Lời cảnh báo của nhóm Visegrad hay còn gọi là V4 nói trên được đưa ra thực sự là một thách thức lớn cho nước Anh khi bước vào đàm phán với EU.
Thủ tướng Slovakia khẳng định: “Nước Anh biết đây là một vấn đề các nước chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận nhân nhượng hay thỏa hiệp". Ông Fico cho rằng EU không thể nương nhẹ trong quá trình đàm phán với Anh, và quyền tự do của EU phải được tôn trọng.
(Từ trái sang): Thủ tướng Slovakia Robert Fico, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu (EU) tại Bratislava (Slovakia) ngày 17/9. (nguồn: EPA) |
Anh chưa tiết lộ hiệp định thương mại mà nước này muốn ký với EU hậu Brexit sẽ gồm những gì, nhưng quan điểm ưu tiên hàng đầu của Anh là kiểm soát dòng người nhập cư từ EU vào Anh, và tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cả hai bên. Trong khi đó, đều kiện tiên quyết của EU là Anh chỉ có quyền vào thị trường chung EU nếu như Anh chấp nhận quyền tự do đi lại, làm việc của công dân EU tại Anh.
Ngày 16/9, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết sau cuộc gặp với Thủ tướng Anh Theresa May hồi tuần trước, ông tin rằng Anh sẽ khởi động tiến trình rời khỏi EU vào tháng 1 hoặc tháng 2/2017. Tuy nhiên ngày 17/9 văn phòng Thủ tướng Anh cho biết tại cuộc gặp, bà May không đề cập thời điểm cụ thể và đó chỉ là cách hiểu của ông Tusk.
Cũng trong ngày 17/9, Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu (EU) tại Bratislava (Slovakia) đã bế mạc với việc các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên thống nhất về một "lộ trình" chiến lược để tái thiết lòng tin công chúng ở EU sau khi Anh quyết định rời khối.
Dự kiến kế hoạch về những cam kết hợp tác mới này sẽ được công bố vào tháng 3/2017, nhân dịp kỉ niệm 60 năm hiệp ước thành lập EU được kí kết tại Rome.
EU nhiều thập kỷ qua vốn được xem là tổ chức bảo hộ cho hòa bình và thịnh vượng của châu Âu, tuy nhiên giờ đây các nhà lãnh đạo EU thừa nhận liên minh đang rơi vào một cuộc "khủng hoảng" trước chủ nghĩa khủng bố, sự quá tải người di cư và nguy cơ bất đồng nội khối sau khi Anh quyết định rời EU.