Bức tranh sơn dầu "Les Chanteuses de Campagne" (Người hát dân ca). (Nguồn: Sotheby's) |
Tại phiên đấu giá Sotheby’s Paris, bức sơn dầu Les Chanteuses de Campagne (Người hát dân ca) của hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh đã được gõ búa với mức giá 1.020.000 EUR (hơn 27 tỷ đồng). Như vậy, "Người hát dân ca" đã lọt Top 20 tranh Việt đắt giá nhất mọi thời đại, đứng ở vị trí thứ 15, bên cạnh các tác phẩm khác của Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Quốc Lộc, Phạm Hậu, Tô Ngọc Vân và Vũ Cao Đàm.
Đây là tác phẩm thứ hai của Nguyễn Phan Chánh đạt mốc triệu USD, sau bức tranh lụa Les Couturières (Những cô thợ may), gõ búa 1.390.000 USD trên sàn Christie’s tháng 12/2020.
Bức tranh sơn dầu "Người hát dân ca" miêu tả hai người phụ nữ thôn quê đội nón quai thao, cầm quạt, mặc áo nâu quần lĩnh, đi chân đất trong một bối cảnh dân dã, bao quanh bởi tông màu đất chủ đạo.
Bố cục này phản ánh sự tập trung của hoạ sĩ Phan Chánh đối với vẻ đẹp chân phương hơn là tính mới lạ về mặt thẩm mỹ. Tác phẩm mang đến cho người xem cái nhìn sâu sắc về cuộc sống đời thường ở Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Tác phẩm trước đây chỉ được biết đến qua các hồ sơ lưu trữ và những cuộc triển lãm ở Hà Nội (năm 1930) và Paris (năm 1931). Sau đó, một cặp vợ chồng ở Pháp mua sưu tập, truyền cho các thế hệ sau. Gần đây, tranh được phát hiện tại nhà một người cháu của họ ở vùng nông thôn Pháp.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi đánh giá kết quả đấu giá đúng như dự đoán ban đầu của ông bởi tác phẩm có xuất xứ rõ ràng. Một trong những chi tiết đáng quan tâm ở bức tranh là phương diện chất liệu.
"Người ta vẫn quen với những tác phẩm lụa của Nguyễn Phan Chánh, nhưng đây là một tranh sơn dầu, phong cách vẫn là những mảng màu lớn, chân phương, rất ít chi tiết, thường thấy trong tranh lụa của ông", ông Khôi cho biết thêm.
Trong khi đó, Giám tuyển Ace Le - giám đốc điều hành thị trường Việt Nam của Sotheby's đánh giá tác phẩm là tranh quan trọng nhất từng được tung ra thị trường của Nguyễn Phan Chánh. Bức tranh được hoàn thiện năm 1930 - thời kỳ sáng tác đỉnh cao của danh họa.
Ban đầu, tranh chỉ được biết đến qua các hồ sơ lưu trữ, một số triển lãm ở Hà Nội năm 1930 và Paris năm 1931. Sau đó, một cặp vợ chồng bác sĩ ở Pháp mua sưu tập, truyền cho các thế hệ sau. Gần đây, tranh được phát hiện tại nhà một người cháu của họ ở vùng nông thôn Pháp. Ông Ace Lê kỳ vọng, kiệt tác này được hồi hương, về với quê nhà sau gần một thế kỷ nơi đất khách.
Nguyễn Phan Chánh sinh năm 1892 ở Hà Tĩnh. Ông là họa sĩ tiêu biểu cho nền hội họa Đông Dương, đồng thời là người tiên phong nghệ thuật tranh lụa Việt Nam. Danh họa bắt đầu vẽ từ năm 33 tuổi khi trở thành học viên khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1929, ông có tác phẩm trưng bày tại sự kiện Triển lãm Nghệ thuật Thuộc địa (Salon de l'art colonial), Paris, đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp. Lấy cảm hứng sâu sắc từ vùng nông thôn thời thơ ấu, Nguyễn Phan Chánh luôn giữ sự gắn bó gần gũi với dân quê qua việc vẽ nên những khung cảnh quen thuộc với một góc nhìn thân cận, khiến ông được ca ngợi như một nhà ghi chép về cuộc sống truyền thống. Nguyễn Phan Chánh để lại trên 170 tác phẩm. Ông là người đang giữ kỷ lục về số tranh được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Có thể kể đến một số bức tranh nổi tiếng khác của ông như: Rửa rau cầu ao, Em bé cho chim ăn, Chơi ô ăn quan, Bát nước giải lao… |
| Giáo dục tạo ra những 'sản phẩm' nhân ái và 'chuyên gia sáng tạo' trong tương lai Các kỳ thi, điểm số và bài kiểm tra là một phần của hệ thống giáo dục, nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng. ... |
| Sách mới 'Tính nữ tỏa rạng': Hành trình tìm kiếm nguồn sáng tự thân Trong cuốn sách mới mang tên 'Tính nữ tỏa rạng', tác giả Thục Linh chia sẻ các phương pháp thiết thực và sâu sắc để ... |
| Trường ca 'Thức với biển' có gì đặc biệt? Trường ca "Thức với biển" không chỉ là một hiện tượng văn học mà còn là cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của tác ... |
| Tiền lương mới sẽ tăng thế nào? Dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và ... |