Trụ sở ECOWAS ở Lome, Togo. |
Trong một tuyên bố, lãnh đạo các nước ECOWAS cho biết mục tiêu hướng tới đến năm 2020 đưa đồng tiền chung vào lưu thông, đồng thời tái khẳng định “cách tiếp cận dần với đồng tiền chung bắt đầu từ những nước hội tụ các tiêu chí”.
Đồng tiền chung này sẽ dựa trên cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt và khung chính sách tiền tệ chú trọng vào mục tiêu lạm phát. Tuyên bố nhấn mạnh các nước thành viên sẽ theo đuổi những chương trình cải cách cơ cấu và chính sách phù hợp, theo đó duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế.
Ý tưởng về một đồng tiền chung cho khu vực Tây Phi lần đầu tiên được đưa ra thảo luận cách đây gần 30 năm với hy vọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực và trao đổi thương mại qua biên giới. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng điều này dường như rất khó có thể nhanh chóng thành hiện thực và thậm chí “lợi bất cập hại” cho các nền kinh tế trong khu vực.
Được thành lập vào năm 1975, ECOWAS tập hợp 15 quốc gia với tổng dân số khoảng 300 triệu người, hiện nay đang sử dụng các loại tiền tệ khác nhau. Trong đó, 8 nước với khoảng 155 triệu người đang dùng chung đồng franc CFA cùng với đồng euro, gồm các nước trong Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (WAEMU) như: Benin, Burkina Faso, Côte d'Ivoire, Guinea-Bissau, Mali, Niger, Senegal và Togo. Còn lại 7 quốc gia trong khối ECOWAS sử dụng đồng tiền riêng như Cape Verde với đồng Escudo, Gambia (Dalasi), Ghana (Cedi), Guinea (franc Guinea), Liberia (Đô-la Liberia), Nigeria (Naira) và Sierra Leone (Leone). Tuy nhiên, các loại tiền tệ này không chuyển đổi với nhau, điều này không tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch.