Trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc ổn định môi trường chính sách, không tăng hay ban hành thuế phí là hướng đi, giải pháp phục hồi kinh tế doanh nghiệp. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Khó khăn vẫn đeo bám
Đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi thế giới, tác động tiêu cực trực tiếp tới kinh tế và cuộc sống người lao động. Tại Việt Nam, quý đầu năm 2021 xuất hiện những chỉ số rất đáng lưu ý, những khó khăn do đại dịch mang lại vẫn đeo bám doanh nghiệp.
Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp thành lập mới trong quý I năm nay đạt 29.300 doanh nghiệp, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 40.323 doanh nghiệp.
Tin liên quan |
Bất chấp Covid-19, doanh nghiệp Việt nhanh nhạy thích ứng thị trường |
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, hiện tượng rút lui khỏi thị trường là bình thường. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong 1 thập kỷ gần đây, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp tham gia thị trường là điều rất đáng lo ngại.
Điều đó kéo theo tình hình lao động việc làm quý I cũng khá u ám. Theo Tổng cục Thống kê số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động gần 1,1 triệu người, tăng 12.100 người so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả từ báo cáo về tác động của dịch bệnh Covid-19 đến doanh nghiệp Việt Nam của WB và VCCI công bố tháng 3/2021 cũng không sáng sủa hơn. Có tới 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, những con số thống kê về tình hình lao động việc làm quý I/2021 đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng trong thời gian qua.
Những khó khăn này là thách thức rất lớn đối với các nỗ lực của Chính phủ trước chủ trương hoàn thành tốt mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế vừa chiến thắng đại dịch.
Cách nào “cứu" người lao động?
Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, hỗ trợ, phục hồi doanh nghiệp là hướng đi, giải pháp bền vững nhất để giải quyết tình trạng thất nghiệp của người lao động.
Bên cạnh việc tung ra các gói hỗ trợ về tài chính, thuế, phí... thì cần ổn định môi trường chính sách, không tăng, ban hành thuế phí mới là điều quan trọng nhất.
Bởi chi phí thuế tăng có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm. Đặc biệt sau những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thì việc tăng thuế sẽ càng làm trầm trọng thêm thực trạng này.
Đồng thời, thuế tăng cũng ảnh hưởng đến sức mua và doanh thu của các doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm nhân lực để bù lỗ, gây hiện tượng thất nghiệp cao. “Không tăng thuế” cũng là quan điểm của chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên khi nói về việc hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo ông Thiên, ngoài những gói hỗ trợ doanh nghiệp ra thì việc ổn định môi trường chính sách trong thời điểm này là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp tiên liệu được các kế hoạch kinh doanh cũng như tuyển dụng, sa thải nhân sự.
Tin liên quan |
Sinh viên vẫn thất nghiệp dù doanh nghiệp thiếu người, vì đâu? |
“Không tăng thuế, không ban hành thêm những sắc thuế mới là rất quan trọng để không làm tăng thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp”, ông Thiên nói.
Hiện những giải pháp hỗ trợ về thuế cũng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá có tác động tích cực. Trong khi chính sách gia hạn về thuế được cho là dễ tiếp cận nhất đối với doanh nghiệp, song việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động lại khó tiếp cận nhất.
Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Việc khoanh hay ngưng, miễn giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp như lãi vay, tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai. Thậm chí cần cân nhắc cắt giảm kinh phí công đoàn để hỗ trợ doanh nghiệp.
Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, và chỉ có thể loại trừ hoàn toàn sau 4-5 năm nữa. Vì vậy, việc đưa ra những chính sách mang tính dài hạn là rất cần thiết.
Bên cạnh việc lan tỏa và nhân rộng được các cách làm tốt trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 thì ổn định môi trường kinh doanh, tránh tăng thuế phí hay đề xuất thuế mới là nền tảng để doanh nghiệp có thể yên tâm khôi phục sản xuất kinh doanh, từ đó từng bước ổn định việc làm cho người lao động.