📞

Cách Thái Lan biến rác thành 'vàng'

18:53 | 30/11/2024
Bộ Thương mại Thái Lan đang triển khai nhiều dự án khác nhau để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cấp tái chế - hay còn gọi là tái sử dụng sáng tạo - nhằm tăng giá trị cho sản phẩm, dịch vụ và thúc đẩy tính bền vững.
Thái Lan thúc đẩy nâng cấp tái chế. (Nguồn: Bloomberg)

Ông Poonpong Naiyanapakorn, Giám đốc Văn phòng chính sách và chiến lược thương mại (TPSO) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, các dự án này bao gồm phát triển kiến thức, hỗ trợ những doanh nghiệp và cải tiến sản phẩm của Thái Lan thông qua đổi mới và công nghệ để phù hợp với xu hướng toàn cầu, đồng thời giúp các doanh nghiệp duy trì khả năng cạnh tranh và tính bền vững.

Năm 2023, Thái Lan đã sản sinh 26,95 triệu tấn rác thải, trung bình khoảng 73.840 tấn mỗi ngày. Điều này dẫn đến các vấn đề về môi trường và sức khỏe, cũng như gánh nặng tài chính cho đất nước.

Ông Poonpong nhấn mạnh: "Nâng cấp tái chế là yếu tố quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên. Khi chi phí quản lý rác thải tăng lên, nâng cấp tái chế sẽ đưa ra giải pháp bằng cách tăng giá trị cho rác thải.

Việc nâng cấp tái chế giúp biến đổi vật liệu thải bỏ thành các sản phẩm thân thiện với môi trường, cải thiện chất lượng, giá trị và chức năng của chúng".

Thị trường đang tăng trưởng với tốc độ trung bình 5,6% mỗi năm và thị trường nguyên liệu thô tái chế dự kiến sẽ có giá trị hơn 512 triệu USD vào năm 2032, tăng 6,4% mỗi năm.

Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi các công nghệ và cải tiến mới, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, giúp tái chế hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí hơn. Chúng đang giúp cải thiện quy trình tái chế và giảm chi phí sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

Tại Thái Lan, các sản phẩm nâng cấp tái chế đang trở nên phổ biến và được công nhận hơn, ví dụ như một thương hiệu đang sản xuất quần áo và phụ kiện từ nắp chai nhựa, đồ chơi được làm từ cây cao su bỏ đi, phế liệu gỗ, mùn cưa và các vật liệu tự nhiên khác có sẵn tại địa phương.

Nâng cấp tái chế khác với tái chế và tái sử dụng ở cách tiếp cận. Nâng cấp tái chế biến đổi các vật liệu cũ thành những sản phẩm mới có giá trị cao hơn.

Còn tái chế phân hủy các vật liệu để tạo ra những mặt hàng mới, trong khi tái sử dụng chỉ đơn giản là sử dụng lại các mặt hàng cho mục đích ban đầu của chúng.

Theo nghiên cứu tổng thể “Grand View Research”, thị trường nâng cấp tái chế toàn cầu dự kiến sẽ đạt 9,7 tỷ USD vào năm tới, vì ngày càng có nhiều người nhận thức được những vấn đề về môi trường, làm tăng nhu cầu về các sản phẩm thân thiện với môi trường, bao gồm cả những sản phẩm đã được nâng cấp tái chế.

(theo TTXVN)