Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã bứt tốc mạnh mẽ nhờ động lực từ các FTA. |
Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,8 tỷ USD).
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bứt tốc
Theo thống kê, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có sự bứt tốc mạnh mẽ trong 2 tháng đầu năm. Đầu tiên là thủy sản, trong 2 tháng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Với đà xuất khẩu này, Hiệp hội Chế biến và thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 sẽ đạt khoảng 640 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Một mặt hàng chủ lực khác là dệt may cũng đã có những khởi sắc, 2 tháng đầu năm xuất khẩu đạt 4,76 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm trước. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021. Đặc biệt, những mặt hàng như dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7-8/2021.
Ngoài ra, nhiều nhóm hàng đã có sự gia tăng mạnh mẽ về giá trị xuất khẩu. Với ngành da giày, 2 tháng qua, xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cao su tăng mạnh 89,9% về lượng và tăng 109,7% về trị giá so với hai tháng đầu năm 2020, đạt 320.000 tấn, trị giá 516 triệu USD. Xuất khẩu chè tuy giảm 1,6% về lượng nhưng tăng 9,7% về trị giá...
Nhìn vào bức tranh xuất khẩu có thể thấy, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản...
Tin liên quan |
Thu hút FDI từ ‘lá bài’ RCEP - Cửa rộng và sáng đến đâu? |
Động lực từ các FTA
Một trong những yếu tố giúp cho xuất khẩu đạt kết quả ngay từ đầu năm 2021, theo các chuyên gia, là do một số ngành có lợi thế xuất khẩu từ các FTA.
Năm 2020, Việt Nam có 3 FTA được ký kết, đi vào thực hiện, đó là: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Trong đó, EVFTA và RCEP là những Hiệp định có quy mô rất lớn và được kỳ vọng sẽ giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam có thay đổi mạnh mẽ.
Cụ thể với mặt hàng thủy sản là tôm, nhờ EVFTA, thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu sẽ được giảm từ 12-20% xuống 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Rồi EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xóa bỏ thuế đối với tấm trong thời hạn 5 năm. Minh chứng về yếu tố thị trường cho thấy, ngay trong tháng 1/2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Bắc Âu đã tăng tới 99,94% so với cùng kỳ năm 2020. Tất cả là nhờ vào ‘hiệu ứng’ EVFTA.
Theo Bộ Công Thương, hiệu ứng của EVFTA đã giúp xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU đạt 19,72 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang các nước thuộc Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hiện có kim ngạch chỉ thua kim ngạch xuất vào thị trường Mỹ, và vượt qua thị trường Trung Quốc, Hongkong (Trung Quốc), tạo sự cân bằng trong hoạt động xuất khẩu vào các thị trường lớn.
Bộ này tin tưởng, trong thời gian tới, khi các hiệp định được thực thi một cách đầy đủ hơn, toàn diện hơn cũng như khi các yếu tố về dịch bệnh có thể được đẩy lùi với việc đưa vaccine vào áp dụng đại trà trong năm 2021 và 2022 sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong hai tháng đầu năm nay với kim ngạch xuất khẩu đạt 14,2 tỷ USD, tăng 38,2% so cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 8,5 tỷ USD, tăng 54,3%. Thị trường EU đạt 6,3 tỷ USD, tăng 22,7%. Thị trường ASEAN đạt 4,2 tỷ USD, tăng 6,2%. Hàn Quốc đạt 3,4 tỷ USD, tăng 16,8%. Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, tăng 3%... |
Để tận dụng các FTA, giữ đà tăng trưởng
Thị trường xuất khẩu của Việt Nam năm nay và năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục phức tạp và khó lường với: xu hướng bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn... Đặc biệt, đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là đối với vận tải hàng không khiến chi phí logistics tăng cao... sẽ tác động rất lớn đến mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 5% so với năm 2020 của Việt Nam.
Nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, để tận dụng các ưu đãi từ thị trường do các FTA mang lại, doanh nghiệp cần tiếp tục tăng cường hàm lượng sản phẩm chế biến, có giá trị cao và phải tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm. Bởi sản phẩm Việt còn phải cạnh tranh với các quốc gia khác phát triển nhanh như: Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia...
Hiện Bộ Công Thương đang xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược mới về hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn sắp tới, vừa là để thay thế chiến lược 10 năm vừa qua, đồng thời cũng là xác định hướng đi mới trong bối cảnh thế giới đã có rất nhiều thay đổi như hiện nay.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục đàm phán cũng như hoàn thiện các thể chế liên quan đến các FTA, trong đó có vấn đề về quy tắc xuất xứ để giúp cho các doanh nghiệp có thể tận dụng được ưu đãi của Hiệp định tốt hơn.
Các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như đẩy mạnh xuất khẩu trên môi trường trực tuyến cũng được các cơ quan của Bộ đẩy mạnh và tìm ra hình thức phù hợp và hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Cùng với đó, giải pháp mấu chốt được Bộ Công Thương triển khai nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu năm 2021 là ưu tiên các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch. Đồng thời, Bộ này cũng sẽ nắm bắt thông tin thị trường và cảnh báo sớm các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán...
Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Vũ Tiến Lộc trả lời báo chí đã cho rằng, thời gian qua, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Song, thời gian tới trong quá trình hội nhập, việc thực thi các FTA phải quyết liệt, hiệu quả hơn. Điều này đòi hỏi không chỉ là nỗ lực của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao mà cần sự chung tay của liên ngành, liên bộ, liên địa phương. Có như vậy, hàng hóa Việt Nam mới tận dụng tốt cơ hội cắt giảm thuế quan từ nhiều thị trường lớn trên thế giới.