📞

Các lệnh trừng phạt kinh tế có làm lung lay 'pháo đài kinh tế' Nga?

Nga Đỗ 14:08 | 01/03/2022
Giữa bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine ngày một leo thang nghiêm trọng, các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga nhằm loại trừ nước này khỏi mạng lưới tài chính của mình. Nhưng liệu biện pháp này có thực sự phát huy tác dụng?

Báo Mainichi ngày 27/2 bình luận rằng quyết định nhằm loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT) có thể được coi là “lựa chọn cốt lõi” hay “lựa chọn cuối cùng” trong tổng thể các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga của các nước phương Tây. Trong bối cảnh đó, kinh tế Nga chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Người dân Nga tại Moscow xếp hàng rút tiền trong bối cảnh đồng Ruble đang mất giá. (Nguồn: Reuters)

“Gáo nước lạnh” dội vào kinh tế Nga?

Mặc dù quá muộn để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, song các biện pháp này có khả năng gây ra tình trạng hỗn loạn tài chính ở Nga, bởi chúng nhắm mục tiêu vào Ngân hàng trung ương Nga (BoR) và có thể dẫn đến việc đóng băng dự trữ ngoại hối 630 tỷ USD của nước này.

Điều này có thể gây nên tình trạng đồng loạt rút tiền khỏi các ngân hàng Nga, đồng thời sẽ khiến thị trường toàn cầu rung chuyển và giá năng lượng tăng cao hơn nữa, và cũng có thể khiến Nga trả đũa.

Nhận xét về quyết định vừa đưa ra, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh, biện pháp này sẽ trực tiếp đánh vào nền kinh tế Nga và khả năng huy động kinh phí cho chiến dịch quân sự của Tổng thống Putin.

SWIFT là một tổ chức phi lợi nhuận tư nhân điều hành mạng lưới trao đổi thông tin thanh toán giữa các tổ chức tài chính. Khi một tổ chức tài chính đi qua biên giới quốc gia để thanh toán tiền, khi nhận được yêu cầu, các tổ chức tài chính nơi gửi tiền phải trao đổi thông tin như số tiền và số tài khoản. SWIFT chỉ định một mã kết hợp chữ và số cho các tổ chức tài chính liên kết và bằng cách trao đổi thông tin đó, để có thể gửi tiền nhanh chóng.

Mặc dù tiền không được trao đổi trực tiếp thông qua SWIFT, nhưng không có mạng lưới tài chính nào có thể xử lý một lượng lớn thông tin thanh toán một cách nhanh chóng như vậy. Và phải rời SWIFT, một quốc gia sẽ hầu như không thể thực hiện thanh toán quốc tế, đây sẽ là một cú đánh tài chính cực mạnh nhằm vào Nga.

Đòn đánh này cũng là một trong những biện pháp trừng phạt Iran trong các năm 2012 và 2018, khiến cho kinh tế Iran bị cô lập với thế giới. Lần này, các mục tiêu loại trừ khỏi SWIFT dự kiến sẽ bao gồm ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank, ngân hàng đã bị Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính và VTB, ngân hàng lớn thứ hai.

Nếu các ngân hàng này không thể thực hiện thanh toán với các tổ chức tài chính ở nước ngoài, Nga sẽ không thể nhận các khoản thanh toán cho các mặt hàng xuất khẩu chính của mình như dầu thô và khí đốt tự nhiên, và sẽ không thể nhận tiền đầu tư cho các công ty.

Nga vẫn có thể sử dụng phương thức thanh toán kiểu cũ là trao đổi qua điện thoại hoặc e-mail mà không cần sử dụng SWIFT, nhưng giao dịch sẽ mất nhiều thời gian và chi phí.

Giới phân tích cho rằng biện pháp này sẽ khiến đồng Ruble của Nga bị suy yếu đáng kể và hạn chế cả các giao dịch của Ngân hàng trung ương Nga nhằm hỗ trợ đồng nội tệ nước này. Khi đó, kinh tế Nga sẽ bị tổn hại nghiêm trọng do lạm phát trong nước và các yếu tố khác.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng trên thực tế, quyết định này sẽ có tác động dần dần thay vì trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi.

Thay vào đó, bước đi thực sự lớn là việc nhắm vào thể chế chiếm vị trí trung tâm trong nền kinh tế “pháo đài” của Nga, đó là BoR, ngân hàng hiện nắm giữ 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối, tương đương 38% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này vào năm 2021.

Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết, cùng với châu Âu, họ sẽ ngăn cản Ngân hàng trung ương Nga sử dụng những khoản dự trữ này để làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt. Là một phần của chiến lược “pháo đài”, Nga đã giảm dự trữ bằng đồng USD.

Tính đến tháng 6/2021, dự trữ bằng USD của Nga chỉ chiếm 16%, so với mức 32% của đồng Euro, 22% bằng vàng và 13% bằng đồng Nhân dân tệ.

Tuy nhiên, phần lớn các khoản chứng khoán, tiền gửi ngân hàng và các công cụ khác, bất kể bằng ngoại tệ gì, có khả năng được giữ tại các tài khoản của các tổ chức tài chính hoặc thể chế sẽ thực thi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Điều đó có nghĩa là một số, hoặc thậm chí nhiều, khoản dự trữ quốc gia của Nga cho chiến tranh có thể bị đóng băng.

Phản ứng trước các biện pháp mới, Ngân hàng trung ương Nga ngày 27/2 cho biết họ có tất cả các nguồn lực và công cụ cần thiết để duy trì sự ổn định tài chính. Tuy nhiên, những hệ lụy là đáng lo ngại.

Nếu không có quyền truy cập ngay lập tức vào nguồn dự trữ, Ngân hàng trung ương sẽ khó có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng cách sử dụng tiền mặt ngoại tệ để hỗ trợ đồng Ruble đang mất giá, như họ đã làm trong những ngày qua.

Ngân hàng trung ương cũng có thể không có khả năng cung cấp thanh khoản ngoại tệ cho các ngân hàng đang bị trừng phạt, từ đó làm tăng nguy cơ các ngân hàng này mất khả năng thanh toán ngoại tệ với các đối tác. Và ngân hàng trung ương sẽ không thể đóng vai trò trung gian, thay mặt các ngân hàng này, thanh toán hoặc nhận các khoản thanh toán ngoại tệ với các đối tác nước ngoài, vốn là cách để tránh các lệnh trừng phạt về mặt lý thuyết.

Tất cả điều này cho thấy sự hoảng loạn ngày càng gia tăng trong hệ thống tài chính của Nga. Cho đến nay, thiệt hại do chiến tranh là nặng nề, song vẫn có thể chịu đựng được. Đồng Ruble đã giảm 10%, thị trường chứng khoán giảm 35% và giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất giảm hơn 50%.

Từ ngày 25/2, chi phí bảo hiểm đối với khả năng vỡ nợ của Chính phủ Nga đã ngang bằng với Thổ Nhĩ Kỳ. Giờ đây áp lực có thể sẽ tiếp tục tăng.

"Con dao hai lưỡi"

Tuy nhiên, theo tờ Mainichi, điều khiến giới chuyên gia kinh tế Nhật Bản quan ngại đó là những tác động tiêu cực và lâu dài đối với kinh tế thế giới.

Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt của phương Tây chủ yếu là những ngôn từ hùng hồn nhưng thiếu hiệu quả trên thực tế. Những hình phạt đối với các nhà tài phiệt và tài sản của họ ở nước ngoài đã không thay đổi được quyết định của Điện Kremlin.

Trong khi đó, những hạn chế đối với xuất khẩu công nghệ và hàng công nghiệp của phương Tây sang Nga sẽ mất vài tháng hoặc vài năm mới có hiệu lực. Ngay cả các lệnh trừng phạt được Mỹ công bố vào ngày 24/2 đối với Sberbank và VTB Bank, hai ngân hàng nắm giữ 75% tổng tài sản của ngành ngân hàng Nga, là một đòn nghiêm trọng, song không phải là đòn chí tử, đặc biệt do các giao dịch năng lượng được miễn trừ.

Hệ thống tài chính “pháo đài” của Nga có vẻ có khả năng chống chịu những vũ khí kinh tế mà phương Tây có thể sử dụng.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng đòn trừng phạt nặng nề vào nền kinh tế Nga cũng là “con dao hai lưỡi” với nguy cơ tạo ra những tác động tiêu cực ngoài mong đợi đối với các nước châu Âu nói riêng và kinh tế thế giới nói chung.

Ngày 27/2, Nga tuyên bố các lệnh trừng phạt là "bất hợp pháp" và ám chỉ các lực lượng hạt nhân của Nga đã được đặt trong tình trạng báo động cao để đáp trả.

Dường như nhóm thận trọng trong EU, bao gồm Đức, đã điều chỉnh chính sách trước sức ép ngày càng tăng của dư luận quốc tế yêu cầu có biện pháp cứng rắn đối với Nga.

Phía EU ban đầu cũng đặt mục tiêu loại bỏ Nga khỏi SWIFT như một giải pháp cuối cùng và thăm dò khả năng đàm phán, dù vậy, ngày càng có nhiều tiếng nói cho rằng, các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ vô ích nếu Nga hoàn tất chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Đức, với tư cách là nước phụ thuộc vào 50% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga, sẽ đối mặt với vấn đề cấp bách nhất.

Truyền thông Đức bình luận, nước này lo ngại Nga sẽ lập tức ngừng cung cấp khí đốt nếu bị loại khỏi SWIFT, nhưng có vẻ các biện pháp trừng phạt không bao gồm tất cả các ngân hàng của Nga. Điều này giúp cho Đức vẫn có thể duy trì mối quan hệ kinh tế tối thiểu với Nga.

Ở góc độ của Italy, nước này cũng bắt đầu thay đổi lập trường thận trọng khi Thủ tướng Mario Draghi ngày 25/2 đã tuyên bố sẽ điều tiết lượng tiêu thụ khí đốt và đa dạng hóa nguồn nhập khẩu.

Trong khi đó, đối với các quốc gia phụ thuộc vào năng lượng và ngũ cốc của Nga, việc nhập khẩu từ Nga sẽ gặp khó khăn. Nga là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới về GDP và là nhà xuất khẩu lớn về khí đốt tự nhiên, lúa mỳ và kim loại palladium được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn.

Nếu nguồn cung của những sản phẩm chính này giảm trên thị trường quốc tế, giá năng lượng và các yếu tố khác có thể tiếp tục tăng, từ đó thúc đẩy lạm phát toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế Takahide Kiuchi của Viện nghiên cứu Nomura Nhật Bản cho rằng nếu việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT khiến các nước không thể thực hiện các khoản thanh toán liên quan đến năng lượng với Nga, kinh tế toàn cầu sẽ bị thiệt hại từ 0,5-1,0% GDP do lạm phát tăng nhanh, tương đương với tác động của “cú sốc Lehman”.

(theo TTXVN)