Ba nhà khoa học được nhận giải Nobel Vật lý đã mang đến cho nhân loại những công cụ mới để khám phá thế giới bên trong nguyên tử. (Nguồn: Reuters) |
Ba nhà khoa học Pierre Agostini, Ferenc Krausz và Anne L' Huillier đã được vinh danh vì những thí nghiệm mang lại cho nhân loại những công cụ mới để khám thế giới electron (điện tử) bên trong nguyên tử và phân tử. Họ đã chứng minh được phương pháp tạo ra những xung ánh sáng cực ngắn có thể dùng để đo các quá trình nhanh chóng, trong đó các electron chuyển động hoặc thay đổi năng lượng.
Đây là giải thưởng thứ hai được công bố trong mùa giải Nobel năm 2023. Trước đó, chiều 2/10, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm công bố giải Nobel Y Sinh năm 2023 thuộc về 2 nhà khoa học Katalin Kariko (Hungary) và Drew Weissman (Mỹ) vì những đóng góp trong phát triển vaccine công nghệ mRNA hiệu quả trong phòng ngừa Covid-19.
Các giải thưởng tiếp theo được công bố gồm giải Nobel Hóa học (ngày 4/10) và giải Nobel Văn học (ngày 5/10). Giải Nobel Hòa bình là giải thưởng duy nhất được công bố ở Oslo (Na Uy) ngày 6/10. Trong khi đó, giải Nobel Kinh tế sẽ khép lại Tuần lễ Nobel 2023 vào ngày 9/10.
Lễ trao các giải Nobel sẽ được tổ chức vào ngày 10/12 tới tại Stockholm (Thụy Điển) và Oslo (Na Uy) với mỗi giải thưởng trị giá 11 triệu Crown Thụy Điển (986.000 USD), tăng 1 triệu Crown Thụy Điển so với năm 2022.
Cùng nhìn lại các giải Nobel Vật lý trong 10 năm gần đây:
- Năm 2022: Giải thưởng thuộc về 3 nhà khoa học Alain Aspect (Pháp), John F. Clauser (Mỹ) và Anton Zeilinger (Áo) về "các thí nghiệm với các photon ở trạng thái vướng mắc lượng tử, thiết lập sự vi phạm các bất đẳng thức Bell và khoa học thông tin lượng tử tiên phong”. Các kết quả nghiên cứu của họ đã mở đường cho việc ứng dụng công nghệ mới cũng như lĩnh vực nghiên cứu sâu rộng như máy tính lượng tử, mạng lượng tử và truyền thông lượng tử.
- Năm 2021: Giải thưởng Nobel Vật lý thuộc về 3 nhà khoa học Syukuro Manabe (Mỹ gốc Nhật Bản), Klaus Hasselmann (người Đức) và Giorgio Parisi (người Italy) với những nghiên cứu về "mô hình vật lý khí hậu Trái Đất và định lượng các dự báo chính xác về khí hậu ấm lên trên toàn cầu" cũng như những đóng góp đột phá vào sự hiểu biết của giới khoa học về các hệ thống vật lý phức tạp.
- Năm 2020: Giải thưởng Nobel Vật lý vinh danh 3 nhà khoa học Roger Penrose (người Anh), Reinhard Genzel (người Đức) và Andrea Ghez (người Mỹ) với những nghiên cứu liên quan đến hố đen. Những nghiên cứu của 3 nhà khoa học có đóng góp quan trọng vào lĩnh vực vật lý thiên văn, giúp giải mã những bí ẩn trong vũ trụ.
- Năm 2019: Giải thưởng Nobel Vật lý 2019 vinh danh 3 nhà khoa học, trong đó một nửa giải thưởng thuộc về nhà khoa học người Mỹ gốc Canada James Peebles vì các phát hiện mang tính lý thuyết về vũ trụ học, và nửa còn lại thuộc về hai nhà khoa học người Thụy Sỹ Michel Mayor và Didier Queloz với các phát hiện về ngoại hành tinh quay quanh ngôi sao giống Mặt Trời. Những công trình nghiên cứu của ba nhà khoa học trên đã góp phần thay đổi nhận thức của con người về vũ trụ, giúp nhân loại tìm ra câu trả lời muôn thuở về việc liệu có sự sống tồn tại bên ngoài vũ trụ hay không.
- Năm 2018: Ba nhà khoa học gồm Arthur Ashkin (người Mỹ), Gerard Mourou (người Pháp) và Donna Strickland (người Canada) cùng đoạt giải Giải Nobel Vật lý 2018 vì những phát minh mang tính đột phá trong lĩnh vực vật lý laser. Phát minh này đã cách mạng hóa ngành vật lý laser, giúp giới nghiên cứu khám phá các đồ vật cực nhỏ và quá trình diễn ra siêu nhanh. Những thiết bị cực chính xác này giúp mở ra lĩnh vực nghiên cứu mới, có nhiều ứng dụng trong công nghiệp và y học.
- Năm 2017: Ba nhà khoa học người Mỹ là Rainer Weiss, Barry C.Barish và Kip S. Thorne cùng vinh dự nhận giải thưởng Nobel Vật lý năm 2017 với phát hiện về sóng hấp dẫn, những gợn sóng trong trường không-thời gian, sinh ra từ những sự kiện dữ dội như hố đen sáp nhập.
- Năm 2016: Ba nhà khoa học người Anh gồm David J.Thouless, Duncan Haldane và Micheal Kosterlitz cùng vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Vật lý 2016 vì những phát hiện lý thuyết về sự chuyển pha tôpô học và các pha tôpô của vật chất. Nhiều người cho rằng nghiên cứu trên sẽ mở lối cho các ứng dụng trong tương lai, trong cả khoa học vật liệu và điện tử.
- Năm 2015: Giải thưởng thuộc về nhà khoa học Nhật Bản Takaaki Kajita và nhà khoa học người Canada Arthur B. McDonald, vì chứng minh rằng các hạt cơ bản (neutrino) có khối lượng. Phát hiện này làm thay đổi nhiều hiểu biết của nhân loại trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ.
- Năm 2014: Hai nhà khoa học Nhật Bản là Isamu Akasaki và Hiroshi Amano, cùng nhà khoa học người Mỹ gốc Nhật Shuji Nakamura đã đoạt giải Nobel Vật lý 2014 với phát minh về nguồn ánh sáng mới thân thiện với môi trường và có hiệu suất cao, hay còn gọi là đèn Huỳnh quang đi-ốt (LED). Nhờ việc phát minh ra đèn LED, loài người có nguồn năng lượng hiệu quả và lâu dài thay thế các nguồn ánh sáng truyền thống. Đèn LED cũng góp phần bảo vệ các nguồn tài nguyên trên Trái Đất.
- Năm 2013: Giải thưởng Nobel Vật lý thuộc về hai nhà khoa học Peter Higgs (người Anh) và Francois Englert (người Bỉ) vì phát hiện ra hạt Higgs Boson, hay còn gọi là “Hạt của Chúa”, giúp giải thích về sự tồn tại của khối lượng. Việc chứng minh được sự tồn tại của hạt Higgs đã tạo ra dấu mốc khoa học quan trọng. Nó có thể giúp loài người giải thích nguyên nhân tại sao mọi dạng vật chất trong vũ trụ có khối lượng. Không chỉ có ý nghĩa đối với vũ trụ, với hạt Higgs, con người sẽ có thêm nguồn năng lượng mới, giúp tạo nên những thành tựu công nghệ đột phá trong giao thông và viễn thông…