Là một người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, PGS. Văn Như Cương cho rằng, chúng ta đang đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục. Do đó, giáo trình hay cơ cấu tổ chức sẽ có rất nhiều thay đổi. Với chương trình mới, học sinh phải học theo tinh thần chủ động, sáng tạo, có tư duy phản biện hơn.
PGS. Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). |
Nhân tố gia đình
“Tôi khuyên các em học sinh cũng như các bậc phụ huynh nên bình tĩnh chờ đón sự thay đổi đó, đồng thời, sáng suốt góp ý với Bộ GD&ĐT để sự nghiệp giáo dục càng ngày càng tốt hơn”, PGS. Văn Như Cương nhắn nhủ.
Ông cũng nhận định, từ trước đến nay hai vấn đề dạy chữ và dạy người trong trường học chưa cân bằng. Học sinh học ngày học đêm, hết ở trường lại ở nhà, rồi học thêm, các em chỉ học chữ chứ chưa được chú ý đến đào tạo nhân cách, phẩm chất. Do đó, tình trạng học sinh đánh hội đồng, bạo lực học đường, nói bậy ngày càng gia tăng.
Xã hội hiện nay phức tạp với nhiều cạm bẫy và không ít học sinh chạy theo thế giới ảo trên mạng xã hội. Ở nhà, cha mẹ không có thời gian dành cho con, nhà trường lại không đảm nhận đầy đủ trách nhiệm dạy trẻ làm người tử tế. Thêm vào đó, căn bệnh thành tích đã ngấm vào tâm lý các bậc cha mẹ. Thấy con xếp thứ hạng thấp ở lớp là quát mắng mà không biết rằng, mỗi đứa trẻ có một năng lực riêng. Tại sao bắt chúng phải toán điểm 10, văn cũng điểm 10, lý cũng điểm 10 khi thực tế ra đời, mỗi người lại theo một ngành nghề riêng. Trước kia, chúng ta vẫn nói rất nhiều đến gia đình – xã hội – trường học là “ba chân kiềng” của ngành giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay, xã hội có tác động rất lớn đến trẻ. Báo chí, mạng xã hội, các nguồn thông tin tiêu cực ảnh hưởng rất lớn đến học sinh.
“Vậy chỉ có thể trông cậy vào nhà trường và gia đình. Nhưng phụ huynh thời đại hiện nay bận rộn. Ở thành phố, nhiều bậc cha mẹ thuê gia sư dạy con, thuê ô sin để chăm con. Đó là hai thứ làm cho trẻ vừa học dốt đi, vừa lười lao động”, nhà giáo Văn Như Cương trăn trở.
Ai sẽ cứu ngành giáo dục?
Từ kinh nghiệm bản thân trong việc giáo dục con cái, thầy Văn Như Cương cho biết, nhiều bậc phụ huynh đã và đang chiều chuộng con và giáo dục chúng theo mệnh lệnh và sự áp đặt của mình. Điều đó đều làm hỏng trẻ, khiến trẻ không có tính tự chủ. Vì muốn dành thời gian tuyệt đối cho con học tập, nhiều bậc cha mẹ không cho con đụng tay vào bất cứ việc gì, bài không làm được chờ gia sư đến giảng cho, trong khi chỉ có lao động mới sản sinh ra tính sáng tạo, chỉ có tự tư duy mới giải quyết được vấn đề trong học tập.
“Tại sao năng suất lao động của một công nhân Việt Nam chỉ bằng 1/15 của một công nhân Singapore?”, ông đặt câu hỏi.
Thế cho nên, muốn tăng năng suất lao động, chưa nói đến trí tuệ, ngay từ nhỏ, mỗi người phải tự rèn luyện sự tự chủ trong công việc, thuần thục kỹ năng lao động chân tay, khép mình vào kỷ luật lao động. Tất cả những điều đó không tự nhiên có mà đều phải học từ gia đình và nhà trường. “Đặc biệt, giáo dục cần có tầm nhìn xa, không thể để tình trạng “rách đâu vá đấy”. Vì thế, cần có triết lý giáo dục, trong đó có việc giáo dục trẻ trở thành con người tử tế, cả về nhận thức, kiến thức và giao tiếp. Hơn nữa, triết lý giáo dục phải thông suốt từ trên xuống dưới, không thể có chuyện ở trên thì trải thảm, ở dưới thì lót đinh, như vậy ai dám nhảy xuống?”, PGS. Văn Như Cương nhấn mạnh.
Về việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên ở các trường sư phạm, theo PGS. Văn Như Cương, chương trình mới phải có giáo viên theo phương pháp mới. Vì thế, ở các trường sư phạm cũng phải có các chương trình mới phù hợp, đội ngũ giáo viên chất lượng. Tuy nhiên, việc kỳ thi THPT quốc gia vừa qua lấy điểm đầu vào ngành Sư phạm quá thấp khiến dư luận đặt câu hỏi những người thầy tương lai được đào tạo ra sẽ như thế nào với trình độ thấp như vậy?
Để giải quyết cho hàng loạt câu hỏi, PGS. Văn Như Cương đưa ra quan điểm, hãy để học sinh học ít kiến thức đi. Người làm nhà báo, nhà văn cần gì đạo hàm, tích phân? Người nghiên cứu về Toán học có cần phải biết phân tích những bài văn như một nhà phê bình văn học? Tức là, phương pháp học mới chỉ nên tập trung dạy và học đúng kiến thức cốt lõi của phổ thông, dành thời gian cho các em học những thứ khác bổ ích hơn như giao tiếp, xử lý các vấn đề trong quan hệ xã hội, học về thực tế cuộc sống và các kỹ năng khác.
Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục nhân cách con người trong trường học. Ông nhận định, trước kia, người ta bảo nhà trường tách rời như ốc đảo của xã hội là sai. Nhưng bây giờ, đúng là phải làm thế nào để nhà trường tách khỏi những mặt xấu của xã hội. Cần có những nội quy nghiêm túc để học sinh phải tự khép mình vào kỷ luật; tự do nhưng phải tôn trọng nội quy của nhà trường bởi muốn thay đổi hay đánh giá một xã hội, người ta sẽ nhìn vào nền giáo dục trước tiên. Giáo dục không phải chạy theo mà phải “đi trước đón đầu” đồng thời gắn liền và tác động vào cuộc sống.
Nhà giáo cao tuổi tâm huyết với ngành khẳng định, giáo dục gắn liền với mọi gia đình, một quyết định của ngành đụng chạm và ảnh hưởng đến tất cả mọi người. “Tôi hy vọng đổi mới sẽ mang lại nhiều tiến bộ. Chúng ta cần nghiên cứu một cách chu đáo để giúp trẻ thích ứng với chương trình mới, cách học mới, đó là điều quan trọng nhất. Không ai khác, chỉ có thầy trò và phụ huynh cùng nhau cứu lấy ngành giáo dục mà thôi”, PGS. Văn Như Cương khẳng định.