Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ cao nhất trong 39 năm qua. (Nguồn: Global Banking and Finance review) |
So với tháng 10, CPI của Mỹ tăng 0,8% do giá cả một loạt mặt hàng tăng mạnh khi kinh tế Mỹ đang dần phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Cụ thể, giá xăng tại Mỹ tăng 6,1%, giá thực phẩm tăng 0,7%, giá thuê nhà tăng 0,5% và giá mua ô tô cũ tăng 2,5%. Giá hàng hóa tăng một phần do các nhà bán lẻ, các kho hàng, nhà cung cấp và các công ty vận chuyển chạy đua nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao trong mùa cao điểm mua sắm cuối năm.
Cũng theo số liệu, mặc dù tốc độ tăng CPI của Mỹ trong tháng 11 đã chậm lại so với tháng 10 nhưng vẫn trên dự báo của các nhà phân tích. Trước đó, các nhà phân tích dự báo CPI trong tháng 11 của Mỹ chỉ tăng 0,7% so với tháng 10 và 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc chỉ số CPI tăng mạnh đang tạo áp lực đáng kể lên các hộ gia đình Mỹ, nhất là trong mùa mua sắm cuối năm cho dịp lễ Giáng sinh và Năm mới đang đến gần.
Điều này cũng sẽ gây sức ép lên Tổng thống Joe Biden và các nhà lập pháp đảng Dân chủ trong việc đẩy nhanh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 thông qua việc triển khai dự luật cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD ký hồi tháng 3.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Biden, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh hơn bất kỳ quốc gia nào khác và người dân Mỹ vẫn có nhiều tiền trong túi hơn so với một năm trước đây ngay cả khi đã tính đến việc giá tăng.
Mặc dù vậy, giá cả tăng mạnh có thể sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải tăng tốc thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu vốn được triển khai kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Dự kiến, Ủy ban hoạch định chính sách của Fed sẽ thảo luận về vấn đề này trong cuộc họp tại Washington vào tuần tới.
Ngoài ra, Fed có thể cũng sẽ xem xét khả năng đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất cơ bản vì lo ngại hàng hóa tăng giá sẽ khiến tiền lương tăng mạnh và đẩy lạm phát tiếp tục tăng lên.
Trong khi đó, tại Brazil, số liệu của Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) công bố ngày 10/12 cũng cho biết, tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 11 tăng 0,95% so với tháng trước đó và đã chạm mức cao nhất của tháng 11 hàng năm kể từ năm 2015 đến nay.
Theo số liệu từ IBGE, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Brazil tăng 9,26% kể từ đầu năm và đã tăng tới 10,74% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ 2003.
Có 7 nhóm sản phẩm và dịch vụ thiết yếu tăng giá trong tháng 11, nổi bật là nhiên liệu (+7,38%) giao thông vận tải (+3,35%), nhà ở (+ 1,03%), chi tiêu cá nhân (+0,57%).
Nguyên nhân là do giá nhiên liệu tiếp tục tăng mạnh trên thị trường quốc tế, khiến chi phí vận tải đắt đỏ hơn kéo theo tăng giá các sản phẩm và dịch vụ khác.
Trước đó, để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) hôm 8/12 đã quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 9,25%, mức cao nhất kể từ năm 2017.
Đây là lần thứ 7 liên tiếp BCB tăng lãi suất cơ bản, dù có nguy cơ sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay. BCB cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi chặn được đà tăng của lạm phát.
Giới chuyên gia kinh tế dự báo, lãi suất ngân hàng tại Brazil có thể sẽ tăng lên mức 10,75% vào tháng 2 năm sau khi mà tỷ lệ lạm phát vào cuối năm nay sẽ ở mức 10,18%, gấp đôi trần mục tiêu cho cả năm 2021. Đầu năm nay, Chính phủ Brazil đặt trần lạm phát cả năm chỉ ở mức 3,75% với biên độ +/-1,5%.
Kinh tế Brazil đã chính thức bước vào suy thoái sau khi ghi nhận hai quý tăng trưởng âm liên tiếp trong quý II và quý III vừa qua. Trong quý III, mức suy giảm của nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ này là 0,1%.