“Làm việc từ xa” đã trở thành một “cuộc chiến” giữa người lao động và nhà tuyển dụng. (Nguồn: freepik) |
Cục diện xoay chuyển sau đại dịch
Làm việc từ xa đã và đang trở thành chủ đề khó dung hòa giữa các ông chủ và nhân viên. Các giám đốc điều hành (CEO) của nhiều ngân hàng như Jamie Dimon của JPMorgan Chase đang có ý định biến khái niệm làm việc từ xa thành một "tàn dư" sau đại dịch. Nhân viên tại các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ và các công ty sừng sỏ khác ở Phố Wall nhận ra họ đang phải trở về với thời kỳ trước đại dịch, nghĩa là trở về với thông lệ 5 ngày làm việc mỗi tuần.
Các công ty công nghệ lớn cũng đang áp đặt quy định nghiêm ngặt. Meta và Lyft muốn nhân viên trở lại và yêu cầu họ làm việc tại văn phòng ít nhất 3 ngày mỗi tuần. Với kế hoạch thắt chặt việc điểm danh, đánh giá hiệu suất công việc, các nhân viên công nghệ hiểu rằng thời kỳ làm việc trực tuyến từ nhà đã kết thúc.
Dữ liệu mới nhất từ một cuộc khảo sát toàn cầu của nhóm nghiên cứu WFH Research, hợp tác giữa Đại học Stanford và Viện nghiên cứu Ifo của Đức, kết luận rằng, các lãnh đạo công ty lo rằng làm việc từ xa toàn thời gian sẽ làm giảm năng suất.
Một nghiên cứu về các nhân viên nhập liệu ở Ấn Độ ghi nhận, những người làm việc tại nhà có năng suất thấp hơn đồng nghiệp làm tại văn phòng 18%. Một nghiên cứu khác cho thấy nhân viên của một công ty công nghệ lớn ở châu Á có hiệu quả làm việc thấp hơn 19% khi làm tại nhà so với làm tại văn phòng.
Người lao động “đấu tranh” để làm việc từ xa
Tuy nhiên, những áp lực từ cấp trên không làm giảm mong muốn làm việc từ xa của nhân viên. Theo WFH Research, họ muốn tận hưởng sự thoải mái của làm việc tại nhà nhiều ngày hơn. Trung bình, người lao động trên toàn thế giới mong muốn được ở nhà hai ngày, nhiều hơn một ngày so với hiện tại.
Ở các nước nói tiếng Anh vốn có mức độ làm việc từ xa cao nhất, nhu cầu của người lao động còn nhiều hơn nữa. Xu hướng này đang lan rộng đến những khu vực mà làm việc từ xa chưa quá phổ biến. Người lao động ở Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia mà đa số nhân viên đến văn phòng làm việc, mong muốn được ở nhà một phần tư tuần. Người châu Âu muốn một phần ba và châu Mỹ Latin muốn một nửa tuần.
Dù đại dịch kết thúc nhưng nhu cầu làm việc từ xa vẫn tăng lên. (Nguồn: Getty) |
Nhu cầu làm việc từ xa tăng cao không gây ngạc nhiên. Không phải đối mặt với những bất tiện khi đi làm bằng phương tiện công cộng và chịu cảnh tắc nghẽn giao thông giúp người lao động tiết kiệm thời gian hơn, từ đó cân bằng được công việc và cuộc sống.
Theo một bài báo nghiên cứu của Nicholas Bloom từ Đại học Stanford, người giúp điều hành WFH Research, trung bình, một người lao động có thể tiết kiệm được 72 phút mỗi ngày khi làm việc từ xa, tương đương với hai tuần trong một năm. Dựa trên kết quả khảo sát của Gallup năm ngoái, trung bình trên toàn cầu, người lao động đánh giá giá trị của tất cả những lợi ích này tương đương với tăng 8% lương, và một số người chấp nhận bị giảm lương để giữ lại những đặc quyền đó.
Cho đến gần đây, khi các công ty cố gắng thu hút nhân viên trong đợt tuyển dụng sau đại dịch, nhu cầu của người lao động và kế hoạch của nhà tuyển dụng đã cơ bản có tiếng nói chung. Tuy nhiên, sự "tương đồng" này đang giảm dần.
Đồng thời, đại dịch cũng làm cho các mô hình làm việc từ xa được củng cố vững chắc hơn. Vào thời điểm hiện tại, một phần ba số người lao động mà WFH tiến hành khảo sát lựa chọn làm việc từ xa hoàn toàn hoặc kết hợp với làm việc tại văn phòng. Thực trạng này sẽ không dễ dàng để tháo gỡ.
Không phải ngẫu nhiên mà sự gia tăng làm việc từ xa diễn ra đồng thời với sự suy giảm của một số ngành công nghiệp. Cắt giảm việc làm ở phố Wall và thung lũng Silicon đã trả lại quyền lực cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay cả trong lĩnh vực công nghệ và tài chính, một số nhân viên vẫn giữ vững lập trường của mình. Tháng 5 vừa qua, Amazon cho biết đã có 300 nhân viên tổ chức đình công, phản đối chính sách quay lại làm việc của tập toàn thương mại điện tử này (số lượng người tham gia lên đến gần 2000 theo lời của những người khởi xướng).
Sắp phân thắng bại?
Các công ty đang dần lặng lẽ thích nghi. Ngân hàng HSBC ở Anh đang có kế hoạch di chuyển từ tòa nhà cao 45 tầng của mình tại Canary Wharf đến các văn phòng nhỏ hơn tại trung tâm thành phố London. Hai tập đoàn cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp Deloitte và KPMG muốn giảm diện tích của văn phòng để ưu tiên làm việc từ xa.
Có vẻ khoảng cách giữa hai phe trong cuộc chiến làm việc từ xa đang dần thu hẹp lại. Câu hỏi đặt ra ở đây là giữa lãnh đạo với nhân viên, ai sẽ là người phải "đầu hàng".