Thị trường lao động Việt Nam đã có những bước tiến dài đáng kể trên con đường phát triển, đổi mới và hội nhập. (Nguồn: BQN) |
Cần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực
Tại Hội nghị quốc gia về “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới, thị trường lao động Việt Nam đã có những bước tiến dài đáng kể trên con đường phát triển, đổi mới và hội nhập.
Cụ thể, hệ thống pháp luật được hoàn thiện tương đối đồng bộ và toàn diện; nguồn cung lao động cho thị trường lao động không ngừng gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng; cầu lao động tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng theo hướng hiện đại và bền vững.
Đặc biệt, nhiều chính sách tạo việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động đã được triển khai nhất quán, liên tục, nhất là các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động sau đại dịch Covid-19.
Chính phủ đã tập trung tháo gỡ những "nút thắt" về thể chế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư để tạo việc làm; xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động, phân tích dự báo thị trường lao động; triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động…
Ngoài ra, hệ thống an sinh xã hội được xây dựng tương đối hoàn thiện và vận hành hiệu quả với vai trò giá đỡ cho thị trường lao động.
Tính đến tháng 7/2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 17,15 triệu người, chiếm 34,65% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13,94 triệu người, chiếm 28,17% lực lượng lao động trong độ tuổi. Nhìn chung, các chính sách đã được ban hành kịp thời, đồng bộ tạo hành lang pháp lý để tổ chức, vận hành và phát triển thị trường lao động góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng thế giới (WB), kỹ năng của lực lượng lao động tại Việt Nam còn tương đối thấp. Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực Cạnh tranh toàn cầu năm 2019 (GCI 4.0, Diễn đàn Kinh tế thế giới) cho thấy, Việt Nam xếp hạng 103/141 quốc gia về kỹ năng của lực lượng lao động hiện tại và cụ thể hơn là thứ 116 về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp.
Trong khi đó, Singapore đứng thứ 2, Nhật Bản đứng thứ 5 và Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ 7. Đây là những quốc gia có thứ hạng tốt nhất từ khu vực Đông Á về GCI.
Theo kết quả điều tra lao động việc làm Việt Nam năm 2020, chỉ 1 trong số 4 người lao động hoàn thành chương trình giáo dục nghề nghiệp hoặc giáo dục đại học.
Nguyên nhân của thực trạng này là do khả năng tiếp cận giáo dục sau phổ thông thấp. Ví dụ, tỷ lệ nhập học sau phổ thông của Việt Nam chỉ đạt 28,6% trong năm 2019, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ nhập học trung bình là 55,1% ở các nước có thu nhập trung bình cao.
Nhìn vào trình độ kỹ năng, chỉ có 11% lực lượng lao động ở Việt Nam có bằng cấp sau phổ thông. Bên cạnh đó, lực lượng lao động nói chung chỉ có số năm đi học trung bình 8 năm trong khi sẽ tiếp tục làm việc trong nhiều năm.
Nếu trình độ học vấn tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại, tỷ trọng lao động có bằng cấp sau phổ thông sẽ chỉ tăng tối đa lên tới 15% vào năm 2050.
Hơn nữa, việc làm và nhu cầu về kỹ năng cũng đang thay đổi nhanh chóng. Điều tra Lao động Việc làm Việt Nam năm 2020 cho thấy, các công việc đòi hỏi kỹ năng giản đơn/thủ công (thâm dụng lao động) đang giảm dần.
Tương tự, 8/10 nghề phát triển nhanh nhất đòi hỏi cả kiến thức chuyên môn nghề nghiệp ở cấp độ cao hơn và phạm vi kỹ năng rộng hơn. Lực lượng lao động cần được trang bị nhiều kỹ năng hơn để tiến lên các giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, ứng dụng các công nghệ Cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới sáng tạo và mở rộng nền kinh tế dịch vụ giá trị cao.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nhận định, yếu tố quan trọng nhất để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao là chất lượng nguồn nhân lực. Mối liên hệ giữa giáo dục đại học và trình độ phát triển kinh tế xã hội là một thực tế đã được công nhận.
Việt Nam cũng đã đạt được những kết quả đặc biệt tốt về tiếp cận và chất lượng giáo dục phổ thông. Số năm đi học trung bình được hiệu chỉnh của Việt Nam là 10,2 năm, chỉ đứng sau Singapore trong khu vực ASEAN. Tuy vậy, hệ thống giáo dục sau phổ thông của Việt Nam chưa sẵn sàng để tận dụng tiềm năng to lớn này của nhóm học sinh tốt nghiệp giáo dục phổ thông.
Một công ty trong khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. (Nguồn: Thanh niên) |
5 giải pháp giải quyết thách thức
Theo bà Carolyn Turk, để phát huy tốt vai trò của việc làm, đổi mới kỹ năng và giáo dục sau phổ thông trong việc đóng góp vào tăng trưởng bền vững và tăng năng suất lao động, Việt Nam cần chú trọng 5 giải pháp.
Thứ nhất, cần cải thiện giáo dục và đào tạo, để thanh niên ngày nay hoàn thành chương trình/bằng cấp giáo dục sau phổ thông đáp ứng nhu cầu kỹ năng của các nhà tuyển dụng.
Thứ hai, cần nâng cao kỹ năng và đào tạo lại kỹ năng cho lực lượng lao động hiện tại, để họ có thể đóng góp một cách hiệu quả trong suốt thời gian làm việc.
Thứ ba, đào tạo sinh viên và người lao động bốn bộ kỹ năng mới để giúp tăng năng suất và năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam.
Thứ tư, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển kỹ năng. Tăng cường liên kết ngành và nghiệp là một cách hiệu quả để cải thiện mức độ phù hợp của các chương trình giáo dục sau phổ thông và đáp ứng nhu cầu kỹ năng.
Trong quá trình này, bà Carolyn Turk nhận thấy, Việt Nam cần xác định những khó khăn cụ thể mà doanh nghiệp gặp phải; xác định giải pháp tháo gỡ một số vướng mắc, hạn chế từ phía khu vực công và tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong việc phát triển kỹ năng.
Thứ năm, đầu tư vào hệ thống thông tin thị trường lao động tích hợp. Tạo điều kiện cho người lao động, sinh viên, cơ sở đào tạo và cố vấn nghề nghiệp đưa ra quyết định sáng suốt về lộ trình nghề nghiệp và chuyển đổi công việc.
Giám đốc quốc gia WB nhấn mạnh: "Điều này đòi hỏi một cơ sở dữ liệu tích hợp được quản lý tập trung, cập nhật thường xuyên và dễ dàng truy cập. Nền tảng trực tuyến với thông tin về xu hướng thị trường lao động, các ngành nghề có nhu cầu nhân lực, bộ kỹ năng và yêu cầu đào tạo cho những ngành nghề đó cũng như hỗ trợ hướng nghiệp sẽ là phương tiện phổ biến hữu ích cho sinh viên và người tìm việc".
| Doanh nghiệp Singapore 'để mắt' tới đầu tư xanh tại Việt Nam Bên cạnh logistics và kinh tế số, kinh tế xanh là một trong 3 lĩnh vực đang hấp dẫn nhà đầu tư Singapore đầu tư ... |
| Mặc bất ổn toàn cầu, FDI vẫn nườm nượp vào ASEAN, quốc gia nào đang tỏa sáng? Mặc những bất ổn địa chính trị toàn cầu và tình hình đại dịch Covid-19, dòng vốn đầu trực tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ... |
| TS. Nguyễn Quốc Việt: Hậu Covid-19, cần rốt ráo phát triển kinh tế xanh Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh, không thâm dụng tài nguyên và lao động. Giờ ... |
| WB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,5% năm 2022 Chiều 8/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức họp báo công bố báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam với ... |
| Hợp tác kinh tế Việt Nam-ASEAN: Sôi động và ‘gặt hái’ nhiều kết quả thiết thực Không chỉ tham gia sâu rộng và toàn diện vào hợp tác nội khối, ASEAN là “hạt nhân” giúp Việt Nam thúc đẩy quan hệ ... |