📞

"BRICS+" - mô hình thúc đẩy hội nhập kinh tế toàn cầu

14:46 | 17/04/2017
Theo chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Phát triển Á-Âu (EDB), Yaroslav Lissovolik, việc mở rộng nhóm BRICS, hay còn gọi là "BRICS +", có thể trở thành mô hình hội nhập kinh tế toàn cầu mới. 

Ông Yaroslav Lissovolik nêu rõ, thay vì chỉ tập trung vào hội nhập trên cơ sở khu vực như trước đây, BRICS đã đưa ra một hệ thống hội nhập đa dạng, tạo ra xu hướng nhất quán hướng tới việc kết nối giữa các châu lục, các khu vực khác nhau trên thế giới. Bởi vậy, việc mở rộng BRICS hướng tới tăng tính lợi ích và hiệu quả của tiến trình hội nhập.

Ông Yaroslav Lissovolik, chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Phát triển Á-Âu (EDB). (Nguồn: valdaiclub)

Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, Trung Quốc sẽ nghiên cứu các phương thức mô hình "BRICS +" và xây dựng quan hệ đối tác rộng lớn hơn thông qua đối thoại với các quốc gia và các tổ chức đang phát triển khác, biến BRICS thành một diễn đàn có ảnh hưởng nhất cho hợp tác Nam - Nam trên thế giới.

Theo ông Lissovolik, BRICS là một diễn đàn lý tưởng nhằm tăng mức độ tiếp cận hội nhập cho các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, hệ thống "BRICS+" cần có quan hệ tương tác với các nước phát triển, đồng thời thiết lập liên kết với các tổ chức quốc tế chủ chốt, trong đó có Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhằm bảo đảm lợi ích của mình.

Hiện nhóm BRICS có 5 quốc gia thành viên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Các nước thành viên tiềm năng mới bao gồm Mexico, Pakistan và Sri Lanka.

Sự ra đời của Ngân hàng Phát triển mới (NDB) thuộc BRICS được kỳ vọng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề mà các nước đang phát triển gặp phải. Đến nay ngân hàng này đã giải ngân được 1,5 tỷ USD cho nhiều dự án quan trọng của BRICS. Chuyên gia kinh tế Lissovolik nhận định, với đà phát triển này, "BRICS +" có thể tạo ra một vành đai kinh tế Á - Âu hùng mạnh.

(theo TTXVN)