Toàn cảnh Hội thảo “Kết quả thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội năm 2022 của Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội thành viên”. (Ảnh: Lê Hồng) |
Hội thảo là dịp để Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội thành viên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho rằng, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB&GĐXH) luôn được coi là hoạt động quan trọng của VUSTA và các Hội thành viên. Sau khi có Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/10/2020 của của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW, hoạt động TVPB&GĐXH càng được tăng cường và có nhiều kết quả đáng ghi nhận.
TSKH. Phan Xuân Dũng khẳng định: “Mặc dù vẫn chịu tác động của đại dịch Covid-19 vào những tháng đầu năm, nhưng năm nay, Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam đã chủ trì thực hiện hơn 20 nhiệm vụ TVPB&GĐXH, trong đó những nhiệm vụ rất quan trọng, được thực hiện theo yêu cầu các cơ quan Trung ương”.
Ngoài ra, Liên hiệp Hội đã phối hợp với các Hội thành viên tổ chức nhiều hoạt động TVPB&GĐXH có ý nghĩa, góp phần đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc. (Ảnh: Lê Hồng) |
Theo TSKH. Phan Xuân Dũng, Liên hiệp Hội Việt Nam cũng đã hỗ trợ các Hội thành viên và tổ chức trực thuộc triển khai hơn 40 nhiệm vụ TVPB&GĐXH. Tuy kinh phí hỗ trợ chưa nhiều, nhưng đã giúp các Hội thành viên có thêm điều kiện để triển khai những nhiệm vụ TVPB&GĐXH có ý nghĩa, góp phần hoàn thiện chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương.
Bên cạnh hoạt động các TVPB&GĐXH nêu trên của Liên hiệp Hội Việt Nam, nhiều Hội thành viên của Liên hiệp Hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương triển khai nhiều hoạt động TVPB&GĐXH.
Hoạt động tư vấn, phản biện có nội dung sát thực, kịp thời
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Vi Khải (nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học) cũng đưa ra nhiều kiến nghị và đề xuất.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về phát huy dân chủ ở cơ sở. Hoạt động TVPB&GĐXH có nội dung sát thực, kịp thời thông tin về hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền các cấp. Nhất là xây dựng và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án có tác động, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân...
Thứ hai, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hoá kịp thời, đầy đủ quyền và trách nhiệm tham gia giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.
Ông Nguyễn Vi Khải cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Trách nhiệm trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát. Cơ chế tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Chế tài xử lý tổ chức, cá nhân không hợp tác, gây khó khăn, cản trở hoạt động giám sát, phản biện xã hội hoặc lợi dụng quyền giám sát, phản biện xã hội để gây tổn hại cho tổ chức, cá nhân.
Thứ ba, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội theo hướng: chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng; có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu. Ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.
Thứ tư, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, bản lĩnh, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước. Kịp thời tôn vinh, khen thưởng, nhân rộng mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong công tác này.
Tăng thảo luận, "cọ xát" quan điểm
Ông Đinh Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông Số Việt Nam cũng đưa ra những góp ý để góp phần cải tiến công tác TVPB&GĐXH của VUSTA.
Một là, tăng thảo luận “cọ xát” quan điểm. Tức là thời lượng phần thảo luận, tranh luận nên kéo dài thêm. Ông Hải cho rằng, thời gian dành cho phần thảo luận, tranh luận, cọ xát quan điểm quá ngắn, trong khi đây chính là lúc sôi động nhất, kích thích sự sáng tạo của diễn giả nhất. Cũng là lúc từng diễn giả/tổ chức cần làm rõ, bảo vệ quan điểm, ý kiến của mình trước những quan điểm, ý kiến khác biệt, thậm chí trái chiều.
"Thông qua thảo luận, tranh luận nhiều vấn đề được soi tỏ ở các phương diện, cuộc họp sẽ đóng góp được nhiều ý kiến bổ ích, đề xuất được nhiều giải pháp xác đáng hơn", ông Đinh Văn Hải nói.
Hai là, lập danh mục chi tiết các vấn đề cụ thể cần thảo luận. Chẳng hạn đối với Luật đất đai, cần vạch ra những vấn đề cụ thể và gửi từ trước tới khách mời tham dự hội thảo để tiện cho việc chuẩn bị ý kiến, nêu ý kiến, đối thoại, thảo luận nếu cần.
Ba là, ứng dụng CNTT/chuyển đổi số để chia sẻ quan điểm của diễn giả từ sớm. Để việc thảo luận đạt kết quả cao, mỗi cá nhân tham dự họp trực tiếp (hoặc trực tuyến) cần nắm được ý kiến, quan điểm mà những diễn giả khác sẽ nêu lên tại cuộc họp. Để việc này thuận tiện, nên có một cloud server để lưu trữ và mở quyền tiếp cận cho những diễn giả/tổ chức có tham dự cuộc họp và có đóng góp, trao đổi ý kiến.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, việc này có một thách thức là “bản quyền ý kiến” của những cá nhân diễn giả/tổ chức liên quan. Do đó, cần làm sao để đảm bảo ý kiến của ai thì người đó sẽ được ghi nhận. Tránh việc sao chép ý kiến của người khác mà không công bố hay không thừa nhận việc sao chép.
Bốn là, tăng nguồn kinh phí cho công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Có chế độ kinh phí phù hợp để động viên khuyến khích cá nhân/tổ chức thuộc VUSTA dành nhiều thời gian tâm sức cho công tác nghiên cứu, tư vấn, phản biện, giám định xã hội.
“Xây dựng pháp luật là việc rất khó. Một bộ luật hay một văn bản quy phạm pháp luật hữu hiệu sẽ giúp ngành nghề, lĩnh vực liên quan tiến lên rất nhanh, đem lại nguồn lợi ích lớn cho xã hội, đất nước. Vậy thì Nhà nước cần dành nguồn lực xứng đáng cho việc vận động các Hội và Liên hiệp hội tham gia. Trên bình diện đất nước, kinh phí cho hoạt động này chính là một dạng chi đầu tư cho phát triển bền vững”, ông Hải nhấn mạnh.
Cuối cùng, theo ông Hải, cần có hình thức sáng tạo để ghi nhận đóng góp của cá nhân/tổ chức tham gia. Việc ghi nhận lâu nay thực hiện còn chung chung, chiếu lệ. Đến khi văn bản luật ra đời rồi thì người đọc luật, chấp hành luật, thi hành luật chỉ còn biết đó là Luật do Quốc hội ban hành hay Nghị định do chính phủ, Thông tư do Bộ ban hành. Còn những tác giả chính và những cá nhân tổ chức có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực được tiếp thu đưa vào văn bản luật thì hầu như không ai biết đến.
Ông Hải nêu quan điểm: "Kích thích hành vi của một con người, hay một tổ chức, cũng chính là kích thích việc thực hiện giá trị xã hội của con người ấy, tổ chức ấy. Từ cách nhìn này, chúng ta thấy cần có hình thức ghi nhận, biểu dương kịp thời, xứng đáng đối với những sáng kiến, góp ý, đề xuất hữu hiệu trong tư vấn, phản biện, giám định xã hội".