quyền rằng, sẽ khởi động tiến trình đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, vào cuối tháng 3 này. Tuy nhiên, bà đã và đang đối mặt với không ít trở ngại, trong đó có phán quyết của Tòa án tối cao yêu cầu Chính phủ phải có được sự đồng thuận của Quốc hội để khởi động Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.

Gina Miller- nhà quản lý đầu tư, một trong những người vận động để Anh ở lại EU. (Nguồn: EPA)

Gina Miller- nhà quản lý đầu tư, một trong những người vận động để Anh ở lại EU, đã khiến kế hoạch của Thủ tướng May gặp nhiều rắc rối sau khi bà đệ đơn lên Tòa án tối cao, nhấn mạnh rằng Điều 50 vi phạm Hiến pháp Anh.

Ban hội thẩm Tòa án tối cao do Chánh án Tòa án tối cao sau đó ra phán quyết cho rằng Thủ tướng “không có quyền” khởi động Điều 50 và buộc bà May phải có được sự chấp thuận của Quốc hội trước khi chính thức triển khai Brexit.

Theo phán quyết này của tòa án, Quốc hội sẽ là nơi quyết định thời điểm chính thức khởi động Điều 50, đưa nước Anh chính thức rời bỏ liên minh sau nhiều thập kỷ gắn kết. Tuy nhiên, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ phản đối phán quyết mà họ chỉ trích là sự “sỉ nhục” đối với Thủ tướng.

Tối 1/3, Thượng viện Anh đã bỏ phiếu để yêu cầu Chính phủ nước này sửa đổi dự luật khởi động các cuộc đàm phán Brexit. Với 358 phiếu thuận và 256 phiếu chống, Thượng viện đã buộc Thủ tướng Anh phải đưa vào dự luật Brexit điều khoản đảm bảo các công dân EU sinh sống tại Anh được quyền tiếp tục cư trú và làm việc tại Anh sau Brexit. Trước đó, bà May nhấn mạnh rằng, bà sẵn sàng thực hiện cam kết này song chỉ khi nào có được cam kết tương tự từ các đối tác.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp Anh, Thượng viện yêu cầu sửa đổi một dự luật đã được Hạ viện thông qua (đầu tháng 2 vừa qua với 494 phiếu thuận và 122 phiếu chống). Dự luật sẽ được chuyển lại cho Hạ viện vào giữa tháng 3 này để tiếp tục cân nhắc, song Thủ tướng May có thể lỡ mục tiêu khởi động Điều 50 tại Hội nghị thượng đỉnh EU, khai mạc ngày 9/3 tới.

Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ thúc đẩy tiến trình Brexit bất chấp yêu cầu sửa đổi của Thượng viện. Trong khi đó, Chính phủ Anh cho rằng kết quả bỏ phiếu vừa qua là “đáng thất vọng” và một số nguồn tin cho biết họ sẽ nỗ lực đảo ngược kết quả khi dự luật được Hạ viện nước này cân nhắc lại.

Người phát ngôn của Bộ Brexit nói: “Dự luật là nhằm thực hiện một mục đích đã được định sẵn: thực hiện kết quả cuộc trưng cầu ý dân và cho phép Chính phủ tiến hành các cuộc đàm phán… Quan điểm của chúng tôi đối với công dân EU đã nhiều lần được nhắc tới một cách rõ ràng. Chúng tôi muốn đảm bảo quyền lợi của tất cả các công dân EU đang sinh sống tại Anh cũng như quyền lợi của các công dân Anh ở các nước thành viên EU càng sớm càng tốt”.

Chưa rõ khi nào Hiệp ước Lisbon được khởi động

Hiệp ước Lisbon có hiệu lực vào ngày 1/12/2009 và là kết quả sau 8 năm nỗ lực của EU nhằm khiến tổ chức này trở nên “dân chủ, minh bạch và hiệu quả hơn”. Hiệp ước đề ra một loạt nguyên tắc và điều khoản, trong đó có việc bổ nhiệm người đứng đầu liên minh, việc phân bổ quyền hạn bỏ phiếu của các nước thành viên và Điều 50.

Điều 50 Hiệp ước Lisbon ghi rõ: “Mọi quốc gia thành viên có thể quyết định rời khỏi Liên minh theo cách phù hợp với các yêu cầu trong hiến pháp của riêng mình”. Điều khoản cũng nói rằng quốc gia có ý định rời khối sẽ phải thông báo cho liên minh về quyết định này, và thời điểm khởi động Điều 50. Sau khi điều khoản này chính thức được áp dụng, Anh sẽ không còn bị ràng buộc bởi các quy định của EU và tiến trình đàm phán bắt đầu diễn ra.

Nhiều người đang đặt câu hỏi về khả năng tiến hành một cuộc bầu cử sớm tại Anh trong ngắn hạn, song giới chuyên gia cho rằng điều này khó có thể khả thi. Một số thành viên đảng Bảo thủ đang đe dọa thúc đẩy việc tiến hành một tổng tuyển cử trước hạn song thực tế là điều này có thể kéo theo nhiều rủi ro chính trị lớn cho giới lãnh đạo của cả hai đảng Bảo thủ và Công đảng.

Lãnh đạo Công đảng hoàn toàn nhận thức được nguy cơ để mất ghế trong Quốc hội trong khi Thủ tướng Theresa May hiểu rõ rằng một cuộc tổng tuyển cử vào thời điểm này sẽ khiến đảng Bảo thủ, vốn đang có nhiều rạn nứt do mâu thuẫn giữa phe "Ra đi" và phe "Ở lại", càng trở nên bất ổn hơn.

Nhà lãnh đạo này muốn áp dụng những thay đổi mới về phạm vi các đơn vị bầu cử vào năm 2018 để tạo lợi thế cho đảng Bảo thủ, đồng thời đảm bảo những điều có lợi nhất cho Anh nếu Quốc hội nước này không thông qua kế hoạch đàm phán của bà với các đối tác EU.

Thượng viện Anh đã bỏ phiếu để yêu cầu chính phủ nước này sửa đổi dự luật khởi động các cuộc đàm phán Brexit. (Nguồn: Getty Images)

Điều 50 của Hiệp ước Lisbon quy định rõ hạn chót và các thủ tục áp dụng đối với một quốc gia rời khỏi EU. Điều khoản cần phải được thực hiện trước khi các cuộc đàm phán về thủ tục ra đi chính thức được tiến hành. Tuy nhiên, với những diễn biến gần đây, nhất là sau phán quyết của Tòa án tối cao, hiện chưa rõ khi nào điều khoản này được khởi động.

Các nhà ngoại giao châu Âu cho rằng thời hạn không dài theo quy định của Điều 50 đang đặt Anh vào tình thế bất lợi. Điều 50 không thể bị hủy bỏ hay né tránh, và nếu người ta không thể khởi động nó thì Anh vẫn sẽ tiếp tục phải đóng góp cho ngân sách của EU và bị các nguyên tắc của khối ràng buộc, song lại không có bất kỳ quyền hạn nào trong việc đề ra hay thay đổi các quy định.

Một nhà ngoại giao Anh từng tham gia quá trình soạn thảo Điều 50 cho rằng về mặt pháp lý, Brexit vẫn có thể bị đảo ngược ngay cả khi Điều 50 đã được triển khai.

(theo The Sun)