Nhỏ Bình thường Lớn

Các hoạt động nhân quyền trong ASEAN: Sự hài lòng của người dân là thước đo cao nhất

TGVN. Trả lời phỏng vấn báo chí sau Phiên Đối thoại giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các Đại diện Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương, Đại diện AICHR của Việt Nam đã thông tin về những nỗ lực AICHR trong việc đảm bảo quyền con người trong ASEAN.
TIN LIÊN QUAN
AMM-35: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Australia và ASEAN-New Zeand
AMM-53: EAS-10 kêu gọi sớm hoàn tất xây dựng một Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông
5852-img-8613
Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương, Đại diện AICHR của Việt Nam trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Xin Đại sứ chia sẻ về kết quả đối thoại giữa Bộ trưởng Ngoại giao với các đại diện Uỷ ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR)?

Năm nay, Việt Nam là Chủ tịch của AICHR và đã đại diện cho AICHR báo cáo các Bộ trưởng Ngoại giao tại phiên đối thoại những kết quả đã làm được, đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay.

Chúng tôi đã báo cáo các Bộ trưởng những kế hoạch, dự kiến phục hồi ASEAN sau đại dịch. AICHR đã nhấn mạnh hơn đến cách tiếp cận mới trong môi trường mới, ví dụ cách tiếp cận trong vấn đề y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, những quyền cơ bản của con người mà những người dân ASEAN cùng quan tâm.

Tôi cũng muốn báo một tin mừng, đó là Kế hoạch 5 năm từ 2021-2025 của AICHR và Chương trình ưu tiên cho năm 2021 đã được các Bộ trưởng thông qua. Đây là một thành công của AICHR, 2 văn kiện chính là bản lề cho hoạt động hợp tác nội bộ ASEAN liên quan đến lĩnh vực quyền con người và hợp tác khu vực về vấn đề nhân quyền.

Có thể thấy rằng AICHR ngày càng mở rộng lĩnh vực hoạt động và đi vào chiều sâu, quan tâm đến quyền cơ bản của người dân, đặc biệt chú trọng đến nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật. AICHR cũng nhấn mạnh hơn quyền về kinh tế xã hội, trong đó nhấn mạnh quyền nâng cao sinh kế của người dân.

AICHR với 6 lĩnh vực và có nội dung cụ thể liên quan đến những vấn đề mới, đặc biệt là những vấn đề xuyên biên giới. Tôi nghĩ rằng đó là những điều chúng ta nên ghi nhận, thể hiện sự cố gắng của các thành viên, các đại diện của 10 nước ASEAN. Vấn đề xuyên biên giới như chúng ta biết là vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, tác động của cách mạng 4.0…

Đại sứ có thể sơ lược về nội dung căn bản của Kế hoạch AICHR 5 năm và Chương trình ưu tiên cho năm 2021, đâu là những điểm mới đáng lưu ý?

Nếu so sánh với Kế hoạch AICHR 2016-2019, Chương trình ưu tiên cho năm 2021 và Kế hoạch AICHR 2021-2025 có những ưu tiên giám sát các hoạt động của từng thành viên AICHR với lĩnh vực quyền con người và những lĩnh vực mới như tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tới người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em. Kế hoạch AICHR 2021 có 11 dòng hoạt động và được mở rộng.

Nhiều hoạt động trong kế hoạch AICHR 2016-2019 vẫn chưa được triển khai do tác động của dịch Covid-19. Hiện nay, các thành viên của AICHR đã nhất trí triển khai một số cuộc họp trực tuyến từ nay cho tới cuối năm, một số hoạt động cũng được triển khai vào đầu năm 2021. Tôi hy vọng từ năm 2021 sẽ có nhiều hoạt động của AICHR được triển khai trong tình hình mới.

Thưa Đại sứ, AICHR có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của Cộng đồng ASEAN với mục tiêu hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm?

AICHR là một tổ chức liên chính phủ và liên quan cụ thể tới quyền con người, liên quan tới người dân ASEAN, khác với những khái niệm của phương Tây. Ví dụ như cách tiếp cận với giáo dục, phát triển bền vững, bảo trợ xã hội; với những người khuyết tật hay liên quan đến những nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em của AICHR rất cụ thể. Sau 5 năm ASEAN đi vào Cộng đồng, 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN đã được triển khai, hoạt động của AICHR bao phủ tất cả các lĩnh vực, trên cả 3 trụ cột Cộng đồng Chính trị-an ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-xã hội.

Trong cuộc họp lần này, chúng tôi đã báo báo với các bộ trưởng về nỗ lực của các nước thành viên liên quan tới nhiều lĩnh vực như quyền được học tập, giáo dục, các vấn đề môi trường,… những lĩnh vực ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Các lĩnh vực của AICHR cụ thể như vậy thể hiện cách tiếp cận gần người dân, không bỏ ai lại phía sau. Đây cũng là những đặc trưng của quyền con người ASEAN, khác với phương Tây.

Trong 5 năm tới, trong lĩnh vực quyền con người, AICHR có đặt ra những thước đo cụ thể để so sánh và giám sát các hoạt động đảm bảo nhân quyền ASEAN hay không, thưa Đại sứ?

Kế hoạch AICHR 2021-2025 có điểm mới cần nhấn mạnh là các chỉ số để đánh giá cụ thể hơn liên quan tới lĩnh vực nhân quyền ASEAN. Đây là một trong những bước tiến dựa trên văn bản hướng dẫn của ASEAN như Hiến chương ASEAN, Tuyên bố Nhân quyền ASEAN, Điều khoản tham chiếu (TOR) của AICHR,…

Quyền con người rất rộng và được chú trọng không chỉ ở ASEAN mà ở cả các khu vực khác trên thế giới. Thước đo đánh giá cao nhất có lẽ chính là sự hài lòng của người dân, sự tham gia của người dân đối với từng dự án cụ thể. Với các lĩnh vực cụ thể trong kế hoạch mới, với sự giám sát và hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN, chúng tôi sẽ triển khai trong 5 năm tới nhiều dự án và chắc chắn, người dân sẽ có những đánh giá trên từng dự án cụ thể.

Đại sứ đánh giá như thế nào về sự tham gia cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong AICHR, trong thúc đẩy các hoạt động của AICHR?

Là Chủ tịch AICHR 2020, Việt Nam luôn cố gắng thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất và hợp tác giữa các nước. Các nỗ lực của Việt Nam được các bạn đánh giá cao. Gần đây nhất, tháng 5/2020, AICHR đã ra thông cáo báo chí liên quan đến dịch Covid-19, đây là tiền lệ đầu tiên trong AICHR. Nỗ lực này thể hiện sự hợp tác và thống nhất trong ASEAN, nhấn mạnh đến việc bảo vệ quyền con người trong khu vực. Trong bối cảnh dịch Covid-19, các diễn đàn của ASEAN hoạt động thành công và hiệu quả, các hoạt động của trong khuôn khổ AICHR cũng như vậy. Các nước thành viên AICHR đã trao đổi và thống nhất có những dòng hành động sẽ tổ chức trực tuyến.

Hiện nay, trong khu vực và trên thế giới đang nổi lên những thách thức về an ninh phi truyền thống. Đâu là những thách thức mà ASEAN sẽ phải đối diện trong việc bảo vệ quyền con người?

An ninh phi truyền thống là khái niệm rất rộng, liên quan đến môi trường, an ninh năng lượng, nước biển dâng,… Thách thức đối với từng nước ASEAN nói chung là làm sao đảm bảo quyền kinh tế-xã hội, nâng cao được chất lượng cuộc sống của người dân. Đối với tất cả các nước ASEAN, điều này rất quan trọng. Quyền con người sẽ được chú trọng hơn trong ASEAN và khi người dân nâng cao hiểu biết, họ cũng sẽ hiểu về quyền của chính mình khi được bảo vệ.

Xin cảm ơn Đại sứ!

AMM 53: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đối tác

AMM 53: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đối tác

TGVN. Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và các Hội nghị liên quan, chiều ngày 9/9, Phó Thủ ...

AMM 53: Hội nghị Uỷ ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ)

AMM 53: Hội nghị Uỷ ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ)

TGVN. Ngày 9/9, ngay sau Lễ khai mạc và Phiên toàn thể Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 tại Hà Nội ...

Các Ngoại trưởng ASEAN hướng về Hội nghị AMM 53

Các Ngoại trưởng ASEAN hướng về Hội nghị AMM 53

TGVN. Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53), các Ngoại trưởng Thái Lan và Indonesia đã bày tỏ ...