📞

BRF: Việt Nam tăng cường hợp tác và liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu

Bảo Chi 07:00 | 17/10/2023
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và con đường (BRF) lần thứ 3 có ý nghĩa hết sức quan trọng trên cả bình diện song phương và đa phương.
Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai và con đường diễn ra từ ngày 17-18/10 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: VGC)

Xin Thứ trưởng Thường trực cho biết ý nghĩa nổi bật của chuyến công tác của Chủ tịch nước tới Trung Quốc tới Trung Quốc dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và con đường (BRF) lần thứ 3?

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ tham dự BRF tại Trung Quốc từ ngày 17-20/10.

Đây là chuyến công tác Trung Quốc và cũng là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị mới. Đây cũng là BRF lần đầu tiên sau một giai đoạn dài gián đoạn do dịch bệnh nên được Trung Quốc và các nước hết sức coi trọng và quan tâm.

Chính vì thế nên sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Diễn đàn lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng trên cả bình diện song phương và đa phương.

Trên bình diện đa phương, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, các nước mong muốn tăng cường các liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương và sự chủ động tích cực trong việc tăng cường hợp tác và liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ cùng các nhà lãnh đạo và đại diện của hơn 140 quốc gia và các tổ chức quốc tế trao đổi về những nội dung và chủ đề quan trọng được coi là động lực mới của quá trình phục hồi kinh tế mỗi nước cũng như của nền kinh tế toàn cầu như: chuyền đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo số, nông nghiệp hiện đại, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp…

Trên bình diện song phương, chuyến công tác lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng được lãnh đạo hai nước hết sức coi trọng. Đây là hoạt động đối ngoại cấp cao trong năm kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Trung Quốc.

Các cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc sẽ góp phần tăng cường tin cậy chính trị, duy trì đà quan hệ cũng như tạo ra những cơ hội hợp tác mới, đặc biệt sau rất nhiều các hoạt động cấp cao giữa hai nước nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2022).

Qua đó góp phần đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chuẩn bị tham dự BRF lần thứ 3. (Ảnh: Tuấn Anh)

Xin Thứ trưởng Thường trực cho biết những kỳ vọng hợp tác sẽ được thúc đẩy trong chuyến công tác này của Chủ tịch nước?

Thứ nhất, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và toàn cầu hóa có biểu hiện chững lại, sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại BRF lần thứ 3 sẽ góp phần củng cố xu thế tăng cường liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, đặc biệt khi Việt Nam là một quốc gia có độ mở kinh tế lớn.

Thứ hai, việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc và các nước trao đổi và thảo luận những nội dung phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam như: tăng trưởng xanh, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, chống tham nhũng và bảo đảm liêm chính trong quá trình hợp tác kinh tế… sẽ góp phần tạo ra những bài học, kinh nghiệm, qua đó tranh thủ những nguồn lực và mở rộng hợp tác kinh tế.

Các cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc cũng như các lãnh đạo quốc tế khác tham dự hội nghị sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho Việt Nam.

Với Trung Quốc, hai bên sẽ trao đổi tiếp tục các biện pháp tăng cường giao lưu cấp cao và các cấp; thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư bền vững, cân bằng hơn trong thời gian tới; tăng cường hợp tác liên kết về hạ tầng, đặc biệt trong khuôn khổ các kết nối “Hai Hành lang, một Vành đai” và “Một Vành đai, một Con đường”, cũng sẽ tạo ra những định hướng hợp tác hết sức quan trọng cho các bộ, ngành, địa phương Việt Nam cùng phối hợp với các đối tác Trung Quốc để tiếp tục đưa quan hệ hai nước vào một giai đoạn mới với độ tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác thực chất hơn, nền tảng xã hội củng cố hơn và bất đồng được giải quyết tốt hơn.

Xin cảm ơn Thứ trưởng Thường trực!