Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank Jens Weidmann vừa đưa ra cảnh báo tới hệ thống ngân hàng của Vương quốc Anh. Theo đó, các định chế tài chính của Anh có thể đối mặt nguy cơ đánh mất quyền tham gia vào thị trường chung châu Âu sau khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
London từng là trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu. (Nguồn: Telegraph) |
EEA là một cơ chế cho phép 31 nước châu Âu trong và ngoài liên minh tiếp cận với thị trường chung châu Âu. Vì vậy, “Quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu sẽ tự động kết thúc khi nước Anh không còn là một phần của EEA”, ông Weidmann cho biết.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson, từng là nhà vận động cho chiến dịch rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6, đã từng bày tỏ hy vọng, London có thể tiếp tục tiếp cận thị trường chung, để các công ty tài chính của nước này được cung cấp dịch vụ đi khắp EU.
Tuy nhiên, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Đức cảnh báo, việc nước Anh ra khỏi EEA cũng có nghĩa là các công ty tài chính có thể sẽ phải dịch chuyển trụ sở ra khỏi London trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu, để đến với những trung tâm khác như Frankfurt (Đức).
Mặc dầu vậy, hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody's lại tỏ ra lạc quan hơn khi hy vọng những ngân hàng toàn cầu có trụ sở tại London có thể ít nhiều giữ được quyền tham gia vào thị trường chung châu Âu ngay cả trong trường hợp xấu nhất. Nhưng do không chắc chắn về tương lai của các thỏa thuận giữa Anh và EU thời “hậu Brexit”, một vài ngân hàng có thể chọn cách rời khỏi “xứ sở sương mù” trước khi các cuộc đàm phán kết thúc.
Trong khi đó, London đã khẳng định sẽ không kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon - quy trình đàm phán rời EU chính thức - trước cuối năm 2016. Chính phủ của Thủ tướng Theresa May cũng không hé lộ nhiều thông tin về hướng giải quyết "li hôn" giữa London với EU là cứng rắn hay mềm mỏng.