Phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu
Bình Phước mang nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, như ông Phạm Thuỵ Luân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước nhận định “Ngành đã khai thác tối đa nội lực đang có; song, vẫn rất cần sự đầu tư kịp thời, đồng bộ của Nhà nước để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, củng cố, xây dựng cơ sở hạ tầng để có được những bước đi vững chắc trên con đường CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn”.
Ông Phạm Thuỵ Luân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước. |
Nhờ vậy trong năm 2024 vừa qua, tỉnh đã đạt được nhiều thành tích đáng kỳ vọng. Với giá trị sản xuất Nông Lâm nghiệp và Thuỷ sản (giá cố định 2010) ước đạt 40.423,2 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 100,5%KH. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn gắn với thị trường với ngành nông nghiệp 99,63% (trồng trọt chiếm 60,5%; chăn nuôi chiếm 39,3%; dịch vụ chiếm 0,2%); Lâm nghiệp 0,23%; Thủy sản 0,14%. Tỷ lệ các hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh: 99,6%, đạt 100% kế hoạch.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã thông qua Quyết định về việc phê duyệt danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản của Bình Phước. Với các sản phẩm chủ lực gồm cao su, điều, hồ tiêu, cà phê, sầu riêng, chuối, bưởi, mít; thịt lợn; thịt và trứng gia cầm; gỗ và sản phẩm từ gỗ. Đặc biệt, trong Quyết định số 1637/QĐ-UBND ngày 30/10/2024, tỉnh đã công nhận 20 sản phẩm đạt danh hiệu nông nghiệp chất lượng cao, tiêu biểu lần thứ IV, năm 2024. Những sản phẩm này không chỉ nổi bật về chất lượng mà còn góp phần nâng tầm thương hiệu nông sản Bình Phước. Danh sách sản phẩm tiêu biểu năm 2024 gồm Hạt tiêu đen (Hộ kinh doanh Võ Thị Hiền, huyện Bù Gia Mập); Mít thái sấy giòn không đường (Hộ kinh doanh Võ Thị Hiền, huyện Bù Gia Mập); Sầu riêng (HTX Cây ăn trái Minh Lập, thị xã Chơn Thành); Dưa lưới NaBi Fam (HTX Nông nghiệp Thương mại và Dịch vụ xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành); Măng tre khô (HTX Măng tre Thành Tâm, thị xã Chơn Thành); Trà dược liệu thiên nhiên 7 trong 1 (Hộ kinh doanh Hoàng Mạnh Hùng, huyện Lộc Ninh); Bộ sản phẩm rượu đặc trưng: Rượu tửu Bất bại, Rượu nếp cẩm, Rượu sen... (Hộ kinh doanh Hạnh Lượng, huyện Lộc Ninh); Hạt điều rang củi (Công ty TNHH MTV SX Hoàng Phú, huyện Lộc Ninh); Sầu riêng Ri6 (THT trồng sầu riêng Thanh Phú, thị xã Bình Long); Chả giò Kim Lan (Hộ kinh doanh Nguyễn Long Châu, thị xã Bình Long); Bộ sản phẩm từ hạt điều: Hạt điều Phô mai, Yum Thái, Cashewpie... (Công ty TNHH Vinahe, thị xã Phước Long); Hạt điều rang muối (Công ty TNHH MTV BaZan, huyện Bù Đăng); Hạt điều Như Hoàng (HTX Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Như Hoàng, huyện Bù Đăng); Yến sào Dương Quang (Công ty TNHH MTV Yến sào Dương Quang, huyện Bù Đăng); Cà phê Công Phát (Công ty TNHH MTV Công Phát, TP Đồng Xoài); Mật ong Sông Bé (Công ty TNHH Mật ong Sông Bé, TP Đồng Xoài); Bộ sản phẩm hạt điều: Hạt điều nhân trắng, rang muối... (Công ty CP Hà Mỵ, huyện Đồng Phú); Cà phê nguyên chất (HTX Cà phê Nguyên chất Bù Đốp, huyện Bù Đốp); Yến sào Bảo Ngân (Công ty TNHH DV XNK Nông sản Bảo Ngân, huyện Bù Đốp); Hạt điều Nhân Sang (Công ty TNHH MTV SX TM Nhân Sang, huyện Hớn Quản).
Sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản của Bình Phước. |
Việc công nhận và phát triển các sản phẩm này không chỉ thúc đẩy xây dựng thương hiệu nông sản Bình Phước mà còn tạo cơ hội để các doanh nghiệp và hộ kinh doanh địa phương tiếp cận thị trường lớn hơn. Đây cũng là cơ sở để tỉnh hình thành các chuỗi giá trị từ sản xuất, sơ chế, đến chế biến và tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và đời sống người dân. Cùng với việc định hướng phát triển nông nghiệp chất lượng cao, Bình Phước đang khẳng định vị thế là một trong những trung tâm nông nghiệp nổi bật của vùng Đông Nam Bộ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế bền vững.
Địa phương cũng đã triển khai thực hiện Đề án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đang xây dựng dự án “Quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2030”. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển ngành điều tỉnh Bình Phước giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Hiện nay, Sở đang thực hiện các hồ sơ thủ tục thực hiện công trình trồng cây xanh tại các tuyến đường nông thôn mới năm 2024 theo quy định.
Đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện các chương trình: Kinh tế hợp tác; Kinh tế trang trại; Ngành nghề nông thôn; Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao đông ̣nông thôn; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; sơ chế bảo quản sau thu hoạch; Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cùng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay cơ bản đã đạt kế hoạch đề ra, có 73 xã có quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Chuyển đổi số - Bước đi đầy bứt phá cho ngành Nông nghiệp
Bên cạnh kết quả đạt được, ông Phạm Thuỵ Luân nói, Ngành vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, khi các chính sách hỗ trợ của Trung ương được ban hành nhưng nguồn lực để thực hiện còn nhiều hạn chế. Vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn nhân lực được đào tạo để phục vụ cho quản lý, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp còn thiếu, nên tổ chức sản xuất chưa đạt hiệu quả, thiếu liên kết… “Bởi vậy, Bình Phước cần một sự bứt phá, cụ thể là trong vấn đề chuyển đổi số. Việc triển khai các hoạt động chuyển đổi số sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực, trở thành đơn vị đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ của Ngành” – Ông Phạm Thuỵ Luân nhấn mạnh. Theo đó, Ngành đã không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động điều hành, quản lý chuyên ngành, quy hoạch ngành.
Đi liền với đó là từng bước chú trọng vào cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý. Đi đôi với xây dựng các chính sách hiệu quả, như chính sách phát triển vùng nguyên liệu các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của tỉnh, địa phương; chính sách hỗ trợ cơ giới hoá, tự động hóa, khoa học - công nghệ; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, tích tụ đất đai theo chuỗi, chế biến sâu và xây dựng thương hiệu, thị trường. Cũng như thực hiện nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, lao động, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững…
Đặc biệt là đề cao việc đẩy mạnh huy động nguồn lực, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp. Khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp, các hợp tác xã và người dân có nhu cầu đầu tư vào sản xuất để phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung; kêu gọi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; kêu gọi tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng... Đẩy mạnh phát triển các chuỗi sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và thị trường gắn với tuyên truyền đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Phát triển nông nghiệp bền vững dựa trên việc kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội đồng; thực hiện theo cơ chế đặc thù của tỉnh.
Bình Phước kêu gọi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. |
Năm 2025, là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 trong bối cảnh tình hình thời tiết và biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, tạo ra nhiều khó khăn thách thức trong việc hoàn thành mục tiêu tổng quát trong giai đoạn 2020-2025 là “Phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.
Do đó, tỉnh sẽ nỗ lực phát huy toàn diện nội lực đang có, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn, nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngành trên cơ sở nâng cao giá trị sản xuất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông lâm thủy sản. “Đặc biệt là không để “chảy máu chất xám”, thông qua việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của ngành phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; ưu tiên đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đủ trình độ tiếp cận công nghệ hiện đại để tạo những bước đột phá trong nghiên cứu, chọn, tạo và sản xuất giống, công nghệ di truyền, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chắc chắn rằng, Ngành nông nghiệp Bình Phước không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần lớn vào sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương” - Ông Phạm Thuỵ Luân nhấn mạnh./.