Nhỏ Bình thường Lớn

Cà Mau phát triển du lịch sinh thái cộng đồng

Với lợi thế địa lý “Đất rừng phương Nam” thu nhỏ, những năm qua, hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng tại Cà Mau đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào việc đột phá đưa kinh tế du lịch địa phương phát triển.

Cà Mau phát triển du lịch sinh thái cộng đồng

Đến nay toàn tỉnh có 25 điểm du lịch sinh thái cộng đồng đã đi vào hoạt động và một số điểm mới đã được hướng dẫn, hỗ trợ đưa vào thực hiện, quản lý. Trong 5 năm gần đây, các hộ làm du lịch theo hình thức này đã được kết nối trong các tour, tuyến phục vụ du khách từ các đơn vị du lịch, lữ hành. Trung bình mỗi năm, tỉnh Cà Mau đón trên 123.000 lượt khách đến với loại hình du lịch này. Nhờ đó, người dân bắt đầu được hưởng lợi từ hoạt động du lịch cộng đồng, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi. Hơn nữa, đã tiêu thụ lượng lớn các sản phẩm nông - lâm sản, làng nghề truyền thống. Việc này còn thúc đẩy các ngành nghề, dịch vụ tăng trưởng nhanh, vừa phục vụ phát triển du lịch.

Theo ông Trần Hiếu Hùng Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Cà Mau, “đối mặt với nhiều thách thức, song với tiềm năng và khả năng khai thác của địa phương, du lịch sinh thái cộng đồng tại Cà Mau đã và đang hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm du lịch của cả hai mùa mưa, nắng; thu hút sự quan tâm của du khách, đặc biệt là khách quốc tế”.

Nắm bắt những lợi thế của loại hình này, Cà Mau đang rất quan tâm phát triển loại hình du lịch sinh thái dựa trên xây dựng sản phẩm du lịch từ nông nghiệp, gắn việc khai thác, bảo vệ và phát triển tài nguyên với hoạt động du lịch. Điển hình, đã khai thác tốt các sản phẩm du lịch như: “Khai thác có hiệu quả tuyến du lịch xuyên rừng Mũi Cà Mau” , “Triển khai Đề án Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi” , “Khai thác sản phẩm trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập ngọt thuộc hệ thống Vườn Quốc gia U Minh Hạ gắn với trải nghiệm đời sống thường nhật của người dân dưới tán rừng”, Tìm hiểu nghề gác kèo ong, kinh nghiệm đi rừng, khai thác sản vật,...”

Là một trong những điểm du lịch sinh thái được bình chọn nằm trong "Top" ấn tượng của du lịch Việt Nam, điểm du lịch Mười Ngọt (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) sau gần 8 năm hình thành và khai thác vẫn giữ được vẻ hoang sơ, kì bí với hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ, gắn với hoạt động du lịch xanh, dựa vào thiên nhiên và cộng đồng.

Khu du lịch có tổng diện tích hơn 60 ha rừng tràm, trong đó, 20 ha được dành làm khu bảo tồn nghiêm ngặt, không khai thác nguồn lợi, để tạo một vùng lõi sinh thái tự nhiên dẫn dụ ong về.

Du khách khi đến vùng đất U Minh Hạ sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động của người nông dân xứ rừng như: Đi ăn ong, theo chân những người thợ lấy tổ ong rừng mang về vắt mật. Còn được làm một “dân rừng” chính hiệu khi được đặt lờ, đặt lọp, câu cá đồng, hái rau đồng, thưởng thức trái cây sạch, ngon tại vườn. Các sản vật thu hoạch được sẽ đem chế biến thành những món ăn dân dã, đậm nét quê…

Trong khi đó, để du khách được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên trong lành của hệ sinh thái rừng ngập mặn, từ khi đưa vào khai thác đến nay, tour tham quan xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển) hoặc nghỉ ngơi tại các điểm du lịch cộng động đã trở thành điểm nhấn quan trọng của du khách trong và ngoài nước trong hành trình trải nghiệm, khám phá vùng đất cực Nam Tổ quốc.

Cà Mau phát triển du lịch sinh thái cộng đồng

Phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Tuy có nhiều lợi thế, nhưng hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng còn những hạn chế, chưa tương xứng với thế mạnh sẵn có, do thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm du lịch cũng như công tác xúc tiến du lịch thiếu hiệu quả. Nhiều sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng vẫn mang tính tự phát, manh mún chưa được tổ chức bài bản, chuyển hóa nhanh sang dịch vụ du lịch mà chưa chú trọng đến vấn đề duy trì tính bền vững. Các hộ làm du lịch cộng đồng và các homestay hoạt động còn nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, đầu tư chưa bài bản, thu nhập của người dân làm du lịch cộng đồng còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên. Nguồn nhân lực du lịch trực tiếp, gián tiếp và tự phát hầu hết là chưa chuyên nghiệp, chưa qua đào tạo về nghiệp vụ, giao tiếp, văn hóa, lịch sử khiến du khách còn phiền lòng về cung cách phục vụ...

Theo ông Trần Hiếu Hùng, thực tế trên cần nhanh chóng xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng một cách tổng thể, từ việc đánh giá tài nguyên, hỗ trợ phát triển sản phẩm, thị trường cho đến công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, mang tính chuyên nghiệp, phát triển gắn liền với bền vững.

Theo đó, tỉnh sẽ nghiên cứu, tổ chức các sự kiện mới như: Hoạt động thể thao mạo hiểm; các giải chạy marathon xuyên rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ... Tỉnh định hướng cho các khu, điểm du lịch trong việc tổ chức dịch vụ trải nghiệm theo truyền thống địa phương; xây dựng mới và trưng bày các sản phẩm lưu niệm; khôi phục và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống; thành lập các tổ, đội đờn ca tài tử, nghệ thuật truyền thống; tổ chức các trò chơi dân gian... phục vụ du khách.

Đối với các địa phương cần chú trọng bồi dưỡng kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, ứng xử văn minh du lịch; nâng cao ý thức trách nhiệm phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững; vận động, hướng dẫn cộng đồng dân cư trở thành đội ngũ tuyên truyền, quảng bá du lịch, đại diện cho hình ảnh, nét đẹp của từng địa phương, điểm đến…

Vinh danh và phát triển du lịch làng nghề huyện Phú Xuyên

Vinh danh và phát triển du lịch làng nghề huyện Phú Xuyên

Lễ hội Vinh danh Làng nghề huyện Phú Xuyên lần thứ IV sẽ diễn ra từ ngày 26-29/10 với nhiều hoạt động phong phú và ...

Hướng đi triển vọng của khu du lịch sinh thái, văn hóa bản Ven, Bắc Giang

Hướng đi triển vọng của khu du lịch sinh thái, văn hóa bản Ven, Bắc Giang

Du lịch sinh thái, văn hóa bản Ven của Hợp tác xã Thân Trường (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) được công nhận là sản ...