📞

Bước tiến tích cực trong vòng 3 tái đàm phán NAFTA

16:17 | 28/09/2017
Vòng 3 tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Mexico và Canada đã đạt được kết quả khả quan trong một số lĩnh vực tuy vẫn còn không ít bất đồng, cần sự nỗ lực của tất cả các bên để đạt mục tiêu hoàn tất đàm phán vào cuối năm nay.

Mặc dù giữa 3 nước vẫn còn nhiều khác biệt song ít nhất đã có được sự khởi đầu cần thiết để mở đường cho những bước tiến tiếp theo trong các vòng đàm phán kế tiếp.

Đạt kết quả khả quan

Ngày 27/9, vòng 3 tái đàm phán NAFTA đã chính thức khép lại sau 5 ngày thảo luận ở thủ đô Ottawa (Canada) với việc các bên đạt được tiến bộ đáng kể trong một số lĩnh vực thông qua việc hợp nhất các văn bản đề xuất, thu hẹp khoảng cách và nhất trí với các yếu tố của văn bản dự thảo NAFTA mới.

Tại vòng 3 tái đàm phán NAFTA ở Canada,ngày 27/9, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal (trái) bắt tay với Đại diện Thương mại Mỹ Robert E.Lighthizer trước sự chứng kiến của Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland. (Nguồn: The Canadian Press)

Tuyên bố chung sau Hội nghị cho biết, 3 nước Mỹ, Mexico và Canada đã đạt được thoả thuận cuối cùng về vấn đề Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong phiên bản NAFTA mới. Các nước cũng đạt được tiến bộ đáng kể trong một số lĩnh vực như viễn thông, chính sách cạnh tranh, thương mại kỹ thuật số, hải quan và thuận lợi hoá thương mại. Ngoài ra, các bên cũng đã trao đổi những quan điểm bước đầu về tiếp cận thị trường trong mua sắm chính phủ, vấn đề năng lượng và quyền của người bản địa.

Phát biểu tại buổi lễ công bố tuyên bố chung, Ngoại trưởng nước chủ nhà Canada Chrystia Freeland khẳng định, việc các bên đạt được nhất trí về chương đầu tiên trong phiên bản NAFTA mới là một kết quả rất đáng khích lệ, nhất là xét trong bối cảnh giữa các bên có quá nhiều điểm khác biệt và chịu sức ép rất lớn về thời gian trong suốt tiến trình đàm phán.

Bà Freeland nhấn mạnh, kết quả này sẽ giúp các doanh nghiệp ở cả 3 nước nâng cao khả năng cạnh tranh và tận dụng các cơ hội do hiệp định NAFTA đem lại. Ngoài việc đạt được một chương cụ thể về SME, các nhà thương thuyết cũng đang nỗ lực hiện đại hóa các khía cạnh khác của thoả thuận NAFTA mới nhằm tạo thêm thuận lợi cho các SME.

Cũng tại buổi lễ công bố tuyên bố chung, Đại diện Thương mại Mỹ Robert E.Lighthizer và Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal đánh giá cao nỗ lực vượt bậc của các đoàn đàm phán và những kết quả khích lệ mà các bên đã đạt được.

Không ít bất đồng

Tất nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, giữa các bên vẫn còn bất đồng khá lớn trong những vấn đề gây tranh cãi nhất như về cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại, quy tắc xuất xứ sản phẩm, tỷ lệ nội địa hoá đối với ô tô sản xuất và tiêu thụ ở Bắc Mỹ, vấn đề lao động...

Đại diện Mỹ, Mexico và Canada tham gia vòng 3 tái đàm phán NAFTA cho biết, sẽ tiến hành vòng đàm phán thứ tư tại thủ đô Washington DC của Mỹ từ ngày 11-15/10 tới với cam kết cùng hướng tới mục tiêu chung là tạo công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế và cơ hội cho người dân của cả 3 nước. Bên cạnh đó, các nhà đàm phán cũng cho biết, lãnh đạo của cả 3 nước vẫn đặt mục tiêu hoàn tất tái đàm phán NAFTA vào cuối năm 2017.

Dù chưa thể thống nhất các đề xuất và yêu cầu từ cả 3 nước đối tác và vẫn còn bất đồng khá lớn trong những vấn đề gây tranh cãi nhất, song các bên vẫn đặt mục tiêu hoàn tất quá trình đàm phán sửa đổi NAFTA vào cuối năm 2017. (Nguồn: CBC)

Có thể nói, sau 3 vòng tái đàm phán, các đại diện của Mexico, Mỹ và Canada đã khẳng định những mục tiêu ưu tiên cho việc hiện đại hóa NAFTA.

Dù chưa thể thống nhất các đề xuất và yêu cầu từ cả 3 nước đối tác và vẫn còn bất đồng khá lớn trong những vấn đề gây tranh cãi nhất, song các bên vẫn đặt mục tiêu hoàn tất quá trình đàm phán sửa đổi NAFTA vào cuối năm 2017. Điều này giúp các nước tránh bị vướng vào những rắc rối chính trị có thể xuất phát từ cuộc bầu cử Tổng thống tại Mexico cũng như bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào năm 2018.

Đây được cho là kế hoạch đầy tham vọng đối với việc đàm phán một hiệp định mang tầm khu vực, khi khoảng thời gian còn lại là không nhiều. Tuy nhiên, khoảng cách từ việc vạch lộ trình cho đến hiện thực hóa mục tiêu đề ra vẫn còn xa vời, đặc biệt trong bối cảnh mỗi nước đều có những lập trường và mục tiêu cứng rắn cũng như những lợi ích riêng khó có thể sớm dung hòa.

Thực tế cho thấy, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ hủy bỏ NAFTA nếu không thể thu hẹp khoản thâm hụt thương mại hàng hóa trị giá 64 tỷ USD với Mexico và 11 tỷ USD với Canada. Chính quyền Tổng thống Trump cho rằng, NAFTA đã cướp đi hàng triệu việc làm của người lao động Mỹ và trao cho Canada, Mexico nhiều lợi thế hơn Mỹ. Do vậy, Mỹ muốn dùng ảnh hưởng từ vị thế là khách hàng xuất khẩu lớn nhất của Mexico và Canada để yêu cầu nhượng bộ trong vấn đề thâm hụt thương mại, rằng Mỹ muốn siết chặt hơn các quy định về nguồn gốc xuất xứ, nhất là các sản phẩm ô tô.

Trái lại, Canada và Mexico lại cho rằng Mỹ quá chú trọng vào số liệu thương mại song phương mà không quan tâm tới tổng giá trị thương mại của cả khối - vốn được coi là thước đo chuẩn xác cho hiệu quả của một hiệp định thương mại. Con số này đạt gần 1.000 tỷ USD vào năm 2016, tăng 5,5% so với năm 2015, cũng là mức tăng trung bình hàng năm kể từ khi NAFTA chính thức có hiệu lực.

Cả hai nền kinh tế láng giềng của Mỹ đều lo ngại các hạn chế thương mại mới sẽ là một thảm họa thực sự cho khả năng cạnh tranh của Bắc Mỹ và gây bất ổn cho doanh nghiệp cũng như công nhân ở cả 3 nước. Các khúc mắc này được xem là những nút thắt khó gỡ trong tiến trình đàm phán lại NAFTA, bởi nó gắn chặt với lợi ích mà từng bên kiên quyết bảo vệ trên bàn thương lượng.

Về tỷ lệ nội địa hoá đối với ô tô sản xuất và tiêu thụ ở Bắc Mỹ, hiện tại, tham vọng của Tổng thống Mỹ Trump là gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm ô tô thông qua "quy tắc xuất xứ". Tức là, một sản phẩm phải có tỷ lệ tham gia bắt buộc từ cả 3 nước trong NAFTA.

Cụ thể, trong 1 chiếc xe ô tô, 62% bộ phận phải được làm ở Mỹ, Mexico và Canada. Phần còn lại có thể được sản xuất từ những nơi khác. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất đã phản đối quy định này. Bên cạnh đó, Mỹ cũng dự định sẽ đưa con số cụ thể về tỷ lệ linh kiện tối thiểu phải được sản xuất tại Mỹ trong sản phẩm ô tô Bắc Mỹ. Giới phân tích cho rằng, tỷ lệ này phải đạt ít nhất là 35% mới có thể làm nhà lãnh đạo Mỹ hài lòng.

Dẫu vậy, với việc là những đối tác thương mại lớn của nhau, cả Mỹ, Canada và Mexico đều được hưởng những lợi ích cũng như có những ràng buộc nhất định khi tham gia NAFTA.

Cần nỗ lực và nhượng bộ

Là nước khởi xướng việc đàm phán lại để biến NAFTA thành một mô hình cải tiến và hiện đại hơn, song điều này không đồng nghĩa Washington sẽ chi phối và dẫn dắt quá trình đàm phán.

Bản thân Mỹ cũng sẽ phải có những nhượng bộ nhất định bởi hơn ai hết, giới chức nước này cũng hiểu rằng việc duy trì thỏa thuận đã có hiệu lực 23 năm đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định của kinh tế Mỹ và khu vực, trong bối cảnh thế giới ngày càng đối mặt với nhiều biến động khó lường.

Sự gắn kết và hội nhập của 3 nền kinh tế đã và đang diễn ra rất sâu rộng trong nhiều lĩnh vực là một lợi thế cạnh tranh của cả Mỹ, Canada và Mexico, mà việc phá bỏ nó sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. (Nguồn: CNBC)

Trong khi đó, mặc dù Canada và Mexico coi trọng và cần Mỹ làm đối tác, song vị thế hiện nay của hai quốc gia này cũng đã khác so với thời điểm ký kết NAFTA (1994). Nếu như vào hai thập kỷ trước, Canada và Mexico chỉ có thỏa thuận khu vực thương mại tự do với Mỹ, thì giờ đây hai nước này đã có được các thỏa thuận tương tự với nhiều đối tác khác.

Mặt khác, sự gắn kết và hội nhập của 3 nền kinh tế đã và đang diễn ra rất sâu rộng trong nhiều lĩnh vực là một lợi thế cạnh tranh của cả Mỹ, Canada và Mexico, mà việc phá bỏ nó sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai.

Những số liệu thống kê cho thấy, trao đổi thương mại giữa 3 quốc gia Bắc Mỹ đạt tăng trưởng cao kể từ khi NAFTA có hiệu lực, với tổng kim ngạch trên 1.300 tỷ USD vào năm 2016. Và trên thực tế, NAFTA không chỉ tạo ra lợi thế cho ngành sản xuất ở Bắc Mỹ nhờ việc khai thác chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn mang lại lợi ích cho kinh tế thế giới.

Chính vì vậy, dù đạt được một số tiến bộ nhất định song với việc còn tồn tại không ít bất đồng sau 3 vòng tái đàm phán, các chuyên gia phân tích cho rằng để NAFTA mới về đích đúng lộ trình, các nhà đàm phán Mỹ, Mexico và Canada cần hết sức nỗ lực và nhượng bộ.

(theo TTXVN)