Chỉ cách đây không lâu, các công ty đa quốc gia lớn như Intel Corp, hoặc nhỏ hơn như Ampac Packaging đua nhau tới Việt Nam để thành lập cơ sở sản xuất mới hoặc để thay thế cơ sở tại Trung Quốc. Khi đó, chi phí hoạt động của các cơ sở tại Trung Quốc ngày càng tăng cao, thì Việt Nam được xem là “Trung Quốc + 1”. Nay, với xu hướng kinh tế toàn cầu đi xuống và Trung Quốc tái khẳng định mình là nhà sản xuất có giá thành thấp nhất thế giới, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng theo một chiều hướng khác: “Trung Quốc - 1”.
Tại TP. Hồ Chí Minh, khu chung cư cao nhất thành phố trong nhiều tháng trước là nơi hái ra tiền, nhưng do thiếu vốn, Tập đoàn Daewon (Hàn Quốc) đã ngừng phát triển thêm. Đó là một trong nhiều công ty nước ngoài ngừng hoặc bỏ hoàn toàn dự án. Tổng công ty Wistron của Đài Loan từng có kế hoạch đầu tư nhiều triệu USD vào việc xây dựng một nhà máy sản xuất máy tính xách tay tại Việt Nam nhưng “ngay bây giờ ít nhiều cũng phải ngừng lại”. Một số công ty Nhật Bản như Sony hay Canon cũng đã đóng cửa hoặc giảm hoạt động của cơ sở sản xuất. Tổ hợp sản xuất ô tô Lifan của Trung Quốc cũng hoãn kế hoạch sản xuất ô tô tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nền kinh tế phát triển tốt hơn nhiều nước trong khu vực. Do có sự tăng trưởng trong thị trường hàng tiêu dùng, chính phủ chi thêm vào các công trình cơ sở hạ tầng và nhiều nhà máy mới khai trương trong thời gian qua, GDP của Việt Nam có thể tăng 5,5% trong năm nay. Theo Ngân hàng Thế giới, đây là mức tăng trưởng lớn thứ hai tại Đông Á, chỉ sau Trung Quốc.
Các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam bao gồm lực lượng lao động có động cơ rõ ràng, ổn định chính trị và dân số trẻ. Nhưng vài năm nay, các nhà quản lý doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu nản lòng, khi nhận ra rằng một số lợi thế không thực sự như họ mong đợi.
Chẳng hạn việc giải tỏa mặt bằng đặc biệt chậm ở Việt Nam, họ phàn nàn rằng sau nhiều năm xây dựng mà quốc lộ từ sân bay Tân Sơn Nhất vào nội thị vẫn chưa thể hoàn thành. Lực lượng lao động của Việt Nam đông nhưng không có nhiều lao động có tay nghề cao. Lớp trẻ Việt Nam tỏ ra ham học nhưng các trường đại học thường có xu hướng dạy nặng về lý thuyết. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học thiếu kỹ năng thực tế và kỹ thuật cần thiết để có thể làm việc tại các công ty đa quốc gia.
Gần đây, công ty Intel đã gặp khó khăn khi tuyển nhân viên cho nhà máy trị giá 1 tỉ USD mà họ mới đầu tư tại Việt Nam và họ rút ra kết luận rằng nếu muốn phát triển tại Việt Nam, họ phải tự đào tạo một đội ngũ kỹ sư tài năng.
Trong thập kỷ trước, Việt Nam hấp dẫn hơn vì Trung Quốc liên tục gặp khó khăn, hàng hóa bị “soi” trên các thị trường, tiền lương công nhân cũng như giá nguyên vật liệu tăng mạnh, giá trị đồng NDT tăng. Chính quyền xóa bỏ việc hoàn thuế xuất khẩu và tấn công vào các cơ sở vi phạm luật an toàn và môi trường... “Thời đại Trung Quốc là một thị trường sản xuất hàng xuất khẩu với chi phí thấp đã kết thúc”, Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải tuyên bố vào tháng 3/2008 - lúc đó, gần 1/5 số công ty có kế hoạch chuyển một số hoạt động từ Trung Quốc sang các nước khác, đặc biệt là Việt Nam.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu và tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài đã làm thay đổi nhiều thứ. Trung Quốc tái hoàn thuế xuất khẩu và tăng mạnh đầu tư vào các công trình hạ tầng cơ sở. Giá hàng tiêu dùng giảm mạnh, đồng NDT ổn định... Một cuộc khảo sát vào cuối 2008 cho thấy tỉ lệ công ty có kế hoạch chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc và số lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài quan ngại về tính cạnh tranh thấp của Trung Quốc đều giảm một nửa.
Đó cũng là một lý do khiến một số công ty đa quốc gia tính lại kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Thời báo Los Angeles cho rằng, họ đang chờ cho cơn bão tài chính trên thế giới qua đi và Việt Nam đưa ra chính sách mới như giảm thuế hay các khuyến khích đầu tư khác. Khi đó, họ có thể đầu tư trở lại.
Minh Anh