TS. Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai tại buổi hướng dẫn. (Ảnh: D.L) |
Đó là hướng dẫn của TS. Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai tại buổi hướng dẫn xử trí sơ cứu vết cắt mạch máu tại cộng đồng do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức, chiều 26/9.
Theo TS. Hùng, việc cần kíp nhanh nhất trong công tác sơ cứu vết cắt mạch máu (các ca tai nạn chảy máu) là cầm máu. Bởi lẽ, tốc độ chảy máu của các động mạch rất nhanh, tùy vào từng vị trí bị cắt, riêng với động mạch cảnh 2 bên cổ chỉ cần 1-2 phút là bệnh nhân có thể bị cạn máu hoặc sốc mất máu gây tử vong.
Nếu đưa bệnh nhân đến bệnh viện, dù nhanh cũng phải mất 10 phút, khi đó mọi sự cấp cứu đều đã muộn. “Vì vậy, những người có mặt tại hiện trường tai nạn cần làm mọi cách để cầm máu cho bệnh nhân càng nhanh càng tốt. Không nên đưa yếu tố thời gian là cấp cứu trong vòng bao nhiêu phút” - TS. Hùng khẳng định.
TS. Dương Đức Hùng, người được mệnh danh là có đôi bàn tay vàng phẫu thuật tim Việt Nam với trên 20 năm kinh nghiệm phẫu thuật, người đã triển khai hàng chục nghìn ca cấp cứu mạch máu và phẫu thuật tim, hướng dẫn: Khi gặp phải nạn nhân có tổn thương, vết cắt vào mạch máu, người dân có thể dùng bất cứ mảnh vải nào (có thể dùng áo) để áp vào vết thương, buộc chặt phía trên vết thương và quan sát xem máu có chảy hay không.
“Nếu máu vẫn chảy có nghĩa là sự sơ cứu chưa thành công. Chú ý không buộc phía dưới vết thương vì không cầm được máu”, TS. Hùng nhấn mạnh.
Nên đặt 1 que ở phía đối diện vết thương và băng chặt. (Ảnh: D.L) |
Tại buổi hướng dẫn sơ cứu này, người tham gia cũng được giải thích kỹ về kỹ thuật sơ cứu. Với hai mạch cảnh ở cổ thì việc băng gạc phải rất cẩn thận vì có thể làm bệnh nhân ngạt thở trước khi sốc vì mất máu.
“Người sơ cứu nên đặt 1 que ở phía đối diện vết thương và băng chặt, điều này có thể tạo khe hở để bệnh nhân không ngạt thở. Cũng có thể dùng ngay bàn tay của bệnh nhân đặt trên vết thương và băng”, chuyên gia phẫu thuật hướng dẫn cách băng gạc vết thương mạch máu.
Một nguyên tắc quan trọng là sau khi cầm máu sơ cứu, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu lại đúng cách, không nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế quá xa, gây nguy hiểm tính mạng của họ.
Được biết, trong thời gian tới, Bệnh viện Bạch Mai sẽ phối hợp với đồng nghiệp các chuyên khoa có buổi truyền thông hướng dẫn nguyên tắc sơ cứu ban đầu cho các tai nạn thường gặp như: Ngạt, đuối nước, điện giật, dị vật đường thở...