Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND Tỉnh Cà Mau
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã chủ động liên hệ, tìm kiếm, kết nối với các đối tác, địa phương Nhật Bản. Nổi bật là việc UBND tỉnh Cà Mau và Liên đoàn Công thương tỉnh Nagasaki ký Biên bản ghi nhớ hợp tác ngày 26/9/2018. Theo đó, hai bên đã trao đổi về đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ kinh doanh tỉnh Cà Mau tại Nagasaki (CNBC) để trực tiếp hỗ trợ lao động của tỉnh khi sang làm việc tại xứ sở Mặt trời mọc. CNBC được cho là cánh tay nối dài gắn kết giữa hai tỉnh Nagasaki và Cà Mau. Tuy nhiên, dịch Covid-19 kéo dài khiến các hoạt động hợp tác không thể triển khai như kế hoạch dẫn đến hai bên thống nhất chấm dứt hiệu lực Biên bản ghi nhớ vào năm 2022.
Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau (Cases). |
Còn nhiều dư địa hợp tác
Năm 2023 là một năm rất ý nghĩa, đánh dấu cột mốc 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Với khẩu hiệu “Việt Nam-Nhật Bản đồng hành hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới”, trong năm, Nhật Bản đã viện trợ không hoàn lại cơ sở vật chất và nhiều trang thiết bị phục vụ giáo dục và y tế cho 2 dự án ở Cà Mau có tổng trị giá 169.445 USD, mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho người dân địa phương. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 dự án FDI của nhà đầu tư Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký 790.000 USD hoạt động ổn định từ năm 2012 đến nay trong lĩnh vực thu mua, chế biến hải sản phục vụ xuất khẩu.
Hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Nhật Bản được nhận định còn nhiều dư địa phát triển. Thời gian tới, UBND tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn công tác tìm hiểu nhu cầu việc làm và kết nối xuất khẩu lao động; học tập kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực; xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản kết hợp tham gia “Diễn đàn kinh tế kiều bào toàn cầu lần thứ II; kết nối hợp tác địa phương, doanh nghiệp Việt Nam - Kyushu Thực chất - Hiệu quả - Bền vững”.
Khai thác lợi thế, tiềm năng
Tỉnh Cà Mau tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (nhất là hệ thống đường bộ, sân bay, cảng biển đã được quy hoạch) để quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả các tiềm năng kinh tế, nguồn lực tài nguyên thiên nhiên; chú trọng bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển.
Tỉnh tập trung khai thác các lợi thế, tiềm năng để thu hút đầu và chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng thị trường mới. Để mở rộng hợp tác, xúc tiến thương mại nông sản địa phương sang thị trường Nhật Bản, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đồng thời, nghiên cứu đề xuất thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ, mong muốn tìm kiếm các đối tác Nhật Bản trong các lĩnh vực như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các Khu công nghiệp, Khu Kinh tế địa phương, dự án kho chứa, cung cấp khí LNG…
Hoạt động xúc tiến đầu tư địa phương được điều chỉnh theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với thị trường, đối tác đầu tư và dự án cụ thể; tăng cường liên kết với các trung tâm xúc tiến đầu tư. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các chủ trương, chính sách hướng tới xu thế, kinh nghiệm tốt của quốc tế phù hợp với điều kiện thực tiễn của Cà Mau, áp dụng có chọn lọc nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và minh bạch thông tin, đồng hành và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong gia nhập thị trường, hỗ trợ xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư và mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển vùng Đất Mũi Cà Mau và đề xuất xem xét ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù riêng phát triển vùng Đất Mũi Cà Mau trên một số ngành, lĩnh vực, nhằm bảo đảm huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, theo kịp các tỉnh, thành trong vùng và cả nước, vươn lên trở thành một cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Khu du lịch Mũi Cà Mau. |
Luôn luôn hỗ trợ, sẵn sàng lắng nghe
UBND tỉnh Cà Mau luôn hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như thu hút đầu tư Nhật Bản với chất lượng cao hơn, sẵn sàng lắng nghe các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh.
Cà Mau ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch. Đặc biệt, Cà Mau tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư Nhật Bản cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ và ưu tiên các dự án công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tính động lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội.
Để nâng cao hiệu quả trong hợp tác, xúc tiến kinh tế, kết nối với các đối tác Nhật Bản, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tạo điều kiện, hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giữa tỉnh Cà Mau và các địa phương Nhật Bản. Đây chính là cơ sở thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa giao lưu, hợp tác giữa hai bên, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu, thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ.