Theo ông Luis de Guindos, điều này có thể khiến cho kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng trưởng chậm lại hơn nữa.
Phát biểu tại phiên điều trần ở Nghị viện châu Âu, Phó Chủ tịch de Guindos nhấn mạnh, mặc dù các tổ chức tài chính và chính phủ các nước châu Âu đã đưa ra những biện pháp để giảm thiểu tác động của Brexit, chỉ việc nước Anh rời EU, trong khi khu vực tư nhân chuẩn bị tích cực hơn so với cách đây 6 tháng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cả kinh tế toàn cầu và kinh tế châu Âu tăng trưởng chậm lại vào cuối năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, nguy cơ Brexit "không thỏa thuận" chưa được đánh giá đúng mức một cách thực sự, nó có thể được ví như một "bộ khuyếch đại" sự xuống dốc của kinh tế châu Âu.
Mặc dù theo ông những rủi ro và nguy cơ này là có thể kiểm soát được, song các thị trường tiền tệ và cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng. Đồng thời, cần lưu ý rằng các thị trường thường có xu hướng phản ứng một cách thái quá trước những thông tin bất ngờ. Rủi ro lớn nhất có lẽ là tác động đối với lòng tin vào nền kinh tế.
Kinh tế Eurozone giảm tốc trong sáu tháng cuối năm 2018, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu đi và bất ổn chính trị leo thang gây sức ép lên xuất khẩu. (Nguồn: AFP) |
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hà Lan Klaas Knot cũng đưa ra nhận định tương tự. Trả lời phỏng vấn tờ tờ nhật báo kinh doanh Handelsblatt, ông cho rằng các thị trường đã không tính đến khả năng Brexit “cứng”. Thị trường có lẽ sẽ có sự điều chỉnh, song điều này có thể gây sức ép lên đồng Bảng.
Kinh tế Eurozone giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2018, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu đi và bất ổn chính trị leo thang gây sức ép lên xuất khẩu. Kinh tế khu vực này trong hai quý cuối năm chỉ tăng trưởng 0,2% mỗi quý, mức tăng thấp nhất trong bốn năm qua.
Khảo sát do công ty cung cấp thông tin toàn cầu IHS Markit có trụ sở tại London vừa công bố cho thấy lĩnh vực chế tạo giảm mạnh nhất trong sáu năm trong tháng 3/2019 và dự báo sẽ vẫn yếu trong những tháng tới đây, do những căng thẳng trong quan hệ thương mại toàn cầu và bất ổn liên quan đến Brexit. Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) đã giảm từ 49,3 (điểm) trong tháng 2/2019, xuống 47,6 trong tháng 3/2019.
Bên cạnh đó, sức ép giá cả đi xuống cũng là yếu tố khiến các nhà hoạch định chính sách ECB lo ngại. Theo Eurostat, lạm phát cơ bản, không tính giá lương thực và năng lượng, đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm trong tháng 3/2019, so với cùng kỳ năm 2018. ECB đã đề ra mục tiêu duy trì lạm phát giá tiêu dùng Eurozone ở mức xấp xỉ 2%, song tỷ lệ này hiện chỉ là 1,4% trong bối cảnh giá dầu thô tăng chậm hơn. Như vậy, có thêm dấu hiệu nữa cho thấy sự giảm tốc của kinh tế khu vực này.