Nguyễn Thu Hương - Chuyên viên Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình DươngTôi đã có khoảng thời gian sáu năm học tại Lào và được học ngôn ngữ Lào, có ít nhiều hiểu biết về văn hóa, thói quen sống và tính cách con người nơi đây. Cho đến khi bước vào ngành, được tiếp xúc với nước bạn trong môi trường đối ngoại, chứng kiến những tình cảm hai bên dành cho nhau, tôi càng thấm thía và hiểu sâu sắc hơn phương pháp “Ngoại giao tâm công” trong Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh, dùng tình cảm chân thành để thu phục lòng người. Tôi rất tự hào và cảm thấy may mắn khi được làm việc tại Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương. Môi trường làm việc kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cao với khối lượng công việc dày đặc song mọi người vẫn dành cho nhau sự quan tâm ân cần, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ. |
Phí Mạnh Thắng – Chuyên viên phòng Chính trị Kinh tế Đối ngoại - Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí MinhCuộc thi vào Bộ năm 2020 vừa qua, đối với cá nhân tôi là một bước ngoặt quan trọng. Trong quá trình chuẩn bị, không ít lần tôi đã nản lòng vì phần là lo sợ, phần vì lượng thông tin ôn tập quá nhiều, không biết xử lý và vận dụng nhuần nhuyễn thông tin để áp dụng vào bài thi như thế nào. Nhưng rồi với sự cố gắng của bản thân, tôi đã may mắn trở thành một trong 81 thí sinh vượt qua kỳ thi tuyển dụng, như sự đền đáp cho những tháng ngày đèn sách không quản mệt mỏi. Quá trình học tiền công vụ sau đó có thể nói là những tháng ngày đẹp nhất trong những bước chân đầu đời trong ngành Ngoại giao. Tại đây, tôi được lãnh đạo các đơn vị, các cây đa cây đề trong Ngành như nguyên Phó Thủ tướng Vũ khoan, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga… chỉ bảo kiến thức, truyền đạt kinh nghiệm. Sau đó, tôi được phân công về làm việc tại phòng Chính trị Kinh tế đối ngoại, Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh, mở đầu chặng đường làm ngoại giao của bản thân. |
Vũ Hồng Anh - Chuyên viên Vụ Tổng hợp Kinh tếTại đơn vị, cường độ làm việc chóng mặt và đòi hỏi trình độ chuyên môn cao đã thực sự thử thách tôi trong vài tháng làm việc đầu tiên và cũng không sai nếu nói là “sốc”. Vào một vài thời điểm “bão” hội nghị trong năm, công việc đã nhiều lại càng khó hơn do bản thân thiếu kinh nghiệm xử lý và chưa lường trước được những việc tiếp theo cần làm. Khó khăn là vậy, song những kinh nghiệm tôi có được là cực kỳ quý báu. Cường độ công việc cao đồng thời là cơ hội để tôi được rèn luyện và tiến bộ trong công việc, để có thể tự tin bước qua những cơn “bão” khác. Tôi rất may mắn được làm việc cùng các anh, chị và bạn bè đồng nghiệp cởi mở và sẵn lòng hỗ trợ khi cần thiết. Khi đã kết thúc kỳ thi tuyển dụng, cá nhân tôi cho rằng tất cả các thí sinh đều trở về chung một xuất phát điểm, trở thành những tân cán bộ ngoại giao. Để vững vàng bước tiếp, cần hơn cả là sự nhẫn nại, thái độ cầu thị và tinh thần không ngại khó, ngại khổ và luôn luôn phấn đấu vượt ra khỏi khả năng của mình. |
Nguyễn Bảo Ngọc - Bí thư thứ ba, Đại sứ quán Việt Nam tại Hy LạpLà một cán bộ trẻ, số năm công tác chưa nhiều nhưng đã được tập thể lãnh đạo đơn vị, hội đồng luân chuyển, lãnh đạo Bộ Ngoại giao tin tưởng, ủng hộ nguyện vọng công tác nhiệm kỳ tại nước ngoài, tôi cảm thấy vô cùng may mắn và tự hào. Đây là một cơ hội tốt và rất quan trọng cho việc phát triển bản thân, chuyên môn cũng như đặt nền móng cho định hướng phát triển sau này của một cán bộ Ngoại giao. May mắn hơn nữa, tôi đã được Bộ cử đi công tác tại Hy Lạp, một đất nước của nền văn minh lâu đời, của triết học và lịch sử. Tuy kinh tế Hy Lạp còn đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng con người Hy Lạp vô cùng thân thiện, nhiệt huyết và có tình cảm đặc biệt với đất nước Việt Nam. Sau một thời gian triển khai nhiệm vụ, tôi đã có cơ hội tham gia nhiều công tác quan trọng như: đón đoàn cấp cao (Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân); tham gia vào quá trình đàm phán thành công việc Hy Lạp trao tặng vaccine cho Việt Nam theo chủ trương đẩy mạnh ngoại giao vaccine; thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước; vận động bạn ủng hộ ta tại các diễn đàn đa phương… |
Lê Như Thái Hoàng - Tùy viên, Đại sứ quán Việt Nam tại BrazilCông việc tại Cơ quan đại diện đa dạng hơn so với ở trong nước, tôi đã mất khá nhiều thời gian để làm quen với những công việc mới mà gần như một cán bộ trẻ chưa từng đảm nhiệm, cụ thể: tôi phụ trách công tác nghiên cứu, quản trị, lễ tân… Nhiều khi, do chưa quen việc nên tôi vẫn mắc phải một số lỗi và nhận ra có nhiều điều cần phải học hỏi từ những người đi trước và các anh chị trong cơ quan. Người dân Brazil chủ yếu chỉ sử dụng tiếng Bồ Đào Nha, việc giao tiếp đối với tôi tương đối khó khăn, cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh nên tôi cũng chưa có cơ hội tham gia các khóa học ngoại ngữ, vì vậy tôi thường xuyên phải “ỷ lại” Google dịch. Đối với một cán bộ trẻ, việc bếp núc, chợ búa cũng là một trở ngại lớn. Đi làm về nhiều hôm mệt tôi toàn ăn mỳ cho xong bữa, nhưng về sau thấy như vậy không ổn nên tôi cũng tranh thủ “học lỏm” các anh chị trong cơ quan cách nấu món này món kia và giờ thì tôi cũng “dắt túi” một vài món Việt cơ bản. |
Lê Minh Trang - Tùy viên, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai CậpLà một cán bộ trẻ lần đầu đi công tác nhiệm kỳ, ắt hẳn không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ trong thời gian đầu tiếp cận với công việc tại Đại sứ quán. So với công việc trong nước, công việc bên ngoài cũng có rất nhiều khác biệt. Công việc tại Đại sứ quán mang tính chất tác chiến và xử lý nhiều hơn. Tôi đã nhiều năm ăn Tết xa nhà, nhưng đây là năm đầu tiên tôi đón Tết với cương vị là một cán bộ tại Cơ quan đại diện. Khi nhận được thông báo về việc tổ chức ngày Tết cộng đồng, công dân ta ở sở tại rất phấn khởi và vui mừng, háo hức lại có dịp được tụ họp để cùng đón Tết, cùng ăn món ăn Việt. Sắp tới Đại sứ quán sẽ tổ chức gói bánh chưng, trang trí đón Tết thật đầm ấm, yên vui và đặc biệt sẽ cùng nhau đón giao thừa. Mặc dù đón Tết xa nhà, nhưng không khí ấm cúng, rộn ràng và những hoạt động ngày Tết cũng sẽ đầy đủ không kém ở quê hương. |