Lê ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ngày 18/7. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Kể từ khi Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 được ban hành vào tháng 2/2021, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình và thu được nhiều kết quả cụ thể.
Phối hợp liên ngành
Trong thời gian qua, ngoài nỗ lực ban hành nhiều văn bản chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người, công tác phối hợp liên ngành cũng được duy trì, củng cố dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban chỉ đạo 138/CP).
Đặc biệt, ngày 18/7 vừa qua, hướng tới Ngày thế giới và toàn dân phòng chống mua bán người 30/7, các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định nỗ lực và quyết tâm chung trong công tác phòng, chống mua bán người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn phối hợp triển khai việc tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân.
Việc ban hành Quy chế đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.
Trong thời gian đại dịch Covid-19, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai công tác phòng, chống mua bán người, nhưng Việt Nam đã có nhiều giải pháp để thích ứng với tình hình.
Nghiêm túc thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế
Để ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong di cư quốc tế, đặc biệt là trong các hoạt động di cư trái phép, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện Việt Nam cũng đang xây dựng hồ sơ gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không, bổ sung Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000. Đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ mua bán người thông qua các hoạt động tội phạm đưa người di cư trái phép.
Các khuyến nghị của phía nước ngoài liên quan đến phòng, chống mua bán người cũng được Việt Nam quan tâm, xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo. Nhiều nội dung khuyến nghị đã được đưa vào Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Hiện nay, Bộ Công an đang cùng với các bộ, ngành hoàn thiện biểu mẫu thống kê về công tác phòng, chống mua bán người. Trong quá trình xây dựng biểu mẫu, Bộ Ngoại giao cũng đã chủ động xây dựng các tiêu chí thống kê theo thông lệ quốc tế để các bộ, cơ quan tham khảo, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
Việc hoàn thiện và triển khai đồng bộ, chặt chẽ biểu mẫu thống kê trong thời gian tới sẽ giúp Việt Nam đánh giá một cách đầy đủ hơn về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người, từ đó có các giải pháp chính sách phù hợp.
Ngày 1/8, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai trao bằng khen cho tập thể và cá nhân tham gia điều tra và giải cứu các nạn nhân trong vụ án mua bán 7 thanh niên người dân tộc Jrai sang Campuchia để bóc lột, cưỡng bức lao động xảy ra vào cuối tháng 6/2022. (Nguồn: TTXVN) |
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Về hợp tác quốc tế, Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế, cam kết quốc tế về hợp tác phòng, chống mua bán người.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tăng cường hợp tác với phía nước ngoài trong việc xác minh, xác định bảo vệ nạn nhân bị mua bán.
Bộ Ngoại giao đã kịp thời chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo dõi sát tình hình công dân Việt Nam tại địa bàn, kịp thời phát hiện các xu hướng mua bán người và vấn đề liên quan đến công dân để có biện pháp xử lý nhanh chóng, nhất là trong việc giải cứu, bảo vệ nạn nhân, qua đó hỗ trợ công tác truy tố, xét xử ở trong nước.
Gần đây nhất, vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Quốc phòng giải cứu, nhanh chóng đưa về nước an toàn 7 công dân bị mua bán sang Campuchia, kịp thời phục vụ công tác xử lý đối tượng cũng như góp phần giải quyết triệt để tình trạng này.
Những bước tiến rõ ràng, hiệu quả trong công tác phòng, chống mua bán người đã phần nào phản ánh nỗ lực, quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong vấn đề này.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình trạng mua bán người xuyên biên giới, hành trình đẩy lùi loại tội phạm này chắc chắn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, mỗi cơ quan, bộ ngành và cả xã hội, cộng đồng đều trở thành một "binh chủng", sát cánh "chiến đấu", tin rằng thứ giặc "mua bán người" sẽ bị đẩy lùi, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân Việt Nam.
| Toàn dân quyết tâm ngăn chặn tội phạm mua bán người Mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào Chương trình phòng, ... |
| Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ để đẩy mạnh phòng chống mua bán người Ngày 21/7, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh các biện pháp phòng chống ... |