📞

Các công ty phương Tây ùn ùn rời Nga, tại sao nhiều ‘gã khổng lồ’ của Pháp lại lội ngược dòng?

Hải An 09:08 | 25/03/2022
Nhiều doanh nghiệp phương Tây đang rời Nga sau khi nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, một số công ty lớn nhất của Pháp, bao gồm Renault, Societe Generale và TotalEnergies, lại đang bám trụ, bất chấp các lệnh trừng phạt.
Người dân mua sắm tại một cửa hàng thuộc chuỗi siêu thị bán lẻ Auchan của Pháp ở Omsk, Nga. (Nguồn: Zuma Press)

Tiếp tục hoạt động

Người dân Nga có thể mua sắm đồ thể thao, hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm tại các nhà bán lẻ của Pháp, những đơn vị tiếp tục hoạt động ở Nga, bất chấp lời kêu gọi rời quốc gia này.

Ngân hàng Pháp Société Générale SA vẫn xử lý các giao dịch. Tập đoàn năng lượng TotalEnergies SE đang duy trì các khoản đầu tư khổng lồ vào các mỏ dầu khí của Nga.

Nhà sản xuất ô tô Renault SA, do chính phủ Pháp sở hữu 15% cổ phần, cũng đang trong quá trình khởi động lại dây chuyền lắp ráp ở Nga. Công ty đã cố gắng tổ chức lại chuỗi cung ứng để thay thế các bộ phận bị thiếu vì các lệnh trừng phạt.

Các công ty Pháp cho biết, họ đang cố gắng tiến hành hoạt động kinh doanh tại Nga, thực hiện các quy tắc trừng phạt và tuân theo chỉ đạo từ chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron.

Sau Chiến tranh Lạnh, các công ty Pháp có sự hiện diện vượt trội so với các doanh nghiệp nước ngoài ở Nga. Các công ty của Pháp đã trở thành một số trong những nhà tuyển dụng nước ngoài lớn nhất tại Nga, cung cấp hơn 150.000 việc làm.

Các công ty Pháp cũng xây dựng nhiều mối quan hệ với Nga theo kiểu truyền thống. Điều đó khiến hoạt động của họ khó bị ảnh hưởng hơn so với các công ty chủ yếu xuất khẩu sang Nga.

Hai nhà bán lẻ Auchan và Leroy Merlin - đều thuộc sở hữu của gia đình Mulliez của Pháp - đã xây dựng một mạng lưới các cửa hàng lớn rộng khắp trên toàn nước Nga và tiếp tục hoạt động tại đây, bất chấp lời kêu gọi rời khỏi thị trường này.

Hôm 23/3, Renault cho biết họ đang đánh giá các lựa chọn đối với cổ phần sở hữu của hãng sản xuất ô tô Nga AvtoVAZ sau khi Ngoại trưởng Ukraine kêu gọi tẩy chay toàn cầu đối với xe của Renault. Từ cuối 2016, Renault đã nắm giữ 2/3 cổ phần kiểm soát trong nhà sản xuất ô tô AvtoVAZ.

Có thể thấy, việc đình chỉ, thu hẹp quy mô hoặc cắt đứt hoàn toàn quan hệ kinh doanh với Nga có xu hướng thay đổi theo ngành.

Các công ty dầu khí khổng lồ BP PLC, Shell PLC và Exxon Mobil Corp. đều cho biết họ sẽ từ bỏ các hoạt động tại Nga dưới áp lực của chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh.

Các ngân hàng gồm Citigroup Inc., một trong những tập đoàn cho vay nước ngoài lớn nhất ở Nga và Deutsche Bank AG của Đức cho biết họ đang ngừng hoạt động ở Nga.

Kraft Heinz Co. và Unilever PLC thì đình chỉ tất cả các hoạt động xuất nhập khẩu các sản phẩm ra/vào Nga.

Tuy nhiên, tuần này, những “gã khổng lồ” dầu khí, công ty thực phẩm và nhà bán lẻ của Pháp hầu như không còn công bố những biện pháp như trên. Một số đã thực hiện các bước hạn chế hơn, chẳng hạn như ngừng đầu tư mới ở Nga hoặc tạm dừng chi tiêu quảng cáo.

TotalEnergies hôm 22/3 cho biết, họ có kế hoạch ngừng mua dầu của Nga vào cuối năm nay. Nhưng hiện tại, công ty sẽ tiếp tục mua khí đốt của Nga và tiếp tục đầu tư lớn vào các dự án dầu khí, vì tầm quan trọng của nó đối với nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu.

Để ngỏ các lựa chọn

Emmanuel Quidet, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Pháp-Nga, cho biết, giống như nhiều công ty phương Tây khác, các công ty Pháp đang để ngỏ các lựa chọn của họ. Các doanh nghiệp trên khắp phương Tây đang ở lại Nga vì họ bị ràng buộc bởi các thỏa thuận liên doanh hoặc nhượng quyền thương mại.

Một số nhà sản xuất mặt hàng gia dụng lớn nhất thế giới đã tuyên bố ngừng bán tất cả, trừ các mặt hàng thiết yếu ở Nga. Tuy nhiên, khoai tây chiên, nước hoa và các sản phẩm khác vẫn xuất hiện trên các kệ hàng.

Cũng có các công ty lựa chọn đình chỉ hoặc cắt đứt quan hệ. Chẳng hạn như công ty quảng cáo khổng lồ Publicis SA đã nhượng lại quyền sở hữu các đại lý của mình ở Nga.

Hay ngân hàng lớn nhất của Pháp, BNP Paribas, không có hoạt động ngân hàng bán lẻ ở Nga, đã thông báo với khách hàng rằng, họ sẽ không xử lý các giao dịch sau cuối tháng 3.

Các thương hiệu thời trang xa xỉ của Pháp như Louis Vuitton, Chanel và Hermès tạm thời đóng cửa các cửa hàng trước khi EU áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm xuất khẩu hàng xa xỉ vào Nga.

Theo xếp hạng mới nhất của Forbes, ba công ty Pháp - Auchan, Leroy Merlin và Renault - nằm trong số nửa tá công ty nước ngoài có doanh thu cao nhất ở Nga vào năm 2020. Ba doanh nghiệp này cùng nhau thu về tổng cộng 931 tỷ Ruble, tương đương gần 9 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái hiện nay.

Philip Morris International Inc., công ty nước ngoài có doanh thu cao nhất tại Nga trong năm 2020 (khoảng 3,5 tỷ USD) cho biết, họ đang thu nhỏ hoạt động sản xuất và đình chỉ các khoản đầu tư theo kế hoạch vào nước này, bao gồm việc ra mắt các sản phẩm mới.

Auchan cho biết, 95% sản phẩm của họ ở Nga được sản xuất trong nước. Phát ngôn viên của nhà bán lẻ này nói: “Công việc của chúng tôi là cung cấp thực phẩm cho người dân, những người không chịu trách nhiệm về chiến sự ở Ukraine. Có mặt tại Nga - đó không phải là một vị trí chính trị, đó chỉ là một vị trí để thực hiện công việc của chúng tôi”.

Nỗ lực bám trụ

Khi các lệnh trừng phạt lần đầu tiên được đưa ra vào cuối tháng 2, các doanh nghiệp Pháp dường như cũng chịu áp lực chính trị tương tự các doanh nghiệp phương Tây khác.

Vào ngày 1/3, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire phát biểu trên đài phát thanh nước này rằng, các biện pháp trừng phạt là một phần của "cuộc chiến kinh tế và tài chính toàn diện của phương Tây đối với Nga".

Vài giờ sau, ông Le Maire cho biết việc ông sử dụng từ “cuộc chiến" là không phù hợp sau khi ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga, cảnh báo rằng “các cuộc chiến kinh tế thường biến thành thực tế”.

Được biết, trong cuộc trao đổi với Giám đốc điều hành Pouyanné của TotalEnergies sau cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, Bộ trưởng Le Maire không gây áp lực buộc tập đoàn phải rời khỏi Nga. Thay vào đó, họ chủ yếu thảo luận về những gì công ty có thể làm để kiềm chế giá nhiên liệu tăng.

TotalEnergies cho biết sẽ tiếp tục khai thác khí đốt từ nhà máy Yamal LNG, “miễn là các chính phủ châu Âu cho rằng khí đốt của Nga là cần thiết”. (Ảnh: Laura Ojea)

Renault cũng nhận được sự đảm bảo từ chính phủ Pháp rằng không có áp lực nào buộc công ty phải rời khỏi Nga. Một người thân cận với Renault cho biết, công ty đã vạch ra các kế hoạch dự phòng bao gồm việc mua lại AvtoVAZ, công ty sản xuất thương hiệu Lada của Nga.

Ngày 4/3, Tổng thống Macron đã triệu tập một cuộc họp kín tại Điện Élysée với các giám đốc điều hành hàng đầu của các công ty, bao gồm Société Générale, Auchan và tập đoàn thực phẩm khổng lồ Danone SA.

Theo những người có mặt, ông Macron nói, Pháp không có chiến tranh với Nga hay người dân Nga. Các công ty Pháp ​​sẽ tuân thủ đầy đủ các lệnh trừng phạt, nhưng họ phải tự đánh giá triển vọng của mình và quyết định về mối quan hệ tương lai với đất nước trong một thời gian dài căng thẳng.

Société Générale, một trong những ngân hàng nước ngoài đầu tiên có được giấy phép hoạt động đầy đủ ở Nga sau khi Liên Xô tan rã, đã có lịch sử gắn bó với đất nước qua nhiều thời kỳ, bao gồm cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998.

Cuối năm ngoái, Société Générale đang quản lý khoản vay của Nga lên tới 18,6 tỷ Euro, tương đương 20,6 tỷ USD. Một phần trong số tiền này đến từ việc tài trợ cho các giao dịch nước ngoài trong các lĩnh vực khai thác và năng lượng của Nga. Còn phần lớn có được từ quyền sở hữu của ngân hàng đối với Rosbank, công ty cho vay nước ngoài lớn nhất của Nga, với đội ngũ khoảng 13.000 nhân viên và 5 triệu khách hàng.

Phát biểu tại một hội nghị của ngân hàng Morgan Stanley vào tuần trước, Giám đốc điều hành Frédéric Oudéa của Société Générale cho biết, Rosbank có đủ vốn và thanh khoản để tự hoạt động.

Trong khi đó, TotalEnergies cho biết, sự kết hợp của các biện pháp trừng phạt và luật pháp của Nga về đầu tư nước ngoài đã ngăn cản công ty tìm được người mua không phải là người Nga cho các dự án của mình tại nước này.

Công ty có 10% cổ phần trong dự án Bắc Cực 2 trị giá 21 tỷ USD và 20% cổ phần trong dự án Yamal LNG trị giá 27 tỷ USD dọc theo biển Kara. Total cũng nắm giữ 19% cổ phần của công ty khí đốt tư nhân OAO Novatek.

Ông Pouyanné nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh hôm 23/3 rằng: “Bỏ những khoản đầu tư đó có nghĩa là cho không người Nga 13 tỷ USD mà chẳng để giải quyết điều gì”.

TotalEnergies cho biết sẽ tiếp tục khai thác khí đốt từ nhà máy Yamal LNG, “miễn là các chính phủ châu Âu cho rằng khí đốt của Nga là cần thiết”.

Đối với Renault, các lệnh trừng phạt đã cắt đứt nguồn cung cấp chất bán dẫn và các linh kiện điện tử khác, buộc công ty phải tạm thời ngừng hoạt động một trong những nhà máy sản xuất ô tô lớn nhất của Nga, một cơ sở rộng lớn sử dụng hơn 30.000 lao động.

Renault cũng đã cho các công nhân trong dây chuyền lắp ráp tại nhà máy sản xuất xe Lada nghỉ việc, trả một phần thu nhập hằng tháng của họ và đang duy trì công nhân làm việc tại các khâu sản xuất, phân phối phụ tùng và dịch vụ khách hàng.

Công ty này lập luận: “Chúng tôi đã làm rất nhiều. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều. Và chúng tôi có trách nhiệm đối với nhân viên. Chúng tôi không chống lại người dân Nga".

(theo WSJ)