Một số hãng hàng không Mỹ và các tập đoàn công nghiệp cho biết, họ ủng hộ thỏa thuận hàng không toàn cầu, vốn được 70 nước nhất trí, trong đó có Mỹ, về việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các chuyến bay quốc tế.
Trao đổi với báo giới tại một cuộc họp của ngành công nghiệp hàng không ở Cancun, Mexico, Giám đốc điều hành Tổ chức hành động vận tải hàng không Michael Gill cho rằng thỏa thuận toàn cầu trên sẽ giúp các hãng vận tải trong ngành này tiết kiệm chi phí hơn so với việc phải đáp ứng các quy định khác nhau của mỗi nước và trong khu vực.
Ông nhận định, việc mỗi nước hay khu vực đều đưa ra các biện pháp giới hạn lượng khí phát thải sẽ dẫn đến khả năng chồng chéo hoặc xung khắc lẫn nhau. Do đó, việc có một cách tiếp cận chung toàn cầu về vấn đề trên sẽ mang lại nhiều lợi ích tài chính đáng kể.
Việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các chuyến bay quốc tế được một số hãng hàng không Mỹ nhất trí. (Nguồn: ABC13) |
Trong khi đó, tổ chức Airlines for America - một tổ chức thương mại đại diện cho các hãng hàng không lớn của Mỹ, cũng khẳng định sẽ duy trì cam kết đối với thỏa thuận mà Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đứng ra làm trung gian trên.
Trước đó, Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) cùng các "ông lớn" như American Airlines và United Airlines cũng tái nhấn mạnh sự ủng hộ của mình đối với thỏa thuận toàn cầu này.
Theo thỏa thuận có tên Cơ chế giảm thiểu và đền bù carbon dành cho hàng không quốc tế, các hãng hàng không có thể mua lại các khoản "tín dụng carbon" từ các dự án môi trường trên thế giới để bù cho sự gia tăng lượng khí phát thải từ các chuyến bay thương mại quốc tế. Thỏa thuận trên gồm một giai đoạn tự nguyện, dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ năm 2021 đến 2026.
Nếu không có thỏa thuận này, các hãng hàng không sẽ phải trả chi phí cho việc phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính tùy theo quy định của mỗi nước và mỗi khu vực áp đặt cho từng công ty. Theo ICAO, thỏa thuận trên sẽ áp dụng cho các hãng hàng không đến từ 70 quốc gia, chiếm gần 88% các chuyến bay quốc tế.
"Tín dụng carbon" là một thuật ngữ để chỉ hạn ngạch lượng chất thải mà một công ty có thể thải ra tối đa trong năm. Các công ty có thể thương thảo và mua bán lại cho nhau để thay đổi hạn ngạch mà chính phủ mỗi nước đặt ra cho chính họ. Chẳng hạn như một công ty chỉ được phép thải ra 50.000 tấn CO2 mỗi năm, nhưng lại có nhu cầu đến 70.000 tấn. Họ có thể mua lại "tín dụng carbon" từ những công ty khác không có như cầu thải đủ lượng khí mà họ được cấp hạn ngạch.
Việc Tổng thống Donald Trump mới đây quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đang làm dấy lên những hoài nghi về khả năng ông chủ Nhà Trắng sẽ ủng hộ giai đoạn tự nguyện 2021-2026 được thống nhất trong thỏa thuận trên.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, hiện chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang xem xét lại thỏa thuận hàng không trên cũng như các chính sách liên quan đến các quy định được chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama thông qua trước đó.
Nga và Ấn Độ đã tuyên bố sẽ không tham gia giai đoạn tự nguyện nói trên.