📞

Cách mạng tháng Tám và tầm nhìn Ngoại giao toàn diện Hồ Chí Minh

20:37 | 28/08/2011
Dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ, Cách mạng Tháng Tám 1945 - một sự kiện vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân ta đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam. Thành công của Cách mạng tháng Tám đã để lại nhiều bài học quý báu cho dân tộc Việt Nam. Một trong những bài học đó là bài học về đoàn kết sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thể hiện tầm nhìn chiến lược về ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh chung với các đại diện Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc sau khi ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946.

Tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng thành công của Cách mạng tháng Tám là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài, gian khổ của nhân dân, là sự sáng suốt của Hồ Chí Minh trong sách lược đối ngoại. Đặc biệt, việc dự báo đúng tình thế, nhận định đúng thời cơ, kết hợp nội lực và ngoại lực đã thể hiện một tầm nhìn ngoại giao thiên tài của Hồ Chí Minh.

Với nhãn quan chính trị sắc bén, ngay từ năm 1941, Hồ Chí Minh đã đề nghị trong lúc này chúng ta phải chuẩn bị lực lượng, tranh thủ tối đa mọi sự ủng hộ từ các lực lượng bên ngoài tạo nên một lực lượng thống nhất để giành chính quyền khi có thời cơ đến. Bằng uy tín và kinh nghiệm, thông qua con đường ngoại giao, Người đã tranh thủ tối đa mọi sự ủng hộ của đồng minh và các lực lượng tiến bộ khác, kết hợp với sức mạnh của quần chúng tạo nên sức mạnh tổng hợp để sẵn sàng tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến.

Trước bối cảnh cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II có nhiều chuyển biến mau lẹ, phe Đồng minh đang từng bước giành được thế chủ động trên chiến trường, Người nhận định: "Tình thế cách mạng thế giới đã chuyển biến có nhiều thuận lợi cho cách mạng". Hồ Chí Minh đã phát hiện ra mâu thuẫn giữa các nước Mỹ, Anh, Pháp về vấn đề thuộc địa, trong đó có Đông Dương. Từ những phát hiện này, Người chủ trương tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ và quyết định gặp đại diện Mỹ ở Côn Minh (Trung Quốc). Trong cuộc đàm phán này Người nêu rõ Việt Minh đã lớn mạnh và muốn hợp tác với Mỹ, cùng chống Nhật và mong có sự công nhận chính thức của Mỹ đối với Việt Minh như là một lực lượng chính thống, thuộc khối đồng minh chống pháp xít.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính pháp ở Đông dương. Trước tình hình đó Bộ chỉ huy của Mỹ ở Côn Minh đã nhiều lần cử đại diện đến gặp Hồ Chí Minh để bàn phương thức hợp tác "Việt Minh - Mỹ". Như vậy, bằng nghệ thuật ngoại giao sắc sảo, Hồ Chí Minh đã làm cho Mỹ thấy được sự lớn mạnh và ảnh hưởng của Việt Minh trong nhiệm vụ chống Phát xít. Từ đó Hồ Chủ Tịch đã tranh thủ được sự ủng hộ của Mỹ và Đồng minh cho mục tiêu giành độc lập.

Cuối tháng 5 năm 1945 Người về Tân Trào chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, đồng thời triển khai kế hoạch nhận tiếp viện từ phía Mỹ. Tính đến ngày 10 tháng 8 năm 1945 Việt Minh đã nhận được 22 chuyến hàng thả dù tiếp viện từ phía Mỹ, bao gồm súng, đạn, quân trang, quân dụng, điện đài và một nhóm quân tình nguyện Mỹ (11 người) trực tiếp hướng dẫn cán bộ Việt minh sử dụng vũ khí mới và trang thiết bị phục vụ cho khởi nghĩa vũ trang. Như vậy trong thời điểm nhạy cảm, Hồ Chí Minh đã lôi kéo được Quốc dân đảng - Trung Hoa và Mỹ. Từ đó Người khai thác và tranh thủ tối đa sự ủng hộ từ bên ngoài tạo thêm thế và lực, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.

Tháng 8/1945 phát xít Đức đầu hàng đồng minh vô điều kiện, quân Nhật ở Đông Dương hoảng loạn, thời cơ "Ngàn năm có một" của cách mạng đã đến. Ngày 15/8, Người gửi bức điện tới đại diện Mỹ yêu cầu Liên hợp quốc tạo điều kiện cho Đông Dương và khẳng định ý chí của nhân dân Đông dương sẵn sàng đứng lên giành độc lập. Ngày 16/8, Người chủ trì Đại hội Đại biểu Quốc dân và thông qua mười chính sách lớn của Việt Minh. Khi Đại hội bế mạc, Người lập tức gửi thư kêu gọi tổng khởi nghĩa tới đồng bào cả nước hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, chủ tich Hồ Chí Minh đã soạn thảo "Tuyên ngôn độc lập", tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trước toàn thể dân tộc và quốc tế trước khi quân Đồng minh vào với danh nghĩa giải giáp quân Nhật. Trong "Tuyên ngôn độc lập" Hồ Chí Minh đã trích dẫn bản "Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền" của Pháp và "Tuyên ngôn độc lập" của Mỹ, đây là sự thể hiện sự mẫn cảm chính trị và tầm nhìn xa trông rộng của Hồ Chí Minh cho những mục tiêu lâu dài của cách mạng Việt Nam.

Như vậy, có thể khẳng định, thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám gắn liền với quyết định táo bạo và kịp thời của Hồ Chí Minh; thể hiện tầm nhìn ngoại giao sắc sảo của Người trong việc tranh thủ các lực lượng tiến bộ bên ngoài, phát huy nội lực bên trong tạo nên sức mạnh tổng hợp để làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám lịch sử. Đó chính là hiện thân của sự mẫn cảm chính trị, tầm nhìn ngoại giao thiên tài của Người.

Trong giai đoạn hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc Đổi Mới. Trên mặt trận đối ngoại, lấy Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh bắt nguồn từ cuộc Cách mạng Tháng Tám làm kim chỉ nam đã được kiểm chứng và đã mang lại những thành quả quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động, thì việc vận dụng linh hoạt bài học ngoại giao Hồ Chí Minh như "hòa để tiến", "dĩ bất biến, ứng vạn biến", tranh thủ ngoại lực, phát huy nội lực để tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc càng trở nên sâu sắc và có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Đức Trí

“… Mặc dù chỉ trực tiếp phụ trách ngành Ngoại giao trong một nhiệm kỳ 5 năm, nhưng với bề dày kinh nghiệm công tác và từng giữ các cương vị lãnh đạo quan trọng khác nhau của Đảng và Chính phủ, đồng chí Phạm Gia Khiêm đã thể hiện phẩm chất của một nhà Ngoại giao lớn, có tầm nhìn xa trông rộng. Phó Thủ tướng luôn theo sát công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược và có những chỉ đạo rất sâu sắc, kịp thời về các vấn đề đối ngoại chiến lược. Phó Thủ tướng là người đã khởi xướng đề xuất và làm sâu sắc các nội hàm mới của đường lối đối ngoại đã được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua, nhất là chủ trương "chủ động, tích cực hội nhập quốc tế", "triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại", vấn đề "lợi ích quốc gia dân tộc", "thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế"... Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chính là người đặt nền móng lý luận cho nền Ngoại giao Toàn diện với các trụ cột Ngoại giao Chính trị, Ngoại giao Kinh tế, Ngoại giao Văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Ngoại giao Toàn diện có sự tham gia của tất cả các binh chủng đối ngoại gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, có sự phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại - quốc phòng - an ninh trong việc thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại và bảo vệ đất nước; có sự khởi sắc của công tác Ngoại vụ địa phương…"