Ấn Độ có thể mua dầu Nga giá rẻ, sau đó họ có thể lọc dầu và bán các sản phẩm đã lọc cho thị trường châu Âu. (Nguồn: Reuters) |
Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng ở châu Âu có thể đã nhận được khối lượng xăng, dầu diesel, dầu hỏa và các sản phẩm dầu khác có nguồn gốc từ Nga qua Ấn Độ vào năm ngoái - bất chấp "cơn mưa" trừng phạt được Mỹ và EU áp dụng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
EU có thể mua dầu Nga bằng cách nào?
Để đối phó với lệnh trừng phạt, thời gian qua, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu dầu sang các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ. Phía New Delhi cũng sẵn sàng mua dầu của Nga, duy trì mối quan hệ với Moscow.
Ông Nikolay Tokarev, Giám đốc điều hành của công ty vận tải đường ống thuộc sở hữu nhà nước Nga Transneft thông tin Nga đã tăng mạnh xuất khẩu dầu sang Trung Quốc và Ấn Độ trong năm ngoái.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, Nga vẫn là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Trung Quốc trong tháng 11, khi Bắc Kinh nhập khẩu khoảng 2,2 triệu thùng dầu/ngày. Nhập khẩu dầu của Nga từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay đã tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Tokarev nhấn mạnh: "Khối lượng dầu xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng lên đáng kể, cao gấp nhiều lần. Tôi có thể nói rằng khoảng 70 triệu tấn dầu đã được cung cấp cho Ấn Độ trong năm nay, trong khi khoảng 100 triệu tấn dầu đã đến Trung Quốc".
Ấn Độ - quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba châu Á và là nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới - cũng đã trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn của Nga. Theo dữ liệu thị trường của Kpler, New Delhi nhập khẩu trung bình 1,75 triệu thùng dầu/ngày từ Moscow, với mức tăng 140% so với năm 2022.
Trong khi đó, khối lượng dầu và các sản phẩm từ dầu mà EU mua của Ấn Độ đã tăng 115%, từ 111.000 thùng/ngày vào năm 2022 lên 231.800 thùng mỗi ngày vào năm 2023. Đây là con số cao nhất trong 7 năm qua được Kpler phân tích và rất có thể là cao nhất từ trước đến nay.
Matt Smith, nhà phân tích chính của Kpler nhận định: "Hoạt động thương mại dầu mỏ giữa EU và Ấn Độ đã hoạt động 'tấp nập'. Ấn Độ có thể mua dầu Nga giá rẻ, sau đó họ có thể lọc dầu và bán các sản phẩm đã lọc cho thị trường châu Âu".
Trừng phạt lỏng lẻo
Doanh thu từ dầu mỏ là trụ cột của nền kinh tế Nga. Để ngăn chặn nguồn thu này, các nước châu Âu, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Australia đã thực thi các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với dầu Nga, bao gồm cấm xuất khẩu các sản phẩm dầu qua đường biển và thực thi mức trần giá 60 USD/thùng.
Việc các thùng dầu có nguồn gốc từ Nga vẫn đang được đưa vào châu Âu thông qua thị trường thứ ba cho thấy tính lỏng lẻo của các biện pháp trừng phạt.
Các công ty theo dõi thương mại dầu mỏ cho biết, không thể phân biệt sản phẩm dầu nào có nguồn gốc từ Nga khi chúng đã được tinh chế ở một quốc gia khác. Nhưng việc theo dõi việc nhập khẩu dầu thô và điểm đến xuất khẩu của các sản phẩm đã lọc từ các cơ sở cụ thể có thể là một ý tưởng hợp lý để ngăn chặn tình trạng này.
Kpler đưa ra ví dụ rằng, một Nhà máy lọc dầu Jamnagar ở Vịnh Kutch phía Tây Ấn Độ là điểm đến hàng đầu của dầu thô Nga tới đất nước này. Nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của Reliance Industries, chiếm 34% lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga, nhận 400.000 thùng dầu Nga/ngày và nhận 770.000 thùng dầu/ngày từ những nơi khác.
Ấn Độ - quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba châu Á và là nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới - cũng đã trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn của Nga. (Nguồn: Getty) |
Theo số liệu của Kpler, trong tổng số hàng xuất khẩu của Jamnagar, khoảng 30% hướng tới châu Âu.
Ông Smith nhấn mạnh: “Không thể loại trử khả năng dầu thô hoặc các sản phẩm được tạo ra từ nguyên liệu của Nga, sau đó, đưa ra thị trường toàn cầu"
Khoảng 20 trong số 27 nước EU đã nhập khẩu các sản phẩm đã lọc từ Ấn Độ vào năm ngoái, trong đó, Hà Lan chiếm 24% tổng khối lượng. Theo sau là Pháp chiếm 23%, Romania với 12%. Italy và Tây Ban Nha mỗi nước chiếm 11%.
Ấn Độ cũng xuất khẩu các sản phẩm đã lọc như xăng, nhiên liệu máy bay và dầu diesel sang Đức và Bỉ với tỷ trọng 7% mỗi sản phẩm.
Ông Smith nói rằng: "EU đã 'đi trên dây' giữa việc muốn giảm nguồn tài trợ cho Điện Kremlin trong khi vẫn đảm bảo dầu Nga vẫn thâm nhập thị trường toàn cầu để tránh tình trạng giá tăng đột biến. Nếu giá dầu tăng, nền kinh tế các quốc gia phương Tây sẽ bị ảnh hưởng đáng kể".
Nga bội thu?
Theo Hãng tin Bloomberg, thu nhập hàng tháng của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ hiện nay lớn hơn so với trước thời điểm bùng phát xung đột ở Ukraine. Điều này cho thấy, các nước phương Tây đã thất bại trong việc hạn chế nguồn thu từ ngành năng lượng của Moscow.
Hãng tin này nhấn mạnh, thực tế cho thấy, “đòn” trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã thất bại, trong khi đem lại cơ hội tăng lợi nhuận cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm và các công ty vận tải nằm ngoài tầm theo dõi. Cụ thể, nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Moscow gần như tăng gấp đôi trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 10 năm nay.
Theo tính toán của Bloomberg được xây dựng dựa trên dữ liệu của Bộ tài chính Nga, doanh thu ròng từ dầu mỏ của Nga trong tháng 10 là 11,3 tỷ USD, chiếm 31% tổng doanh thu ngân sách ròng của nước này.
Cuối năm 2023, trả lời kênh Rossiya 24, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng tiết lộ, số tiền Moscow thu được từ xuất khẩu dầu và khí đốt là 8,822 nghìn tỷ Ruble (99,4 tỷ USD) trong năm nay, gần bằng mức doanh thu được ghi nhận vào năm 2021. Hơn một nửa tổng doanh thu xuất khẩu của Nga đến từ lĩnh vực năng lượng và việc bán dầu và khí đốt tiếp tục đảm bảo thu nhập ổn định cho ngân sách nước này.
Chỉ tính riêng dầu, trong 9 tháng đầu năm 2023, các chủ sở hữu đội tàu trong nước và các “đội tàu bóng tối” đã cùng nhau vận chuyển hơn 70% mặt hàng này của Nga, cho phép Moscow duy trì quyền kiểm soát xuất khẩu và tăng dần giá.
Dữ liệu hải quan chính thức của Ấn Độ cũng thông tin, giá dầu Nga phải trả trung bình là 72 USD/thùng trong năm nay, cao hơn hơn 12 USD so với mức giá trần của phương Tây.
Ông Eddie Fishman, học giả nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia khẳng định: “Hạm đội bóng tối và các lựa chọn thay thế bảo hiểm hàng hải phương Tây không phải là vấn đề mới. Iran đã sử dụng chúng trong nhiều năm. Và giờ đây, đến lượt Nga - nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới cũng sử dụng tới”.
Năm 2024, phía Nga tự tin rằng, doanh thu dầu khí sẽ phục hồi lên 11,5 nghìn tỷ Ruble. Giới chuyên gia nhận thấy, điều này có thể thực hiện được, nếu phương Tây không mạnh tay hơn trong các lệnh trừng phạt.