Nghiên cứu thành lập Cơ quan nhân quyền quốc gia là một trong những khuyến nghị Việt Nam chấp thuận tại phiên bảo vệ báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III và cũng là chủ trương nhằm củng cố, hoàn thiện cơ chế thúc đẩy, bảo đảm quyền con người của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học chủ đề “Cơ quan nhân quyền quốc gia, thực tiễn quốc tế và bài học kinh nghiệm với Việt Nam,” với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế về lĩnh vực quyền con người, ngày 25/9/2015, tại Hà Nội. |
Nội dung của các nguyên tắc Paris
Các nguyên tắc Paris được thông qua trong một hội nghị do Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức tại Paris (Pháp) vào tháng 9/1991 với sự tham gia của đại diện các cơ quan nhân quyền của nhiều quốc gia, thông qua đó sẽ thiết lập những tiêu chuẩn tối thiểu cho việc thành lập và hoạt động của các NHRIs. Trên cơ sở mong muốn đó, họ đã soạn thảo, đàm phán và thông qua các Nguyên tắc Paris.
Các nguyên tắc Paris đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng rộng rãi trong hệ thống nhân quyền LHQ. Vào năm 1992, văn kiện này được Ủy ban nhân quyền LHQ thông qua. Vào tháng 6/1993, Hội nghị thế giới về nhân quyền tại Vienna (Áo) đã đưa vào tuyên bố của Hội nghị một nội dung khuyến khích các nước thành lập các NHRIs mới tuân thủ theo các nguyên tắc Paris.
Tháng 12/1993, Các nguyên tắc Paris được cơ quan cao nhất của LHQ là Đại hội đồng chính thức thông qua, xem đó là văn kiện của LHQ. Từ đó, LHQ luôn khuyến khích các nước thành lập hoặc hoàn thiện NHRIs tuân thủ theo các nguyên tắc Paris.
Sự khuyến khích này được thể hiện trong một loạt nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền và Đại hội đồng LHQ, cũng như trong các khuyến nghị đưa ra qua những lần rà soát định kỳ phổ quát (UPR) về nhân quyền trên phạm vi toàn cầu, và các khuyến nghị khi xem xét báo cáo quốc gia của các cơ quan giám sát các điều ước quốc tế về nhân quyền, và cả trong các báo cáo được thực hiện thông qua các thủ tục khiếu nại đặc biệt về nhân quyền của LHQ.
Ngoài tính độc lập, Nguyên tắc Paris cũng đưa ra các yêu cầu cơ bản khác đối với NHRIs.
Thứ nhất, tính đa dạng về thành phần. Các thành viên của NHRIs phải có tính đa dạng, tức là được bầu hay bổ nhiệm từ nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, bao gồm cả từ khối công quyền và khối tổ chức xã hội, cơ sở học thuật…
Nói cách khác, thành phần của các NHRIs phải phản ánh "các lực lượng xã hội tham gia vào việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người”…
Thứ hai, quyền hạn và chức năng rộng rãi. NHRIs cần phải được giao quyền hạn, chức năng càng rộng rãi càng tốt, trong đó có quyền hạn, chức năng tư vấn, giám sát, giáo dục và kể cả tiếp nhận và xử lý các khiếu nại về những vi phạm nhân quyền.
Thứ ba, có đủ quyền lực và nguồn lực cho hoạt động. NHRIs có thể được giao điều tra và thẩm vấn, thu thập bằng chứng và tài liệu mà họ cần. Để thực hiện được những công việc đó, các NHRIs phải được cung cấp đủ nguồn lực tài chính, biên chế, cơ sở hạ tầng và năng lực thể chế khác.
Thứ tư, có sự hợp tác rộng rãi. Do nhân quyền là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, cho nên để NHRIs hoạt động hiệu quả, cần phải tạo cơ chế hợp tác rộng rãi giữa các cơ quan này với các cơ quan nhà nước và tổ chức ngoài nhà nước khác. Không chỉ vậy, cần bảo đảm để NHRIs có thể tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế, qua đó đóng góp kiến thức và chuyên môn của họ cho các thể chế và cơ chế nhân quyền quốc tế và khu vực.
Thứ năm, dễ tiếp cận. Các nguyên tắc Paris đòi hỏi NHRIs phải dễ dàng tiếp cận đối với tất cả mọi người trong quốc gia đó, đặc biệt những cá nhân và nhóm người có nguy cơ dễ bị tổn thương về quyền con người.
Thứ sáu, trách nhiệm giải trình. Mặc dù có tính độc lập, các NHRIs cũng phải có trách nhiệm giải trình về tổ chức và hoạt động của mình với cộng đồng. Các NHRIs cũng có trách nhiệm giải trình về mặt pháp lý – ví dụ như phải chịu sự giám sát và báo cáo thường niên trước Quốc hội hay Chính phủ, về các hoạt động và kết quả đạt được trong hoạt động.
Các nguyên tắc Paris được Liên hợp quốc coi là những tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu đối với tất cả các NHRIs - bất kể quy mô hay cơ cấu - phải đáp ứng, để bảo đảm tính hợp pháp, đáng tin cậy và hiệu quả trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của một cơ quan nhân quyền quốc gia. |
Tính độc lập của NHRIs
Các Nguyên tắc Paris đặc biệt quan tâm đến tính độc lập của NHRIs. Điều đó thể hiện ở việc văn kiện này dành hẳn một mục riêng (mục 2, trong tổng số 4 mục) để đề cập đến các yếu tố cần thiết bảo đảm cho tính độc lập và đa dạng của NHRIs. Hai yếu tố độc lập và đa dạng có quan hệ đến nhau. Tính độc lập trước hết là độc lập với các cơ quan nhà nước (cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, cơ quan ở trung ương cũng như địa phương).
NHRIs cần độc lập với nhà nước bởi lẽ nhà nước, do chức năng của mình, chính là chủ thể đầu tiên, trước hết có các nghĩa vụ và khả năng bảo vệ, bảo đảm nhân quyền một cách hiệu quả, nhưng đồng thời cũng là thủ phạm chính của những vi phạm nhân quyền. Ngoài ra, NHRIs cũng cần độc lập với các đảng phái chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức tư nhân...
Vị trí của NHRIs phải đứng giữa nhà nước và xã hội, mà không nghiêng hẳn về bên nào. Để có được thế đứng đó, cơ quan này phải có thành phần từ cả hai khối nhà nước và các tổ chức xã hội.
Tính độc lập của NHRIs thể hiện ở các khía cạnh cụ thể: Độc lập về pháp lý là yếu tố cơ bản đảm bảo tính độc lập trên các phương diện khác của NHRIs. Về khía cạnh này, Các nguyên tắc Paris nêu rõ, việc các NHRIs chỉ được thành lập bởi một văn bản pháp quy của hành pháp. Các NHRIs thường được thành lập theo hiến pháp của các quốc gia để bảo đảm địa vị pháp lý vững chắc.
Độc lập trong hoạt động là việc các NHRIs có thể tự mình xác định các ưu tiên, chương trình và kế hoạch công tác của mình. Theo khuyến cáo của các Nguyên tắc Paris, các NHRIs nên được trao quyền để “Tự mình xem xét bất kỳ vấn đề nào thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan”.
Hơn nữa, các NHRIs cũng cần có quyền quyết định những hoạt động nào cần được ưu tiên trong quá trình thực hiện chức trách của mình. Ngoài ra cần yêu cầu độc lập về nhân sự, độc lập về tư duy đối với các thành viên của NHRIs, hành xứ đúng pháp luật, trong phạm vi pháp luật và tuân thủ các Nguyên tắc Paris.
Liên quan đến tính độc lập của NHRIs, có một số khía cạnh cần lưu ý:
Một là, tính độc lập của NHRIs chỉ có nghĩa là NHRIs không phải chịu sự can thiệp tùy tiện của các cơ quan công quyền và các chủ thể khác.
Hai là, tính độc lập không có nghĩa là NHRIs không có trách nhiệm giải trình với bất kỳ chủ thể nào. Thực tế trên thế giới cho thấy, các NHRIs, dù thành lập theo mô hình nào, cũng phải báo cáo và chịu sự giám sát của một chủ thể khác, ví dụ như Nghị viện, Chính phủ, hay nguyên thủ quốc gia.
Ví dụ, Ủy ban Nhân quyền của Malaysia (SUHAKAM) phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện Malaysia thông qua việc nộp báo cáo hàng năm và bất cứ báo cáo đặc biệt nào khác cho cơ quan này, còn Ủy ban Nhân quyền quốc gia của Hàn Quốc (NHRCK) phải nộp báo cáo hàng năm cho Quốc Hội và Tổng thống.
Trách nhiệm báo cáo và chịu sự giám sát là để bảo đảm NHRIs có trách nhiệm giải trình, và chỉ được hoạt động trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định. Vì thế, một NHRIs độc lập không phải là một thiết chế “vô chính phủ” hay “muốn làm gì thì làm”.
Ba là, tính độc lập không có nghĩa là thành phần của NHRIs chỉ bao gồm đại diện của các tổ chức phi chính phủ. Thực tế cho thấy, NHRIs ở các quốc gia, dù theo mô hình nào, cũng khuyến khích sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức và tầng lớp xã hội khác nhau, bao gồm các cơ quan nhà nước.
Ví dụ, thành phần của NHRIs Kenya của gồm 6 nữ 3 nam, trong đó có 2 thành viên là người khuyết tật; 3 là người Hồi giáo và 6 là người Thiên chúa giáo; của Pháp bao gồm đại diện của các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền; những cá nhân và chuyên gia có trình độ; cơ quan giám sát; hai thành viên của Nghị viện và một thành viên của Hội đồng kinh tế - xã hội; của Cộng hoà Liên bang Đức bao gồm đại diện của “Diễn đàn Nhân quyền” hiệp hội bao trùm của các tổ chức nhân quyền ở Đức; Ủy ban Nhân quyền và Cứu trợ nhân đạo của Quốc hội Liên bang; hiệp hội lớn nhất của Đức về người khuyết tật; các bộ tài trợ và Hội đồng Liên bang Quốc gia; giới học thuật và giới truyền thông...
Nói cách khác, NHRIs không phải là một thiết chế do các tổ chức phi chính phủ điều hành để “giám sát”, “đối lập” với nhà nước.
Các Nguyên tắc Paris là một văn kiện đặc biệt, được xây dựng dựa trên nhu cầu và cơ bản là từ chính đề xuất của các NHRIs. Văn kiện này đã tiêu chuẩn hoá, quốc tế hoá cách thức thành lập và các quy tắc tổ chức, hoạt động của các NHRIs. Hiện nay, các Nguyên tắc Paris là nền tảng cho việc tổ chức và hoạt động của NHRIs ở mọi quốc gia trên thế giới. Đây là văn kiện mà các quốc gia không thể không tham chiếu khi xây dựng hoặc củng cố các NHRIs của nước mình. |
Những lợi ích khi tuân thủ Nguyên tắc Paris
Việc tuân thủ toàn diện các nguyên tắc Paris là rất cần thiết, trước hết là để các cơ quan nhà được thừa nhận bởi cộng đồng quốc tế và người dân trong nước, sau đó là để đảm bảo các NHRIs hoạt động khả thi và hiệu quả. Thực tế cho thấy việc tuân thủ các nguyên tắc Paris giúp cho các NHRIs hoạt động độc lập và chuyên nghiệp trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Nó mang lại cho các NHRIs sự hợp pháp, sự tin cậy đối với quốc gia cũng như trên trường quốc tế.
Các nguyên tắc Paris đưa ra một cơ sở thống nhất để đánh giá tính độc lập và hiệu quả của các NHRIs. Chúng hiện được Liên minh toàn cầu các NHRIs sử dụng, thông qua tiểu ban công nhận để đánh giá mức độ quốc tế công nhận của các NHRIs.
Cụ thể, các NHRIs được đánh giá là tuân thủ đầy đủ các Nguyên tắc Paris được công nhận là 'trạng thái A', trong khi các NHRIs tuân thủ một phần được công nhận là 'trạng thái B'. Các NHRIs ở trạng thái A có thể độc lập tham gia công việc của Hội đồng Nhân quyền LHQ và cơ chế của Hội đồng. Một số cơ quan khác của Đại hội đồng LHQ cũng cho phép các NHRIs ở trạng thái A tham gia vào các hoạt động của họ.
Các Nguyên tắc Paris là một văn kiện đặc biệt, được xây dựng dựa trên nhu cầu và cơ bản là từ chính đề xuất của các NHRIs. Văn kiện này đã tiêu chuẩn hoá, quốc tế hoá cách thức thành lập và các quy tắc tổ chức, hoạt động của các NHRIs.
Hiện nay, các Nguyên tắc Paris là nền tảng cho việc tổ chức và hoạt động của NHRIs ở mọi quốc gia trên thế giới. Đây là văn kiện mà các quốc gia không thể không tham chiếu khi xây dựng hoặc củng cố các NHRIs của nước mình.
Ở Việt Nam, việc xây dựng NHRIs đang là một yêu cầu cấp thiết, vì thế cần nghiên cứu phân tích kỹ các tiêu chuẩn được nêu trong Các Nguyên tắc Paris. Trước đây và hiện nay ở nước ta vẫn còn một số băn khoăn về tính độc lập của NHRIs trong các Nguyên tắc Paris.
Mặc dù vậy, phân tích kỹ nội dung của văn kiện này, có thể thấy tính độc lập đó chỉ là để phòng ngừa sự can thiệp tuỳ tiện của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội vào hoạt động của NHRIs. Tính độc lập hoàn toàn không có nghĩa NHRIs sẽ trở thành một tổ chức đối lập với nhà nước, không chịu sự quản lý hay không có trách nhiệm giải trình gì với nhà nước.
Vì vậy, khi xây dựng NHRIs, Việt Nam hoàn toàn có thể và nên có các quy định để bảo đảm tính độc lập của nó phù hợp với Các nguyên tắc Paris. Điều này trước hết là để bảo đảm hiệu quả của NHRIs trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở nước ta trong thời gian tới. Thêm vào đó, việc xây dựng NHRIs có tính độc lập sẽ góp phần tạo lập sự tin tưởng của người dân, các tổ chức xã hội trong nước, và cộng đồng quốc tế với cam kết và hành động trên lĩnh vực nhân quyền của Nhà nước Việt Nam.