Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5. (Ảnh: Gia Thành) |
Họp báo diễn ra sau phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực
Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực tháng 5 đạt kết quả cao hơn tháng 4 và tính chung 5 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.
Cụ thể, kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, tháng 5 tăng 3,9% so với tháng 4 và tăng 8,9% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng tăng 6,8%. Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 9,5%; 5 tháng tăng 8,7%.
Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 4,03%. Tỷ giá, lãi suất có xu hướng ổn định. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm.
Xuất khẩu tiếp tục xu hướng tăng mạnh. Thu ngân sách nhà nước tăng mạnh. Lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh, vượt cùng kỳ trước đại dịch. Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 11 tỷ USD, tăng 2%.
Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực; trong 5 tháng có 98,8 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,1% so với cùng kỳ, cao hơn số DN rút lui khỏi thị trường (97.300 DN).
"Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 và phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân.
Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên. Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được là cơ bản, theo ông Sơn, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Đơn cử như: Sức ép chỉ đạo điều hành còn cao, nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tỷ giá và nâng cao hiệu quả quản lý thị trường vàng. Tình hình sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn; nông nghiệp gặp thời tiết bất lợi; sản xuất công nghiệp, một số ngành dịch vụ, sức mua phục hồi nhưng còn chậm.
Song song với đó, việc tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn (đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,41%); nợ xấu có xu hướng tăng; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn cao. Thị trường bất động sản bước đầu ổn định nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết; việc triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội chưa được cải thiện; còn 29,1 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ.
Đồng thời, đời sống một bộ phận người dân khó khăn; thiên tai, dịch bệnh, nắng nóng, hạn hán, sụt lở nghiêm trọng ở một số nơi; tình hình tội phạm, tội phạm mạng, an ninh an toàn thông tin còn diễn biến phức tạp…
Bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân
Trên cở sở xác định các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phân tích tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm định hướng chỉ đạo, điều hành và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, trong đó tập trung:
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Tạo thuận lợi cho doanh nghiệo và người dân tiếp cận vốn tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh... Triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng.
Song song với đó, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Sớm có phương án huy động thêm 100 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ cho các công trình hạ tầng giao thông. Tập trung xử lý khó khăn, vướng mắc trong huy động, sử dụng vốn ODA. Tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra; có giải pháp ổn định thị trường, giá cả.
Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, trong đó có 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2.
Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân. Chuẩn bị cải cách tiền lương theo các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội theo nguyên tắc bảo đảm công bằng, bình đẳng, hài hoà, ổn định và có lộ trình phù hợp; đề xuất phương án phù hợp nhất thực hiện từ ngày 1/7.
Tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm; phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao; nhanh chóng cụ thể hóa, khai thác có hiệu quả các điều ước, thỏa thuận quốc tế.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội; đặc biệt quan tâm đến truyền thông chính sách và những vấn đề quan trọng, được dư luận xã hội quan tâm; đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước, xử lý nghiêm các sai phạm.