📞

Cận cảnh hai chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập

08:19 | 30/04/2017
Quân giải phóng từ các hướng ồ ạt tiến vào nội đô Sài Gòn. Trưa 30/4/1975, hai chiếc xe tăng mang số hiệu 390 và 843 đã cùng tiến vào và húc đổ cổng và cắm cờ trên nóc Dinh Độc lập, người dân đổ ra đường trong niềm vui thống nhất.
Ngày 30/4/1975, Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 được giao nhiệm vụ đánh chiếm Dinh Độc lập theo ba hướng gồm cổng chính và 2 cổng phụ hai bên. Hai chiếc xe tăng T59 mang số hiệu 390 (do trung úy Vũ Đăng Toàn chỉ huy) và T54B mang số hiệu 843 (do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy) đã cùng nhau tiến thẳng vào Dinh Độc lập và lần lượt húc đổ cổng chính (hướng chính diện) và một cổng phụ, tiến vào cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Sau ngày giải phóng, mất một khoảng thời gian dài để có thể xác định đâu là chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng chính Dinh Độc lập, bởi chiếc xe tăng mang số hiệu 843 đã bị mắc kẹt ở cổng phụ, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận phải nhảy khỏi chiếc xe tăng đang chết máy và tiến vào cắm cờ trên nóc Dinh Độc lập với sự yểm trợ của trung úy Vũ Đăng Toàn. Tuy nhiên, nhờ bức ảnh tư liệu duy nhất ghi lại khoảnh khắc lịch sử trưa ngày 30/4 đó của nữ nhà báo người Pháp Fancoise Dumulder, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 đã được công nhận là chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào và húc đổ cổng Dinh. (Ảnh: Fancoise Dumulder)
Hai chiếc xe tăng lịch sử đã cùng nhau tiến vào Dinh Độc lập, cùng nhau trải qua bao thăng trầm khác nhau. Đến năm 2012, cả hai chiếc xe tăng đều được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Chiếc xe tăng 390 hiện nay được trưng bày dưới tầng hầm Bảo tàng Tăng thiết giáp (đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội). Đây là chiếc xe tăng chiến đấu hạng trung do Trung Quốc sản xuất trên mẫu xe T54A của Liên Xô và viện trợ cho Việt Nam vào năm 1969. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Ngày 9/11/2012, tại căn hầm này, Thủ tướng Chính phủ đã công bố quyết định công nhận xe tăng T59, số hiệu 390 là bảo vật quốc gia. Vinh quang được trao trả lại đúng chỗ cho những người lính có mặt trên chiếc xe tăng cùng chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ Dinh Độc lập. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Chiếc xe tăng 390 từng tham gia các cuộc giải phóng Huế, Đà Nẵng trong các trận tiến công vào Sài Gòn – Gia Định, căn cứ Nước Trong. Đúng 11h30, ngày 30/4, một trang lịch sử mới đã mở ra cho dân tộc Việt Nam khi chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc lập, mở đường cho quân ta tấn công vào đầu não của địch và bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của ông ta. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Sau ngày giải phóng, chiếc xe tăng 390 tiếp tục tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Campuchia, hòa mình trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979. Sau đó, xe tăng 390 được sử dụng làm xe huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Năm 1999, T59 – 390 được đưa về Bảo tàng Tăng thiết giáp trưng bày trong ngày khánh thành. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Trong khi đó, chiếc xe tăng T54B mang số hiệu 843 được chuyển từ Dinh Độc Lập về trưng bày tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam (28B Điện Biên Phủ). (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Chiếc xe tăng 843 do Liên Xô chế tạo và viện trợ cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mặc dù chiếc xe tăng 843 không còn hoạt động từ lâu, nhưng nó vẫn giữ được gần như nguyên bản, chỉ một vài bộ phận han gỉ, hỏng hóc được thay thế, cùng với lớp sơn được thay thế hoàn toàn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Sau ngày giải phóng, chiếc xe tăng 843 chủ yếu được đưa di dự triển lãm, tham gia huấn luyện và sau đó trưng bày tại Hội trường Thống Nhất từ năm 1979. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Sau 42 năm, cả hai chiếc xe tăng đã trải qua những trận đánh lịch sử cùng những thăng trầm khác nhau và đều đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Những người chỉ huy, những người lính anh dũng có mặt trên hai chiếc xe tăng lịch sử đều đã trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong khoảnh khắc lịch sử oai hùng của dân tộc, chấm dứt cuộc chiến tranh, thống nhất đất nước. (Ảnh: Fancoise Dumulder)