📞

Cải thiện bình đẳng giới trên môi trường mạng

15:53 | 19/10/2018
Theo Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg: "Khi phụ nữ không được ghi nhận xứng đáng, chúng ta mất đi tiềm năng của một nửa dân số. Đó không chỉ là lãng phí nguồn lực mà còn là sự lựa chọn tồi".

Ngày 19/10 tại Hà Nội, nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội, UNDP, UN Women, CSAGA, WeNet, Wikipedia phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam và NetNam khởi động Chiến dịch WikiGap và Hội thảo viết bài với mục đích tăng cường tính đại diện của phụ nữ trên Wikipedia. Sự kiện này nhằm tăng tính đại diện của phụ nữ trên Wikipedia và tăng cường bình đẳng giới trong môi trường mạng và xã hội.

WikiGap và sứ mệnh tăng cường bình đẳng giới

WikiGap là chiến dịch toàn cầu do Bộ Ngoại giao Thụy Điển và Wikipedia khởi xướng. Các sự kiện tương tự được tổ chức tại hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới để cải thiện tính đại diện của phụ nữ trên Internet, góp phần tăng cường bình đẳng giới trong xã hội.

WikiGap nhằm cung cấp nền tảng cho những người tình nguyện tham gia và tất cả những ai muốn đóng góp cải thiện bình đẳng giới trên môi trường mạng và cải thiện tính đại diện của phụ nữ trên Wikipedia. Những người tham gia viết sẽ tạo thêm nội dung trên Wikipedia bằng các bài viết và bổ sung thêm thông tin về tiểu sử phụ nữ, chuyên gia và những phụ nữ là hình mẫu trong các lĩnh vực khác nhau.

Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: T.P)

Tại sự kiện khởi động tại Việt Nam, Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg cho biết, Wikipedia là bách khoa toàn thư trực tuyến và lớn nhất thế giới do chính người sử dụng tạo ra. Nội dung của Wikipedia chi phối và thể hiện kiến thức của người sử dụng đối với thế giới xung quanh.

Thế nhưng, hiện có sự mất cân đối nam nữ lớn trên trang web này như 90% các tác giả đang viết bài, cập nhật nội dung trên Wikipedia là nam giới, các bài viết về nam giới nhiều gấp 4 lần các bài viết về nữ giới. Các con số này có thể khác nhau tùy theo khu vực địa lý, nhưng bức tranh chung là thông tin về phụ nữ ít hơn nhiều so với nam giới. Trong bản tiếng Việt của Wikipedia, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa với dưới 18% tổng số tiểu sử là về phụ nữ.

"Khi phụ nữ không được ghi nhận xứng đáng, chúng ta mất đi tiềm năng của một nửa dân số. Đó không chỉ là lãng phí nguồn lực mà còn là sự lựa chọn tồi. Bởi vậy, điều này nhất định phải thay đổi”, Đại sứ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Pereric Hogberg, việc nâng cao tính đại diện của phụ nữ sẽ giúp chúng ta tiếp cận với những thông tin có thể học tập, tiến bộ và phát triển. Ông đưa ra một ví dụ điển hình của bất bình đẳng giới trên internet là khi Hội đồng Giải Nobel năm nay công bố Donna Strickland là người được giải Vật lý nhưng lại không có tiểu sử của bà trên Wikipedia. Bài viết về bà bị từ chối do thiếu thông tin tham khảo - điều kiện cần của một bài trên Wikipedia.

Giám đốc Quốc gia của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cũng cho rằng, khi nhắc đến nghèo đói, mọi người thường nghĩ đến thu nhập, tiếp cận nước sạch, giáo dục và y tế. Nhưng theo bà Wiesen, trong thời kỳ chuyển đổi Cách mạng công nghiệp 4.0, phụ nữ dễ bị bỏ lại phía sau trong quá trình phân hóa số. Hướng tới một tương lai bình đẳng, cần tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái hiểu biết về công nghệ số để có thể tận dụng được nó một cách đầy đủ và bình đẳng.

Câu chuyện ở Việt Nam

Nói về WikiGap, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang - Trưởng Khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đánh giá, đây là hoạt động truyền thông rất có ý nghĩa trong bối cảnh vẫn còn tồn tại hiện tượng bất bình đẳng giới hiện nay.

“Việc nâng cao nhuận thức và kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới cho các nhà báo tương lai là việc làm quan trọng. Bên cạnh việc khuyến khích sinh viên tham gia chiến dịch này với tư cách người dịch, người viết bài cho Wikigap, chúng tôi thấy việc lồng ghép các nội dung liên quan đến giới và bình đẳng giới trong các môn học trên lớp và hoạt động thực tế nghiệp vụ của sinh viên là rất cần thiết”, PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang khẳng định.

Sự kiện cũng nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các nữ sinh viên. (Ảnh: T.P)

Bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cũng cho rằng, những thông tin về những người phụ nữ Việt Nam giỏi giang, mạnh mẽ, sẽ giúp chính chúng ta hiểu mình hơn, giúp bạn bè thế giới hiểu rõ hơn về phụ nữ và câu chuyện bình đẳng giới tại Việt Nam hơn. Bà Nguyễn Vân Anh tin người trẻ Việt Nam sẽ góp phần làm nên sự thay đổi này và WikiGap là một cơ hội để góp phần cho những tiến bộ về giới tại Việt Nam.

Còn theo bà Trần Lệ Thùy - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (IMD), Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ về bình đẳng giới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản nằm trong tiềm thức, trong quan niệm, trong văn hóa ứng xử khiến nhiều phụ nữ còn chưa phát triển được hết khả năng và được làm những gì họ yêu thích. Những rào cản này cũng nằm ngay trong ngành báo chí truyền thông - vốn là ngành có đóng góp lớn trong việc giới thiệu phụ nữ với công chúng và thu hẹp khoảng cách giới.

Về chiến dịch WikiGap tại Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, Hiệp hội rất ủng hộ các hoạt động nâng cao hiệu quả của việc sử dụng mạng internet, đặc biệt là thúc đẩy bình đẳng giới.

“Các hoạt động như sáng kiến WikiGap sẽ giúp bức tranh internet Việt Nam thêm màu sắc, thúc đẩy tính cộng đồng và văn hóa chia sẻ. Hiệp hội hi vọng sáng kiến như WikiGap ngày càng được tổ chức nhiều hơn và được tổ chức thường niên để internet đóng góp thêm vào thúc đẩy tiến bộ xã hội ở Việt Nam”, ông Vũ Thế Bình nói.