📞

Cải cách thể chế sẽ giúp GDP tăng 10%

17:33 | 22/05/2018
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, về tổng thể, những đòi hỏi về sửa đổi và cải cách thể chế từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hầu như không đổi so với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ngày 22/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "CPTPP: Các cam kết cơ bản - Những lưu ý cho doanh nghiệp". Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương và Đoàn đàm phán của Chính phủ về CPTPP phối hợp tổ chức, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hiểu được các nội dung cam kết cốt lõi của CPTPP và những tác động của Hiệp định này, đặt trong so sánh với TPP.

Bàn cờ lợi ích có thể chuyển hướng

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế Trần Quốc Khánh cho rằng, nhiều người tưởng lầm rằng, CPTPP có mức độ tham vọng, tiêu chuẩn thấp hơn rất nhiều so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây, do các nước thành viên có thống nhất tạm hoãn thực thi một số nghĩa vụ quan trọng.

Tuy nhiên, ông Khánh khẳng định, toàn bộ các cam kết về mở cửa thị trường của Hiệp định TPP, cũng như tuyệt đại đa số các nội dung quan trọng khác, bao gồm các lĩnh vực truyền thống, phi truyền thống vẫn được giữ nguyên trong CPTPP.

“CPTPP vẫn là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao. Hiệp định này không chỉ tạo ra một nền tảng quan trọng cho hoạt động giao thương và đầu tư trong khu vực, mà còn là một sự khích lệ rất lớn đối với tiến trình tự do hóa thương mại đang gặp nhiều trắc trở hiện nay”, ông Khánh nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội thảo "CPTPP: Các cam kết cơ bản - Những lưu ý cho doanh nghiệp"  ngày 22/5 tại Hà Nội. (Ảnh: P.M)

Ông Khánh cho biết, nhiều khả năng Hiệp định CPTPP sẽ được ít nhất là 6 nước thành viên phê chuẩn vào cuối năm 2018, để sớm có hiệu lực vào đầu năm 2019 là rất cao. Vì vậy, cơ hội và thách thức của Hiệp định CPTTP đang gần hơn bao giờ hết.

Đánh giá về yếu tố lợi ích, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, với một CPTPP không có Mỹ như TPP, bàn cờ lợi ích có thể chuyển hướng. “Không có Mỹ, nhiều vấn đề đã thay đổi so với TPP mà chúng ta đã đàm phán trước đây. Sự thay đổi này tất nhiên không chỉ ở những điều kiện quy định có hiệu lực của Hiệp định hay ở một nhóm 20 các cam kết tạm hoãn thực thi”, ông Lộc cho hay.

Lợi ích xuất khẩu lớn mà Việt Nam kỳ vọng từ thị trường Mỹ đã không còn, cơ hội lại chuyển hướng sang các thị trường khác mà Việt Nam chưa hẳn đã quen thuộc nhưng rất có thể nhiều tiềm năng.

Cũng theo ông Lộc, cùng với cơ hội là những thách thức cạnh tranh mới, bởi xuất khẩu Việt Nam chuyển hướng, xuất khẩu của các nước khác trong CPTPP cũng như vậy. Tiếp sau sự thay đổi về thị trường mục tiêu, những tác động của Hiệp định đối với từng nhóm doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau cũng thay đổi.

Trong TPP, Việt Nam nói nhiều tới cơ hội xuất khẩu của ngành dệt may, giày dép, nông sản…nhắm vào thị trường Mỹ. Còn trong CPTPP, những cái tên tiềm năng khác lại được nêu hàng đầu, như thực phẩm, đồ uống, thuốc lá…Trong các lĩnh vực khác như dịch vụ, đầu tư, mua sắm công… mặc dù thay đổi có thể không lớn nhưng cũng đáng kể.

Cần sự "cộng hưởng" trong cải cách thể chế

Ở góc độ thể chế, Chủ tịch VCCI cho rằng, việc CPTPP tạm hoãn một số nghĩa vụ phức tạp trong TPP, đặc biệt trong một số khía cạnh về sở hữu trí tuệ, tranh chấp Nhà nước - nhà đầu tư nước ngoài... chắc chắn sẽ giúp Việt Nam và các nước có thêm thời gian điều chỉnh và thích ứng ở các lĩnh vực liên quan. Tuy vậy, trong tổng thể, những đòi hỏi về cải cách thể chế từ CPTPP hầu như không bị ảnh hưởng. Áp lực cho việc sửa đổi, cải cách thể chế kinh tế đối với Việt Nam cũng không đổi.

“Không phải không có ý kiến quan ngại về việc các lợi ích xuất khẩu giảm sút có thể làm giảm sút động lực để cải cách và thay đổi. Tin mừng là động lực của cải cách từ CPTPP có thể từ chính các lợi ích mà cải cách thể chế mang lại, nhóm được đánh giá được hưởng lợi nhiều nhất liên quan đến thuế quan”, ông Lộc nói.

Ông Vũ Tiến Lộc dẫn một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy, đối với trường hợp của Việt Nam, những lợi ích từ thuế quan trong CPTPP chỉ giúp GDP tăng 1,1%, chưa bằng 1/6 lợi ích mà TPP hứa hẹn; nhưng lợi ích từ cải cách thể chế (mà chỉ xét về các hàng rào phi thuế) mà CPTPP mang lại cho GDP Việt Nam gần như bằng với TPP, giúp GDP tăng khoảng 10%.

Các diễn trả trao đổi tại Hội thảo (Ảnh: P.M)

“Vấn đề đặt ra với tất cả chúng ta là làm sao cải cách thể chế kinh tế theo yêu cầu của CPTPP cộng hưởng với những cải cách môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang thúc đẩy. Làm sao để cả các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cùng vào cuộc, để cả hệ thống cải cách một cách thực chất, toàn diện và hiệu quả. CPTPP là cơ hội, cũng là sức ép, là tiêu chuẩn để chúng ta cải cách vì lợi ích và nhu cầu của chính mình”, ông Lộc phân tích.

Theo ông Lộc, trong một chừng mực nhất định, thách thức này cũng đặt ra đối với các cơ quan Nhà nước liên quan, phải có quyết tâm tổ chức thực thi thuận lợi và thông suốt, để doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa các cơ hội thị trường; và phải minh bạch, tham vấn cùng doanh nghiệp trong quá trình rà soát pháp luật, nội luật hóa và thực thi các cam kết CPTPP một cách thích hợp.

Với các doanh nghiệp cũng cần chủ động tiếp cận các thông tin về hội nhập, chủ động sát cánh cùng Chính phủ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo những yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do. "Chủ động thay đổi mô hình kinh doanh, xây dựng chiến lược, chương trình hành động của doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu, bối cảnh của hội nhập là rất quan trọng." Chủ tịch VCCI nhận định.

Việt Nam đang “đẹp” hơn trong mắt nhà đầu tư

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, những cam kết về mở cửa thị trường trong CPTPP sẽ mở ra cánh cửa để Việt Nam thu hút đầu tư. Chính CPTPP hay các hiệp định thương mại tự do đang giúp Việt Nam “đẹp” hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, khiến họ tin tưởng và đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn.  Ngoài ra những tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường… đặt ra trong CPTPP sẽ là những “bộ lọc” để Việt Nam có được những nhà đầu tư trách nhiệm và chất lượng.

“Việc tham gia CPTPP nhìn chung sẽ tạo ra bầu không khí hứng khởi. Hãy gắn CPTPP trong một cuộc chơi chung, gắn hội nhập với cải cách thể chế, với những xu hướng mới, những trò chơi mới”, ông Thành đề xuất.  

CPTPP được nhận định sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều đầu tư nước ngoài. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho hay, trong CPTPP có một số tiêu chuẩn về ứng xử đối với nhà đầu tư nước ngoài, cho phép nhà đầu tư có thể kiện Chính phủ sở tại. Điều này sẽ tạo ra sức ép để Chính phủ phải nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, làm đúng và thực hiện tốt các cam kết.

“Chúng ta nói quá nhiều đến việc CPTPP sẽ tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn, nhưng cần nhớ bản chất của cam kết CPTPP là bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài. Nếu không cẩn thận chúng ta sẽ rơi vào tình huống quá ưu đãi đầu tư nước ngoài, nhưng lại bỏ rơi doanh nghiệp trong nước. Lúc này vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp là phải cùng Chính phủ điều tiết, để đảm bảo một môi trường đầu tư công bằng cho doanh nghiệp”, bà Trang lưu ý.