Vị thế bị lung lay
Từ lâu nay, London luôn được coi là trung tâm tài chính lớn nhất của châu Âu, một trong hai trung tâm tài chính lớn nhất thế giới (cùng New York của Mỹ) với những ưu thế mà các thành phố châu Âu khác không thể so sánh được.
Trước hết, London có ưu thế rất lớn về quy mô ngành nghề. Thành phố này có hơn 500 ngân hàng, tương đương với số lượng ngân hàng của Frankfurt và Paris, khoản vay của ngân hàng đa quốc gia chiếm 18% toàn cầu, sản phẩm phái sinh lãi suất ở thị trường phi tập trung chiếm 46% toàn cầu.
Việc EU muốn trừng phạt Anh về chính trị, điều thuận tiện nhất là dựa vào “giấy thông hành của EU” để gây sức ép với Anh, buộc Anh phải nhượng bộ trên các phương diện như di dân, thương mại, trợ cấp tài chính. (Nguồn: Standard) |
London là thị trường giao dịch bằng đồng USD lớn nhất ở bên ngoài nước Mỹ, lượng giao dịch ngoại hối bình quân mỗi ngày là 2.000 tỷ USD, chiếm 40% toàn cầu. London còn được xem là “ông trùm” của ngành bảo hiểm châu Âu, tập trung 20 công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm lớn hàng đầu thế giới, có các công ty bảo hiểm lâu đời.
Bên cạnh đó, Sở giao dịch chứng khoán London còn chiếm vị trí đầu bảng trong giá trị thị trường châu Âu. Theo giới phân tích tài chính, London được gọi là thành phố tài chính bởi chuyên thực hiện các giao dịch tài chính.
Thứ hai, Anh có ưu thế rõ rệt về môi trường pháp luật. Anh có thể chế pháp luật hoàn thiện, thuộc thông luật (Common Law), tuân theo thông lệ phán quyết, rất coi trọng việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cổ đông và người đầu tư, có thể thích ứng hơn với hiện thực tài chính thay đổi nhanh chóng. Nước này còn có thể chế giám sát quản lý tài chính chặt chẽ và linh hoạt. Trong quá trình thúc đẩy ngành tài chính London phát triển, Chính phủ Anh áp dụng mô hình quản lý tương đối ôn hòa, rất coi trọng sự điều tiết trao đổi giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, vừa hạ thấp giá thành quản lý, vừa điều động có hiệu quả tính tích cực của doanh nghiệp.
Thứ ba, Anh luôn dẫn đầu về dịch vụ kinh doanh. London có quần thể dịch vụ tài chính quốc tế đứng đầu thế giới, hội tụ nhiều nhân tài về tài chính. Giáo dục kinh tế tài chính của Anh cũng dẫn đầu lục địa châu Âu. Trong 5 dự án thạc sĩ tài chính hàng đầu châu Âu thì Anh có 4 dự án. Thuế suất công ty của Anh thấp hơn. Luật việc làm của Anh cũng linh hoạt hơn, những ngành nghề có tính chu kỳ có thể thuê hoặc sa thải nhân viên một cách linh hoạt, tính thanh khoản của sức lao động rất mạnh mẽ, rất thích hợp với ngành tài chính.
Thứ tư, London được thiên nhiên ưu đãi về vị trí. Được coi là trung tâm giao dịch ngoại hối, múi giờ của London ở giữa múi giờ 24 tiếng, là thời điểm các thị trường lớn trên thế giới cùng giao dịch, London kết nối liền mạch với thị trường của châu Á và Mỹ, có ưu thế múi giờ lớn hơn Hong Kong (Trung Quốc) và New York. Ngoài ra, tiếng Anh được coi là ngôn ngữ thông dụng trong giới tài chính cũng trao cho London địa vị đặc thù.
Bất chấp những ưu thế lớn kể trên, theo nhận định của giới phân tích, “Brexit cứng” có thể ảnh hưởng đến vị trí đứng đầu thế giới của trung tâm tài chính London.
Brexit “giáng đòn” như thế nào vào London?
Trung tâm tài chính London đã vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ năm 2008 và tồn tại một cách ngoan cường, nhưng hiện giờ vị thế oai hùng này đang bị lung lay. Vậy với Brexit, điều gì sẽ xảy ra với trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu này? Theo các chuyên gia, có 3 nguy cơ lớn.
Hiện nay, Chính phủ Anh đang tích cực chuẩn bị đàm phán rời khỏi EU, làm giảm ảnh hưởng tiêu cực của “Brexit cứng” đối với ngành tài chính. |
Một là “giấy thông hành của EU”. Cơ quan tài chính đăng ký ở các nước EU có thể nhận được “giấy thông hành”, tiếp đến triển khai nghiệp vụ tài chính trên toàn EU. Hiện nay, có khoảng 5.500 công ty đăng ký ở Anh dựa vào giấy thông hành của EU để cung cấp cho ngành tài chính Anh.
Nếu “Brexit cứng” khiến cho những công ty trên mất đi “giấy thông hành”, hậu quả sẽ không thể tưởng tượng, là một đòn tấn công chí mạng đối với trung tâm tài chính London. Vì liên quan đến vận mệnh và tiền đồ của trung tâm tài chính, đàm phán Anh - EU xoay quanh “giấy thông hành của EU” sau này sẽ không tránh khỏi việc xảy ra một cuộc đàm phán đầy khó khăn.
Việc EU muốn trừng phạt Anh về chính trị, điều thuận tiện nhất là dựa vào “giấy thông hành của EU” để gây sức ép với Anh, buộc Anh phải nhượng bộ trên các phương diện như di dân, thương mại, trợ cấp tài chính…, nếu không sẽ làm cho ngành tài chính Anh phải trả giá nặng nề. Đồng thời, không ít thành phố trên lục địa châu Âu muốn nhân cơ hội này để tranh giành nghiệp vụ tài chính của London, cũng sẽ cứng rắn hơn trong vấn đề “giấy thông hành”.
Hai là “trung tâm thanh toán của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)”. Hiện nay, London là trung tâm thanh toán bằng đồng Euro lớn nhất thế giới, đang kiểm soát 70% giao dịch có liên quan đến đồng Euro. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã từng ra lệnh cấm các nước ngoài Eurozone tiến hành nghiệp vụ thanh toán bằng đồng Euro. Anh không phục quyết định này của Eurozone, kiện lên Tòa án châu Âu. Và vào năm 2015, Anh đã thắng trong vụ kiện về nghiệp vụ thanh toán.
Lần này, Anh trưng cầu ý dân rời khỏi EU, Ủy ban châu Âu theo tình thế xem xét lại việc giải quyết vấn đề thanh toán bằng đồng Euro, có thể sẽ có thay đổi về pháp quy, trao quyền cho ECB kiểm soát nghiêm ngặt đối với nghiệp vụ thanh toán bằng đồng Euro, hạn chế các nước bên ngoài EU tham gia nghiệp vụ thanh toán bằng đồng Euro. Nếu pháp quy như vậy được ban hành, lượng lớn nghiệp vụ thanh toán bằng đồng Euro chắc chắn sẽ rút từ London sang thành phố của các nước EU.
Ba là “tự do đi lại”. Sự “tự do đi lại” của nguồn vốn và nhân viên là nguyên tắc cơ bản của EU, tham gia nghiệp vụ tài chính trong EU có thể được hưởng miễn thuế, nhân viên làm nghề tài chính cũng có thể tự do luân phiên.
Sau sự kiện Brexit, ưu đãi miễn thuế của nghiệp vụ tài chính cũng như tính thanh khoản của nhân viên hành nghề của Anh đều bị ảnh hưởng. Hiện nay, Chính phủ Anh đang tích cực chuẩn bị đàm phán rời khỏi EU, làm giảm ảnh hưởng tiêu cực của “Brexit cứng” đối với ngành tài chính.
Về đối nội, Chính phủ Anh tập trung sử dụng tốt tính tự chủ chính sách sau khi rời khỏi EU, thông qua chính sách tài chính và chính sách tiền tệ tích cực, thúc đẩy sự chuyển đổi mô hình kinh tế của Anh, xây dựng khu vực miễn thuế quốc tế.
Về đối ngoại, nước này khởi xướng toàn cầu hóa kinh tế và thương mại tự do, tăng cường hợp tác với các nền kinh tế chủ yếu trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, chuẩn bị xây dựng mạng lưới thương mại tự do mới.
Chính phủ của Thủ tướng Theresa May cho rằng, bảo đảm sự mở cửa của thị trường tài chính và chính sách thu thuế thấp có thể bảo vệ một cách hiệu quả địa vị trung tâm tài chính London.
Cuộc đua thay thế London
Rất nhiều thành phố khác của châu Âu như Frankfurt (Đức), Paris (Pháp), Dublin (Ireland), Luxembourg, Amsterdam (Hà Lan) đều muốn thay thế London để trở thành trung tâm tài chính của châu Âu, bắt đầu cuộc cạnh tranh trung tâm tài chính châu Âu mới.
Giới chức Pháp thẳng thắn đề cập khả năng nước Anh suy yếu, kèm theo đó là sự lu mờ của trung tâm tài chính London, như một cơ hội để nước Pháp vươn lên khẳng định mình.
Frankfurt (Đức) cũng muốn thay thế London để trở thành trung tâm tài chính của châu Âu. (Nguồn: World Finance) |
Không chỉ riêng Pháp coi Brexit là thời cơ, Đức cũng thừa nhận sẽ đề xuất những quy định để bảo vệ người lao động muốn chuyển đổi việc làm từ London. Italy cũng muốn tận dụng cơ hội này để đưa thành phố Milan trở thành một trung tâm tài chính quan trọng, xây dựng “một hệ thống pháp lý tương tự như London” để đảm bảo sự chuyển đổi thông suốt cho “các thị trường tài chính... không thể tiếp tục ở lại London”.
Trong khi đó, các thành phố Dublin, Amsterdam và Stockholm (Thụy Điển) đều đang nỗ lực cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp từ London về phía mình. Chủ tịch ngân hàng Morgan Stanley, ông Colm Kelleher thậm chí còn dự đoán nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển hướng sang trung tâm tài chính New York của Mỹ. Những kỳ vọng trên không phải không có cơ sở khi nhiều doanh nghiệp và công ty cũng đang cân nhắc khả năng tương tự với việc thay đổi "đại bản doanh" sang các thành phố khác trên thế giới ngoài London.
Trong bối cảnh đàm phán giữa Anh và EU về Brexit đang diễn ra vô cùng phức tạp và khó đoán định, địa vị của London với tư cách là trung tâm tài chính của châu Âu chắc chắc sẽ yếu đi, bố cục tài chính của châu Âu trong tương lai rất có thể phát triển theo hướng “nhiều trung tâm”.
Việc nghiệp vụ tài chính London bị chia sẻ với các thành phố khác của châu Âu, theo giới quan sát, là một quá trình phức tạp và kéo dài.