📞

Các công dân của thế kỷ 21 nên biết rõ những điều gì?

18:55 | 02/02/2017
“Tôi cần biết là mình phải biết gì” là chủ đề của loạt bài viết về “Những kiến thức cơ bản mà mọi công dân cần biết” đăng trên tờ MIT (Mỹ).

Thế kỷ 21 đang thay đổi rất nhanh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, nó khiến cho mỗi người nảy sinh tâm lý lo lắng rằng mình sẽ bị tụt hậu, rằng biết bao nhiêu người khác ngoài kia đang đón đầu xu thế, đi trước thời đại... Trong khi đó, bản thân họ vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí còn không hề biết điều gì đang diễn ra.

Tổng biên tập của tờ MIT- bà Gita Manaktala đã giới thiệu loạt bài viết về kiến thức cơ bản nhằm đưa ra cái nhìn tổng quan, nhanh chóng về vốn hiểu biết của mỗi người liên quan đến các vấn đề công nghệ và xã hội nổi bật.

Khi con người đã sở hữu kho tàng tri thức khổng lồ thì việc xác định được những vấn đề nào cần phải biết là điều rất quan trọng. (Nguồn: MIT)

"Bình thường, chúng ta nói chuyện rất nhiều về các chủ đề, không chỉ là tại các bữa tiệc cocktail, mà cả tại công sở, trường học, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày… Tuy nhiên, ngay cả ở chính những chủ đề tưởng chừng như bình thường đó thì chúng ta vẫn cần phải có kiến thức nhiều hơn" - Tổng biên tập Gita Manaktala nói.

Bà Gita cho biết, các biên tập viên lựa chọn chủ đề đều hiểu rất kỹ về các tác động mang tính xã hội của công nghệ mới và của chính những người đã tạo ra các công nghệ đó. “Chúng tôi không chỉ chú tâm tới công nghệ mà còn quan tâm đến việc những người sử dụng sẽ sử dụng công nghệ đó như thế nào để rồi từ đó có được những thay đổi và định hướng trong tương lai” – bà cho biết thêm.

Bà Gita Manaktala đã tóm lược ngắn gọn loạt bài về những kiến thức cơ bản cần biết này trong 10 chủ đề:

Mọi thứ đều có ở internet

Con người sẽ không còn là những chủ thể duy nhất sử dụng máy tính, điện thoại, máy tính bảng và các thiết bị khác để kết nối internet, mà những chiếc xe hơi, máy điều hòa, tủ lạnh và các thiết bị khác của chúng ta cũng đang và sẽ được kết nối mạng nhằm tạo ra một thế giới mà tất cả mọi thứ đều có thể kết nối với nhau. Tuy nhiên, chính sự kết nối trên diện rộng đó cũng gây ra lắm vấn đề.

Internet giúp con người tạo ra một thế giới mà ở đó mọi thứ đều có thể kết nối với nhau. (Nguồn: PSN)

Máy móc thông minh

Khoa học đang chú trọng tạo ra các thuật toán để máy móc xử lý được khối lượng lớn các dữ liệu đồng thời tự đưa ra được những suy luận về sự tương tác. Khi chúng ta đọc cái gì đó, đi mua sắm, tìm kiếm và tương tác với xã hội, máy móc sẽ tự động thu thập thông tin, quan sát để phân tích hành vi của chúng ta rồi từ đó hướng chúng ta đến các trải nghiệm thông minh hơn.

Trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong công nghệ thế kỷ 21. (Nguồn: The Huffington Post)

Công nghệ phi thường

Dù là 15, 50 hay 500 năm nữa, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cũng sẽ đặt ra những dấu hỏi mang tính thực tế và triết học. Khi những chuyện viễn tưởng trở thành hiện thực, loài người sẽ viết tiếp câu chuyện về tương lai của chúng ta như thế nào?

Theo dõi

Ngày càng có nhiều công nghệ có chức năng kiểm soát các dữ liệu mà chúng ta tạo ra trong sinh hoạt hàng ngày: chúng ta ăn gì, ăn bao nhiêu, chạy bao xa và nhanh đến mức nào, chúng ta làm việc hiệu quả nhất vào lúc nào… Nhưng, làm sao để sử dụng hiệu quả các dữ liệu đó mới là vấn đề.

Những chuyện hài hước trên mạng xã hội

Vừa mang tính giải trí lại vừa mang lại thông tin, những chuyện tiếu lâm này mang đến cho chúng ta một số khía cạnh quan trọng liên quan đến xã hội đương thời, văn hóa kỹ thuật số và tác dụng của internet. Bản chất của các chúng là tạo ra các nội dung hài hước nhưng đôi khi nhờ nó mà nhiều thông điệp ẩn chứa trong đó được lan tỏa rộng rãi.

Truy cập mở

Những người sáng tác (các tác giả, nhạc sĩ, giảng viên, họa sĩ…) đều cho phép người khác tiếp cận miễn phí các tác phẩm của mình, từ đó gây ra những thiệt hại lớn về lợi ích cho bản thân các tác giả này. Tuy nhiên, việc truy cập mở sẽ tạo ra một môi trường khác biệt phù hợp hơn với từng người, xác định rõ ràng hơn về vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ và trả phí tác phẩm trong tương lai.

Thu thập đại chúng

Chúng ta làm cách nào để giải quyết được những vấn đề nổi cộm nhất trong xã hội hiện nay?

Mô hình thu thập đại chúng giúp chúng ta tiếp nhận được rất nhiều ý kiến của cộng đồng để trên cơ sở đó có thể giải quyết được các vấn đề của doanh nghiệp, chính phủ hoặc các tổ chức... Nhưng, liệu có thể tin tưởng hoàn toàn vào kết quả của thu thập đại chúng? Điều đó có đảm bảo công bằng không?... Những câu hỏi như thế này là xác đáng khi chúng ta xem xét tới khả năng ứng dụng trong tương lai của các mô hình thu thập đại chúng, bao gồm báo chí, quản trị và nghiên cứu khoa học...

Khóa học trực tuyến mở dành cho mọi người

Chi phí giáo dục ngày càng leo thang, thiếu tài nguyên giáo dục phù hợp… đã khiến cho nhiều người tìm đến các giải pháp học tập thay thế. Khóa học trực tuyến mở dành cho mọi người (MOOC) chính là một trong các giải pháp thay thế đó. Nhưng liệu MOOC có phải là một sự đổi mới giúp cân bằng tương lai của giáo dục?

Siêu dữ liệu

Những thông tin rò rỉ của Wikileak đã làm sáng tỏ rất nhiều vấn đề, trong đó có cả vai trò của các siêu dữ liệu trong một thế giới phẳng. Siêu dữ liệu tạo ra sự tương tác mới giữa các yếu tố, con người và các mô hình trên mạng internet.

Thế kỷ 21 cũng là thời đại của siêu dữ liệu. (Nguồn: Reader's Digest)

Đấu giá

Đối với nhiều người, nhắc đến đấu giá là họ nghĩ ngay tới những con số phát ra từ chiếc microphone, đồ cổ, các tác phẩm nghệ thuật hiển hiện trước mắt mọi người. Thực tế cho thấy, về mặt kinh tế, mô hình và các quy tắc đấu giá rất hữu ích trong việc định hình các thị trường hiện nay, bao gồm cả các diễn đàn và các giao dịch được thực hiện trên eBay, Google Ads, các sàn giao dịch bất động sản…

(theo MIT Press)